Đề xuất rút ngắn thời gian thử việc với công chức

09/04/2025 12:14

Nhật Bản, Thái Lan… quy định thời gian tập sự, thử việc của công chức từ 3 - 6 tháng so với Việt Nam hiện nay là 12 tháng. Bộ Nội vụ đề xuất rút ngắn thời gian tập sự, thử việc để công chức sớm được bổ nhiệm chính thức và thực hiện quy trình sử dụng, quản lý công chức.

Bộ Tư pháp đã công bố hồ sơ thẩm định dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) do Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo.

Trong hồ sơ thẩm định, Bộ Nội vụ tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, rút ra một số khuyến nghị cho việc sửa Luật Cán bộ, công chức của Việt Nam, trong đó có công tác tuyển dụng công chức.

Theo nghiên cứu của Bộ Nội vụ, về môn thi các quốc gia không tổ chức thi môn kiến thức chung mà tập trung thi tuyển hoặc phỏng vấn về chuyên môn theo yêu cầu của vị trí việc làm. 

Vì không phải vị trí việc làm nào cũng yêu cầu ngoại ngữ và công chức trong quá trình làm việc phải cam kết sử dụng được ngoại ngữ trong công việc. Nếu không đáp ứng sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá công việc của công chức. 

Về kiến thức chung, trong quá trình tập sự, công chức sẽ được người hướng dẫn truyền đạt và tìm hiểu về kiến thức hệ thống chính trị, hành chính và pháp luật. 

Theo Bộ Nội vụ, như vậy, sẽ tiết kiệm chi phí cho cơ quan tuyển dụng và công sức của thí sinh.

Đề xuất rút ngắn thời gian thử việc với công chức- Ảnh 1.

Bộ Nội vụ đề xuất thuê tổ chức độc lập tuyển dụng công chức với số lượng lớn.

Về hình thức thi tuyển, Bộ Nội vụ cho rằng nên ưu tiên hình thức xét tuyển. 

"Đối với cơ quan có chỉ tiêu tuyển dụng ít thì phân cấp cơ quan tự tuyển dụng vì gắn với yêu cầu sử dụng. Đối với cơ quan có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn nên thuê tổ chức tuyển dụng độc lập", đề xuất của Bộ Nội vụ.

Đồng thời, đề xuất bổ sung hình thức tuyển dụng nội bộ: ưu tiên những người có kinh nghiệm trong khu vực công hoặc những người đang thực hiện làm việc theo chế độ hợp đồng tạo động lực thăng tiến trong nền công vụ.

Đối với danh sách trúng tuyển, Bộ Nội vụ cho hay, Úc, Thái Lan và Nhật Bản sử dụng danh sách trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên, dựa trên kết quả tuyển dụng cho một vị trí tuyển dụng khoảng 5 người có số điểm cao nhất. 

Nếu người đứng vị trí thứ nhất không thể nhận việc do vi phạm quy trình tuyển dụng, bằng cấp hay sức khỏe… thì cơ quan quyết định tuyển dụng người đứng ở vị trí thứ 2 hoặc những sử dụng danh sách ưu tiên để bổ sung vào các vị trí tương đương trong cơ quan. 

Như vậy, sẽ sử dụng tối đa kết quả tuyển dụng và tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí tổ chức tuyển dụng công chức. 

"Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng danh sách 5 thí sinh có số điểm cao nhất theo thứ tự ưu tiên để dự phòng cho các vị trí khuyết", Bộ Nội vụ nêu quan điểm. 

Về thời gian tập sự, Bộ Nội vụ cũng dẫn chứng Nhật Bản, Thái Lan… quy định thời gian tập sự, thử việc từ 3 - 6 tháng để công chức rút ngắn thời gian tập sự, thử việc để thực hiện các công tác đào tạo, bổ nhiệm, tính thâm niên công tác cho công chức. 

Bộ Nội vụ: 90% người dân cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu

Hiện nay, thời gian tập sự ở Việt Nam là 12 tháng, nếu công chức không vi phạm pháp luật thì đa số công chức được nhận xét và đạt yêu cầu tập sự. 

Vì vậy, Việt Nam cân nhắc việc rút ngắn thời gian tập sự, thử việc cho công chức để công chức sớm được bổ nhiệm chính thức và thực hiện quy trình sử dụng, quản lý công chức.

Ngoài ra, về chế độ làm việc, theo Bộ Nội vụ, trong bối cảnh phát triển công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ số, chính quyền số và công dân số và một số công việc đặc thù không phải tiếp công dân, công chức phải chăm sóc con nhỏ, cha mẹ già ốm yếu và điều kiện nhà ở khu vực trung tâm đắt đỏ. 

Bộ Nội vụ khuyến nghị, Việt Nam cân nhắc bổ sung quy định chế độ làm việc bán thời gian, làm việc từ xa, chú trọng vào hiệu quả làm việc. Chế độ làm việc từ xa giúp cơ quan, đơn vị giảm thiểu chi phí về năng lượng chiếu sáng, điều hòa, máy móc, phòng làm việc, mặt khác công chức cũng có điều kiện chăm sóc gia đình và làm việc linh hoạt.

Bạn đang đọc bài viết "Đề xuất rút ngắn thời gian thử việc với công chức" tại chuyên mục Thời sự.