Wang Xingxing - CEO 9x đứng sau công ty robot hình người Unitree

21/02/2025 04:02

Wang Xingxing, CEO sinh năm 1990 của Unitree, thu hút sự chú ý khi ngồi ở vị trí trung tâm trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 17/2.

Đầu tuần này, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc gặp người đứng đầu các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Trung Quốc, như nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei), Chủ tịch BYD Vương Truyền Phúc (Wang Chuanfu), Chủ tịch New Hope Lưu Vĩnh Hạo (Liu Yonghao), Chủ tịch Will Semiconductor Ngu Nhân Vinh (Yu Renrong), Chủ tịch Xiaomi Lôi Quân (Lei Jun).

Vị trí của Wang Xingxing trong buổi gặp các lãnh đạo công nghệ Trung Quốc với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: CCTV

Vị trí của Wang Xingxing trong buổi gặp các lãnh đạo công nghệ Trung Quốc với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: CCTV

Wang Xingxing (Vương Hưng Hưng) nằm trong "nhóm tinh hoa" này dù tuổi đời còn rất trẻ. Người sáng lập kiêm CEO công ty robot hình người Unitree Robotics được xếp ngồi ngang hàng với đại diện Huawei và BYD, ở vị trí trung tâm và đối diện ông Tập.

Nói sau cuộc gặp ngày 17/2 trước báo giới, Xingxing nhấn mạnh tầm quan trọng của robot, đồng thời dự đoán sự phát triển của robot hình người hỗ trợ AI sẽ đạt đến một tầm cao mới vào cuối năm nay. "Robot tích hợp sức mạnh AI đang phát triển rất nhanh, nhanh hơn tôi mong đợi, mang đến cho tôi những bất ngờ lớn mỗi ngày", Xingxing cho biết. "Chúng ta cần có những mô hình AI phù hợp với robot. Khi đã phù hợp, chỉ cần đào tạo với sức mạnh tính toán tốt hơn, nó sẽ thúc đẩy đáng kể tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực".

Trong cuộc sống đời thường, Xingxing xuất hiện với hình ảnh một CEO công nghệ điển hình: áo đen, quần jean và giày thể thao.

Wang Xingxing tại một sự kiện của Unitree. Ảnh: Unitree Robotics

Wang Xingxing tại một sự kiện của Unitree. Ảnh: Unitree Robotics

"Nhà phát minh trượt tất cả các kỳ thi"

Wang Xingxing sinh năm 1990 trong một gia đình bình thường ở Ninh Ba, Chiết Giang. Không như nhiều nhà sáng lập công nghệ có năng khiếu học thuật, anh từng được xem là "lớn lên trong thất bại suốt chặng đường".

Chia sẻ với Yicai tháng 8/2024, Xingxing cho biết anh luôn bị điểm kém môn tiếng Anh và không bao giờ có điểm tốt trong các kỳ thi quan trọng với môn này. Trong mắt giáo viên, cậu bé không nhớ nổi chữ, thường than phiền với cha mẹ anh là một "đứa trẻ ngốc nghếch". Với các môn khác, anh tự mô tả: "Tôi học ở mức trung bình. Điểm của tôi hoặc đứng đầu hoặc đứng thứ hai từ dưới lên".

Nhưng một "đứa trẻ ngốc nghếch" như vậy đã tìm thấy thế giới riêng. Từ nhỏ, Xingxing có năng khiếu thực hành, thích tạo ra những thứ mình muốn. Không có nhiều tiền tiêu vặt, anh đã sáng chế ra nhiều đồ chơi bằng cách thu thập phế liệu, từ máy bay mô hình, pin sạc đến động cơ tua-bin. Có lần, vì quá say mê thí nghiệm, anh suýt bị nhiễm độc.

"Khi học tiểu học, tôi đã chế một ôtô nhỏ chạy bằng sức gió. Trong ba năm học trung học cơ sở, tôi chủ yếu tập trung vào nghiên cứu động cơ phản lực siêu nhỏ. Tôi cũng chế pin sạc và thực hiện nhiều thí nghiệm hóa học khác. Có lần, tôi điện phân nước. Điện phân tạo ra khí clo, nhưng tôi đặt nó ở tầng một và quên tắt nó. Khi thức dậy vào ngày hôm sau, toàn bộ tầng dưới đều có mùi clo, khiến cả nhà suýt bị đầu độc", anh kể trên Yicai.

Một robot được Xingxing chế tạo từ phế liệu khi còn nhỏ. Ảnh: Yicai

Một robot được Xingxing chế tạo từ phế liệu khi còn nhỏ. Ảnh: Yicai

Thích sáng tạo, nhưng Xingxing cho biết anh có cảm giác chán nản khi ở trường và cũng không có thành tựu nào đáng kể. Tuy nhiên, anh muốn trở thành một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ.

Trải qua quãng thời gian học hành không mấy ấn tượng, Xingxing vẫn nộp đơn tuyển sinh đại học và đậu Đại học Khoa học - Công nghệ Chiết Giang. Ngay từ khi vào trường, anh vẫn chủ yếu đến các xưởng thực hành với mục đích chế tạo robot.

Theo Xingxing, khi vào đại học, anh không có nhiều tiền, không nguồn lực, cũng không có hỗ trợ và thậm chí không có công cụ để phục vụ đam mê ngoài một chiếc máy khoan tay. Vì thiếu máy mài, anh chà xát các chi tiết trên mặt đất bằng tay, đến nỗi khiến tay bị phồng rộp, thô rát.

"Tôi thường nói đùa rằng mình cực kỳ keo kiệt, vì chỉ cần 200 nhân dân tệ (700.000 đồng) là có thể tạo được một con robot. Trong mắt tôi, giá của robot không khác gì giá của một chiếc quạt điện", anh kể.

Cũng từ đó, Xingxing thực sự phát hiện tài năng của mình. Anh tiếp tục chạy theo hướng bản thân cảm thấy giỏi nhất và ngày càng tự tin.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Chiết Giang, Xingxing nộp đơn vào Đại học Thượng Hải để theo học sau đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí. Anh tin những con robot bốn chân cỡ nhỏ, chạy bằng điện và có độ linh hoạt cao là hướng phát triển trong tương lai. Vì thế, anh bắt đầu nghiên cứu chúng trong chương trình thạc sĩ và từ đó chính thức gắn bó với robot bốn chân.

Wang Xingxing và robot XDog. Ảnh: CCTV

Wang Xingxing và robot XDog. Ảnh: CCTV

Năm 2015, khi chưa tốt nghiệp thạc sĩ, Xingxing đã tham gia các cuộc thi thiết kế robot. Khi đó, mẫu robot XDog do anh phát triển từ phế liệu, động cơ của máy bay mô hình kết hợp các chi tiết tự gia công đã giành giải nhì trị giá 80.000 nhân dân tệ (280 triệu đồng). Quan trọng hơn, robot này là tiền đề để anh trở thành cái tên tiên phong trong giải pháp robot bốn chân hiệu suất cao, chi phí thấp thời đó.

"Trên thực tế, hầu hết sáng kiến trong xã hội đều là sự kết hợp", Xingxing nói. "Bằng cách kết hợp những ý tưởng và công nghệ mới nhất từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau và đảm bảo chúng đi đầu, bạn thực sự có thể trở thành người giỏi nhất thế giới".

Năm 2016, Xingxing tốt nghiệp thạc sĩ. Anh sau đó gặp gỡ một số nhà đầu tư, nhưng nghĩ rằng thị trường chưa đủ trưởng thành nên đã "chôn chặt hạt giống khởi nghiệp trong lòng". Sau đó, anh gia nhập DJI, công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị bay không người lái dân dụng, với vai trò kỹ sư.

Thời gian này, mẫu robot bốn chân XDog bất ngờ nhận sự chú ý trở lại, giúp Xingxing nổi tiếng trong giới truyền thông, công nghệ và trên mạng xã hội, cũng như vào tầm ngắm của các công ty lớn. Một mặt, có người muốn mua, mặt khác, có người muốn đầu tư. Nhưng thay vì bán, anh rời DJI, chính thức thành lập Yushu Technology vào tháng 8/2016, với tên quốc tế là Unitree Robotics. Năm đó, anh 26 tuổi.

Phát triển vượt bậc

Trong những năm đầu, Unitree Robotics chủ yếu nghiên cứu nội bộ. Nhưng vài năm sau, công ty đã được biết đến rộng rãi, khi trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới thương mại hóa robot bốn chân hiệu suất cao.

Năm 2021, Unitree phát hành Unitree Go1, robot bốn chân tương tự Spot của Boston Dynamics. Robot trang bị mười hai động cơ, mỗi động cơ tạo mô-men xoắn cực đại 23,7 Nm, có thể quay với tốc độ 280 vòng/phút, di chuyển trên nhiều bề mặt khác nhau bao gồm cát, đá và đất. Theo đánh giá của WSJ khi đó, chó robot "là thành tựu lớn của công nghệ Trung Quốc".

Trong giai đoạn này, Unitree được gọi là "phiên bản Trung Quốc của Boston Dynamics". Tuy nhiên, Xingxing cho biết chưa bao giờ coi công ty Mỹ là đối thủ cạnh tranh. "Giai đoạn 2013-2015, khi tôi nghiên cứu XDog, họ chỉ mới công bố giải pháp truyền động điện. Chúng tôi cũng thương mại hóa robot bốn chân trước họ", anh cho biết. "Bạn có thể nghĩ chúng tôi giống Boston Dynamics, nhưng chúng tôi đi theo con đường riêng của mình".

Sau 2021, Unitree cũng nghiên cứu robot hình người. Trong năm 2023, công ty giới thiệu model H1 và sau đó là bản nâng cấp G1 năm 2024, có thể sản xuất hàng loạt với giá khoảng 16.000 USD.

Các thế hệ robot của Unitree tính đến 2013. Ảnh: Unitree/ Universeailtd

Các thế hệ robot của Unitree tính đến 2023. Ảnh: Unitree/ Universeailtd

Các mẫu robot của công ty cũng xuất hiện nhiều hơn tại các sự kiện lớn như CES 2024, Hội nghị AI GTC của Nvidia, Hội nghị Robot Thế giới tại Bắc Kinh, cũng như các sự kiện văn hóa, thể thao như Thế vận hội. Tại Lễ hội mùa xuân dịp Tết Nguyên đán năm nay, những robot được trang bị công nghệ nhận dạng giọng nói tiên tiến cùng AI cảm xúc của Unitree đã biểu diễn một điệu múa dân gian kết hợp với các vũ công là con người. Công ty cho biết sự kiện đánh dấu "buổi biểu diễn robot hình người đầu tiên trên thế giới bằng AI, được tự động hóa hoàn toàn với quy mô lớn".

Nói về câu chuyện của mình, Xingxing cho rằng trải nghiệm nghèo khó trước đây phần nào là điều tốt để anh có kết quả hiện tại. "Trong hoàn cảnh tương đối hạn chế, động lực bản thân sẽ cho phép bạn suy nghĩ rõ ràng về những gì bạn thực sự muốn làm, sau đó chia nhỏ ra, làm tốt mỗi ngày và làm đến cùng. Cuối cùng, thế giới này sẽ không phụ lòng những người nỗ lực", anh cho biết.

Xingxing rất lạc quan về tương lai. Anh dự đoán AI sẽ mang lại những thay đổi to lớn cho cuộc sống con người trong 3-5 năm tới. "Những doanh nhân công nghệ Gen Z như tôi rất may mắn khi bắt kịp sự phát triển bùng nổ của AI, các công nghệ mới cũng mang đến nhiều cơ hội mới", anh cho biết. "Mỗi công nghệ cuối cùng có thể được xây dựng thành một cây công nghệ trong vũ trụ, thực sự mang lại ánh sáng cho cuộc sống con người".

Bảo Lâm tổng hợp

Robot hình người của Trung Quốc múa khăn trong gala năm mới Robot hình người - đấu trường mới của các ông lớn công nghệ Hai robot hình người Trung Quốc gây sốt khi di chuyển tự nhiên Robot hình người Unitree G1 trổ tài múa gậy, nấu nướng