Mỗi tên xã, tên phường đều có ý nghĩa văn hóa, lịch sử
Thưa ông, Hà Nội vừa công bố tên gọi dự kiến các phường, xã sau khi sáp nhập, trong đó giữ được rất nhiều tên có yếu tố lịch sử, văn hóa. Nhiều tỉnh, thành phố cũng công bố đặt tên xã, phường mới có yếu tố truyền thống văn hóa. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này, đặc biệt, khi trước đó có nhiều thông tin về việc sẽ đặt tên gắn với số thứ tự?
Hà Nội là một địa phương đặc biệt, là Thủ đô nghìn năm văn hiến, mỗi con phố, tên đường, địa danh đều mang yếu tố lịch sử sâu đậm. Tôi nghĩ rằng, lãnh đạo Hà Nội đã cân nhắc rất kỹ. Những tên quen thuộc như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa ... thì không thể bỏ được. Tôi thấy, phương án đặt tên dự kiến của Hà Nội rất hợp lý. Nhưng cũng có địa phương, dự kiến đặt tên xã, phường sau sáp nhập theo một cái tên gợi nhớ về vùng đất rộng lớn hơn, như là tên huyện cũ, sau đó đánh số thứ tự.
Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dự kiến sẽ sắp xếp thành 2 phường: Hoàn Kiếm, Cửa Nam. Trong ảnh là phố Cửa Nam. Ảnh: Duy Phạm.
Phải khẳng định rằng, tất cả tên xã, phường, quận, huyện của Việt Nam đều có ý nghĩa sâu sắc, mang đậm yếu tố lịch sử, văn hóa. Nhưng, cũng phải thấy rằng, lần đặt tên này cũng là một dấu ấn lịch sử mới trong kỷ nguyên mới. Theo tôi, quan trọng hơn cái tên, là nhận thức của con người, nhận thức của mỗi người, trong bối cảnh sáp nhập này, luôn nhớ về địa danh gắn bó với mình, dẫu địa danh, cái tên đó còn hay không.
Cũng phải nói là việc đặt tên đơn vị hành chính mới rất khó, phải chia sẻ với những người làm công tác này, bởi khó có thể thỏa mãn được tất cả mọi người. Nếu được cái này, có khi phải chấp nhận mất cái khác, đó là sự thật. Rồi, phải thực hiện theo quy chuẩn thống nhất, đồng bộ trong cả nước, nên khó có thể đáp ứng được tất cả.
Ta phải đặt vấn đề lớn hơn nữa, mỗi người, mỗi cán bộ phải coi trọng yếu tố văn hóa. Tên gọi là một vấn đề, một khía cạnh văn hóa. Trong phát triển kinh tế - xã hội, phải luôn luôn nhớ tới yếu tố văn hóa. Thiếu yếu tố này là thiếu đi một vấn đề lớn. Đặc biệt, với cán bộ, phải trân trọng, tôn trọng văn hóa của từng địa phương. Các phường, các xã nhập vào, lãnh đạo không thể cục bộ địa phương, "phường anh, phường tôi" mà phải trân trọng văn hóa chung, trân trọng từng nét đặc trưng riêng của từng phường, từng phố, từng xã, từng làng. Tên làng, tên xã cũng nằm trong văn hóa lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc. Đây là câu chuyện lớn.
Đảng ta xác định, văn hóa Việt Nam là thống nhất trong đa dạng, không phân biệt dân tộc nào, không phân biệt Bắc - Trung - Nam, không phân biệt nơi này nơi kia. Việt Nam đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, vượt qua bao nhiêu sóng gió, gắn bó, đoàn kết với nhau... bây giờ vì cái tên này, cái tên kia mà mất đoàn kết thì không ổn.
Văn hóa chính là sự bao dung, văn hóa chính là sự sẻ chia, văn hóa chính là sự hòa đồng. Chính nhờ sự đoàn kết mà Việt Nam giữ được đất nước, nhờ sự đoàn kết mà phát triển. Vậy thì phải có tính bao dung, rộng lượng, cái riêng phải hòa vào cái chung, nhưng trong cái chung cũng không để mất cái riêng, bởi cái riêng càng phong phú, giàu bản sắc bao nhiêu thì cái chung cũng càng phong phú, mạnh mẽ bấy nhiêu. Cái chung và cái riêng có mối liên hệ mật thiết với nhau, riêng có mạnh thì chung mới mạnh. Điều đó đã trở thành lẽ sống, tư duy, cách hành xử của người Việt Nam, nên giữ truyền thống đó.
Không để xảy ra những tổn thương về văn hóa
Như ông vừa nói, cũng có những lo ngại khi sáp nhập, sẽ có tâm lý "tỉnh anh, tỉnh tôi, xã anh, xã tôi". Vậy, làm thế nào để duy trì sự đoàn kết, không để nảy sinh những vấn đề mất đoàn kết, ảnh hưởng đến sự phát triển chung, thưa ông?
Phải nói rằng đây là một vấn đề lớn. Nhưng, như tôi đã nói, mỗi người phải tự thắng chính bản thân mình. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nói, phải đặt vấn đề lớn hơn, "quê hương là đất nước". Tổng Bí thư cũng nêu, đây là thời điểm tốt nhất để sàng lọc cán bộ. Nếu cán bộ vẫn còn tư tưởng địa phương chủ nghĩa, phe cánh, trù dập người khác, cứ "quê tôi, quê anh, tỉnh tôi, tỉnh anh" gây mất đoàn kết nội bộ thì phải bị xử lý. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh là không được để những tổn thương về văn hóa. Tổn thương văn hóa rất khó lành, rất khó chữa.
TS Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Toquoc.vn
Biện pháp duy trì sự đoàn kết thì có muôn vàn cách áp dụng trong muôn vàn hoàn cảnh, nhưng giả sử một tỉnh nào đó không còn tên nữa khi sáp nhập, thì trong tập thể lãnh đạo tỉnh sau sáp nhập, nhất là người đứng đầu, phải ứng xử trân trọng, tế nhị, thậm chí quan tâm hơn mức bình thường đối với địa phương không còn tên nữa. Thời điểm đó, có khi, chỉ một câu nói bình thường trở thành mâu thuẫn. Vì thế, phải có cái nhìn rộng rãi, khoáng đạt. Tôi nhắc lại, đừng nhìn theo kiểu tiểu nông mãi, cứ "quê tôi, quê anh, địa phương tôi, địa phương anh" thì không phát triển được.
Hiện nay, chúng ta tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính để hướng tới sự phát triển, dân giàu nước mạnh, để sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Chính yếu tố văn hóa, sẽ giúp chúng ta nhận thức đúng đắn, từ đó có hành động, việc làm đúng đắn hướng tới mục tiêu đó. Cần tập trung hướng tới kết quả của " cuộc cách mạng " này. Mà đã là cách mạng, thì không thể không có những hy sinh, mất mát, nhưng nếu mất cái nhỏ để được cái lớn hơn thì cũng xứng đáng.
Cán bộ có tư tưởng cục bộ địa phương thì vẫn "ngủ trong giường chiếu hẹp"
Rõ ràng, như ông nói, việc sáp nhập đơn vị hành chính hướng tới mở rộng không gian phát triển. Điều cần thiết là cần gắn kết các cộng đồng dân cư với nhau, duy trì sự đoàn kết để phát triển. Điều này, có vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ cán bộ, thưa ông?
Tôi thấy, nhiều địa phương sáp nhập với nhau để tạo ra động lực phát triển mới, có nguồn tài nguyên, nhân lực lớn hơn, kết nối giao thông thuận tiện hơn. Tuy nhiên, để phát triển được những tiềm năng đó, thì cán bộ là gốc. Điều kiện thuận lợi đấy, nhưng đòi hỏi cán bộ phải nâng tầm mới đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Tôi thấy rằng, việc tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính cũng là dịp để nâng cao năng lực, nhận thức, tư tưởng, trình độ chuyên môn, khả năng lãnh đạo, quản lý của cán bộ các cấp. Đặc biệt, bây giờ chính quyền địa phương còn 2 cấp, gần dân, sát dân hơn thì điều này càng quan trọng.
Vấn đề văn hóa như trao đổi ở trên thiên về tình cảm, sâu đậm trong trái tim mỗi người, nên người dân bàn nhiều đến tên gọi, nơi đặt trung tâm hành chính, và tất nhiên, nó có ảnh hưởng nhất định.
Tuy nhiên, như tôi nói, trên cơ sở vì cái chung, cán bộ, lãnh đạo cần "nhìn về một hướng", tập trung tất cả cho công việc. Ai còn tư tưởng cục bộ địa phương thì phải chấm dứt . Cán bộ mà còn phân biệt tỉnh tôi, tỉnh anh thì không thể phát triển được, vẫn là "ngủ trong giường chiếu hẹp" thôi. Những người như thế cần đứng sang một bên cho người khác làm. Thế hệ trẻ bây giờ rất tài năng, nếu chúng ta trọng dụng họ, xếp đúng chỗ, giao đúng việc, có kiểm tra, giám sát, bồi dưỡng lộ trình phát triển, lớp trẻ có thể gánh vác các công việc lớn của đất nước không thua kém thế hệ cha ông...
Trân trọng cảm ơn ông!