Sau sáp nhập tỉnh, sắp xếp cấp xã, địa phương nào có nhiều đặc khu nhất cả nước?

24/04/2025 00:02

Theo Nghị quyết 60, địa phương này thực hiện sáp nhập tạo thành một tỉnh mới có 4,95 triệu dân trên diện tích 9.888 km2.

UBND tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai lấy ý kiến cử tri trong sắp xếp đơn vị hành chính. Theo Kế hoạch, Kiên Giang tổ chức lấy ý kiến cử tri từ ngày 23 đến 25/4. Thông qua Hội đồng nhân dân cấp xã ngày 26/4, thông qua Hội đồng nhân dân cấp huyện ngày 27/4. Thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang ngày 28/4 và hoàn thành hồ sơ đề án trình Trung ương ngày 29/4.

Dự thảo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Kiên Giang định hướng sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp cơ sở của tỉnh còn 48 đơn vị hành chính cấp cơ sở (41 xã, 4 phường và 3 đặc khu), giảm 66,43% - so với 143 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Trong đó, Kiên Giang sắp xếp, tổ chức lại 3 đặc khu là đặc khu Phú Quốc, đặc khu Thổ Châu và đặc khu Kiên Hải. Như vậy, đây sẽ là địa phương có nhiều đặc khu nhất cả nước, chiếm 3/13 đặc khu sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Sau Kiên Giang là Quảng Ninh, với 2 đặc khu Vân Đồn và Cô Tô.

Sau sáp nhập tỉnh, sắp xếp cấp xã, địa phương nào có nhiều đặc khu nhất cả nước?- Ảnh 1.

Huyện đảo Vân Đồn sẽ là 1 trong 2 đặc khu của tỉnh Quảng Ninh- Ảnh minh họa: Nhịp sống kinh tế

Về số lượng đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp ở Kiên Giang theo dự kiến có 6 đơn vị hành chính, trong đó có 2 đơn vị hành chính cấp xã đủ tiêu chuẩn không phải thực hiện sắp xếp; có 4 đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù như Thổ Châu (TP Phú Quốc), xã Tiên Hải (TP Hà Tiên), xã Hòn Nghệ, xã Sơn Hải (huyện Kiên Lương).

Định hướng 4 phường sau khi sắp xếp là phường Rạch Giá trên cơ sở nhập 9 phường thuộc TP. Rạch Giá hiện nay là phường Vĩnh Quang, phường Vĩnh Thanh, phường Vĩnh Thanh Vân, phường Vĩnh Lạc, phường An Hòa, phường Vĩnh Hiệp, phường An Bình, phường Rạch Sỏi, phường Vĩnh Lợi.

Hai là, thành lập phường Vĩnh Thông trên cơ sở nhập xã Phi Thông, phường Vĩnh Thông thuộc TP. Rạch Giá và xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất.

Ba là, thành lập phường Hà Tiên trên cơ sở nhập phường Mỹ Đức, phường Đông Hồ, phường Pháo Đài, phường Bình San thuộc TP. Hà Tiên hiện nay.

Bốn là, thành lập phường Tô Châu trên cơ sở nhập phường Tô Châu, xã Thuận Yên thuộc TP. Hà Tiên, xã Dương Hòa thuộc huyện Kiên Lương.

Cả nước sẽ có 13 đặc khu sau khi sắp xếp tỉnh, xã

Ngày 14/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Trong đề án, Chính phủ nêu rõ 7 nguyên tắc tổ chức sắp xếp lại đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo đó, ĐVHC cấp xã được sắp xếp lại theo hướng bỏ cấp trung gian (cấp huyện), hình thành các ĐVHC cấp xã mới, gồm xã, phường và đặc khu; không còn loại hình ĐVHC thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, quận, huyện, thị trấn.

Khi đó, trường hợp sắp xếp phường với các ĐVHC cùng cấp thì ĐVHC sau sắp xếp là phường; trường hợp sắp xếp xã, thị trấn thì ĐVHC mới sau sắp xếp là xã.

Đề án cũng nêu rõ nguyên tắc sẽ chuyển các huyện đảo, thành phố đảo hiện nay thành ĐVHC cấp xã có tên gọi là đặc khu. Có 11 đặc khu thuộc tỉnh hình thành từ 11 huyện đảo (mỗi huyện đảo chuyển thành một đặc khu), bao gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo.

STT Đặc khu sau sắp xếp Đơn vị hành chính hiện nay Tỉnh/Thành phố trực thuộc
1 Đặc khu Vân Đồn Huyện đảo Vân Đồn Quảng Ninh
2 Đặc khu Cô Tô Huyện đảo Cô Tô Quảng Ninh
3 Đặc khu Cát Hải Huyện đảo Cát Hải Hải Phòng
4 Đặc khu Trường Sa Huyện đảo Trường Sa Khánh Hòa
5 Đặc khu Hoàng Sa Huyện đảo Hoàng Sa Đà Nẵng
6 Đặc khu Phú Quý Huyện đảo Phú Quý Bình Thuận
7 Đặc khu Kiên Hải Huyện đảo Kiên Hải Kiên Giang
8 Đặc khu Bạch Long Vĩ Huyện đảo Bạch Long Vĩ Hải Phòng
9 Đặc khu Cồn Cỏ Huyện đảo Cồn Cỏ Quảng Trị
10 Đặc khu Lý Sơn Huyện đảo Lý Sơn Quảng Ngãi
11 Đặc khu Côn Đảo Huyện đảo Côn Đảo Bà Rịa – Vũng Tàu
12 Đặc khu Phú Quốc Thành phố Phú Quốc Kiên Giang
13 Đặc khu Thổ Châu Xã Thổ Châu (thuộc TP Phú Quốc) Kiên Giang

Riêng đối với thành phố Phú Quốc tỉnh Kiên Giang, cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương tách xã Thổ Châu thuộc thành phố Phú Quốc để thành lập 1 huyện riêng. Do đó, đề án xác định sẽ nghiên cứu thành lập 2 đặc khu là Phú Quốc và Thổ Châu từ đơn vị hành chính thành phố Phú Quốc hiện tại.

Bên cạnh đó, đề án cũng nêu, riêng việc sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc ĐVHC cấp huyện ở hải đảo phải bảo đảm quốc phòng, an ninh theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tỉnh Kiên Giang nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phía Tây Nam của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên khoảng 6.352 km² – là tỉnh có diện tích lớn thứ hai trong khu vực. Dân số Kiên Giang vào khoảng 2,2 triệu người, với mật độ phân bố dân cư không đồng đều giữa các vùng đất liền và hải đảo.

Kiên Giang sở hữu vị trí địa lý chiến lược, phía Tây giáp vịnh Thái Lan với đường bờ biển dài hơn 200 km, phía Bắc giáp Campuchia, là cửa ngõ quan trọng kết nối Việt Nam với khu vực Đông Nam Á. Tỉnh có hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó nổi bật là đảo Phú Quốc, được mệnh danh là "Đảo Ngọc" – trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế.

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang, lấy tên gọi là tỉnh An Giang, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Kiên Giang.

Tổng cộng sau khi sáp nhập, tỉnh An Giang mới sẽ có 4,95 triệu dân trên diện tích 9.888 km2.