Người từ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội nhiều lần bị phạt cao nhất 18 năm tù

23/10/2024 12:13

Ngày 23-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết quy định tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội đã được sửa đổi để khắc phục sự thiếu công bằng.

Người từ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội nhiều lần bị phạt cao nhất 18 năm tù- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: Hồ Long

Về mức tổng hợp hình phạt chung đối với người chưa thành niên phạm tội nhiều lần, dự thảo Luật quy định phạt không quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và áp dụng thống nhất với mọi tội phạm.

Theo bà Lê Thị Nga, quy định như vậy vừa bảo đảm phân hóa được chính sách xử lý giữa người chưa thành niên phạm 1 tội với người chưa thành niên phạm nhiều tội; vừa không tăng nặng trách nhiệm xử lý so với quy định của Bộ Luật Hình sự, vừa khắc phục được bất cập trong quy định về tổng hợp hình phạt...

Cũng theo dự thảo Luật, người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn.

Đối với hình phạt tù có thời hạn, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 15 năm tù.

Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định khi phạm một trong các tội sau đây: Tội giết người; Tội hiếp dâm; Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Tội sản xuất trái phép chất ma túy.

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 9 năm tù.

Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định khi phạm một trong các tội sau đây: Tội giết người; Tội hiếp dâm; Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Tội sản xuất trái phép chất ma túy.

Người từ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội nhiều lần bị phạt cao nhất 18 năm tù- Ảnh 2.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương tham gia thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Hồ Long

Thảm gia thảo luận, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) quan tâm đến quy định tại Điều 18 dự thảo Luật về bảo đảm và tôn trọng quyền tham gia, trình bày ý kiến. Theo ông Phương, khoản 1 Điều 18 có một ý quy định: " Việc người chưa thành niên không nhận tội không bị coi là không thành khẩn khai báo".

Vị đại biểu đoàn Tây Ninh đề nghị xem lại quy định này bởi hiện nay, việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự, được xem xét, cân nhắc khi quyết định hình phạt đối với người thành khẩn hay không thành khẩn.

Dự thảo Luật quy định ý kiến trình bày của người chưa thành niên phải được tôn trọng, không bị coi là không đáng tin cậy chỉ vì lý do tuổi của họ, tuy nhiên lại quy định việc người chưa thành niên không nhận tội lại không bị coi là không thành khẩn khai báo thì không phù hợp, không khuyến khích được người chưa thành niên trình bày đúng sự thật mà còn có nguy cơ gây khó khăn trong quá trình làm việc, xác minh làm rõ sự thật khách quan.

Tuy trách nhiệm chứng minh là của các cơ quan tố tụng, song đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng luật luôn khuyến khích để đối tượng thành khẩn khai báo và có chính sách xem xét đối với người thành khẩn. "Việc người chưa thành niên không nhận tội trong khi thực tế mình có tội thì không thành khẩn khai báo; nếu cào bằng giữa người chưa thành niên thành khẩn nhận tội và người chưa thành niên không nhận tội thì không phù hợp"- ông Huỳnh Thanh Phương nêu quan điểm.