Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử , phiên tòa được khai mở vào sáng 17/3 và dự kiến kéo dài trong 8 ngày, kể cả thứ bảy, chủ nhật.
Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Lưu Ngọc Cảnh, thành phần Hội đồng xét xử còn có hai Hội thẩm nhân nhân dân; thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử gồm 4 Kiểm sát viên.

Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Theo cáo buộc, Dự án mua sắm trang thiết bị và thuê dịch vụ kỹ thuật nhằm theo dõi, phân tích sự cố, tấn công an toàn thông tin mạng trên một số kênh kết nối Internet quốc tế, do VNCERT làm Chủ đầu tư. Dự án được phân chia thành 12 gói thầu (từ gói số 1 đến gói số 12), gồm: Gói thầu mua sắm hệ thống thiết bị, phần mềm; các gói thầu thuê, mua dịch vụ; các gói thầu tư vấn; gói thầu thẩm định giá; gói thầu giám định hàng hóa...
Riêng gói thầu số 8 đầu tư mua sắm hệ thống thiết bị, phần mềm có giá trị hơn 70,6 tỷ đồng. Phía Công ty AIC được xác định trúng thầu, tổng giá trị hơn 70,5 tỷ đồng.
Theo cơ quan tố tụng, việc thực hiện đấu thầu gói thầu trên theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Tuy nhiên các bị can thuộc chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị thẩm định giá, đơn vị tư vấn lập dự án đã thực hiện các hành vi thông đồng, gian lận trong đấu thầu, vi phạm quy định về đấu thầu, để Công ty AIC của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trúng thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 17,2 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra đánh giá bà Nhàn là chủ mưu, cầm đầu vụ án, các bị can khác giữ vai trò đồng phạm giúp sức...
Hồ sơ vụ án còn thể hiện, sau khi đấu thầu, vào dịp Tết nguyên đán năm 2019, nhân viên của AIC gọi điện cho bị can Nguyễn Trọng Đường (cựu Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Thông tin và Truyền thông), hẹn tới chúc Tết nhưng ông này không gặp. Phía Công ty AIC sau đó gửi quà và ông Đường nhận, mở ra thấy có 1 tỷ đồng.
Số tiền ông Đường sử dụng cá nhân 200 triệu đồng, còn lại chia cho những người thực hiện Dự án và một phần để sử dụng phục vụ các hoạt động chung của VNCERT.

Các bị can trong vụ án.
Cơ quan điều tra xác định, ông Đường có vai trò là người đại diện chủ đầu tư trong quá trình xây dựng danh mục trang thiết bị phần mềm và triển khai đấu thầu. Ông đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền tạo điều kiện cho AIC tham gia vào tất cả giai đoạn để thống nhất trước danh mục, giá thiết bị phần mềm...
Cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã toàn quốc; truy nã quốc tế; truy nã đặc biệt ngày 29/6/2023.
Đây là vụ án thứ 5, bà Nhàn bị xử lý hình sự. Năm 2022, bà bị TAND Hà Nội phạt 30 năm tù về hai tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ", với vai trò là chủ mưu trong vụ án xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Tháng 10/2023, bà Nhàn bị TAND Quảng Ninh tuyên án 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", liên quan sai phạm cung cấp thiết bị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh.
Giữa tháng 7/2024, bà Nhàn tiếp tục bị tuyên phạt 24 năm tù về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Đưa hối lộ" liên quan vụ án xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM.
Mới đây nhất, đầu tháng 11/2024, bà Nhàn bị xét xử vắng mặt, tuyên mức án 13 năm tù về tội "Đưa hối lộ" trong vụ sai phạm về mua sắm thiết bị y tế tại 6 Bệnh viện đa khoa trong tỉnh Bắc Ninh...