Đường sắt tốc độ cao sẽ giúp thị phần vận tải hết "méo mó"

02/10/2024 00:03

Thị phần vận tải khách của nước ta đang được đánh giá là "méo mó" khi hàng không phải căng sức bay bù lỗ trên các chặng ngắn, đường bộ phải "kẽo kẹt" vận tải khách trên các chặng quá dài.

Chia sẻ về việc phân bổ thị phần vận tải với sự xuất hiện của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết hiện nay thị phần vận tải hành khách trong nước của Việt Nam đang "méo mó". 

Theo đó, theo nghiên cứu và kinh nghiệm của thế giới, trong cự ly di chuyển từ 300 - 800km, đường sắt phải là phương thức vận tải chủ đạo. Cự ly dưới 150km là đường bộ, dưới 300km là vận tải chia sẻ, trên 800km là hàng không. 

"Nhìn thẳng vào thực tế, hiện nay, chúng ta đang "lấy dao mổ trâu đi mổ ruồi", ở chỗ chúng ta bắt hàng không phải bay trong cự ly dưới 500 km. Máy bay tốn nhiên liệu nhất là khi cất và hạ cánh. Khi cự ly bay dài, chi phí nhiên liệu đó được trải dài trên toàn bộ chặng bay. Khi cự ly bay ngắn thì giá thành nhiên liệu phân bổ cho toàn bộ chặng bay rất cao, dẫn đến giá vé máy bay tăng cao. Trên thực tế, khi hàng không gặp khó khăn, cac hãng bay đều xin cắt giảm các chặng bay ngắn, chỉ giữ lại các chặng dài như Hà Nội - Tp.HCM", Thứ trưởng Bộ GTVT giải thích. 

Đường sắt tốc độ cao sẽ giúp thị phần vận tải hết "méo mó"- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Duy.

Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định hàng không đang phải gánh thị phần vận tải trong cự ly gần thay thế cho các phương thức vận tải khác và buộc phải dùng chặng dài để bù chi phí cho các chặng ngắn  do không hiệu quả. 

Bên cạnh đó, hiện nay, còn có tình trạng "lấy dao mổ ruồi đi mổ trâu" khi các xe giường nằm phải "kẽo kẹt" chạy xuyên suốt trên các chặng xa dọc trên tuyến Bắc - Nam. Đó không phải lợi thế của đường bộ và thực tế ở các nước, đường bộ chỉ di chuyển cự ly xa như vậy vì phục vụ cho nhu cầu du lịch. 

Nói cách khác, hàng không và đường bộ đang phải đảm nhận vận tải hành khách trên các cự ly không có ưu thế. 

3 trăn trở chính phải tìm lời giải cho dự án đường sắt tốc độ caoXây dựng tuyến đường sắt tốc độ 350 km/h "thẳng nhất có thể"

Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, quá trình lập quy hoạch các lĩnh vực của ngành GTVT đã xem xét tiềm năng, lợi thế của từng phương thức để xây dựng kịch bản phát triển.

Do đó, việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sẽ góp phần quan trọng trong cơ cấu lại thị phần vận tải hành khách giữa các phương thức theo hướng bền vững.

Đồng thời, sẽ giúp kéo giảm tai nạn giao thông, giảm các hệ luỵ khác như giảm phát thải môi trường.

Như vậy, không phải đường sắt tốc độ cao sẽ triệt tiêu đường hàng không mà hai loại hình vận tải này sẽ bổ trợ cho nhau.

Về vận tải hàng hóa, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách là chính, bên cạnh đó đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh và có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. 

Trong đó, các loại hàng hóa chủ yếu là hàng nhẹ, hàng chuyển phát nhanh. Còn đối với hàng hóa khối lượng lớn sẽ được chuyên chở trên đường sắt Bắc - Nam khổ 1m hiện hành. 

Về ưu thế vận tải hàng hóa, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh: Mỗi loại hình vận tải có ưu thế nhất định. Đường biển/đường sông vận chuyển khối lượng lớn nhất, chi phí thấp nhất; đường sắt là phương thức vận chuyển khối lượng lớn, chi phí trung bình; đường bộ vận chuyển thuận lợi nhất, chi phí cao nhất; hàng không vận chuyển nhanh nhất, chi phí cao nhất. 

Cụ thể, theo tính toán, hiện nay, giá vận tải bình quân bằng đường thuỷ, hàng hải khoảng 450 đồng/tấn.km; Tiếp đến là đường sắt với chi phí trung bình, khoảng 680 đồng/tấn.km; Đường bộ và hàng không cao hơn.

Theo kết quả dự báo đến năm 2050, nhu cầu vận tải hàng hóa khoảng 1,4-1,7 tỷ tấn hàng, khoảng 1,1-1,3 tỷ lượt khách, trong đó vận tải đường sắt đảm nhận khoảng 18,2 triệu tấn hàng và khoảng 122,7 triệu lượt khách.