Nghị định 168 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025 đã tăng gấp nhiều lần mức xử phạt được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tình trạng lái xe ẩu tả này. Đề cao cảnh giác, hú hồn - Đó là phản ứng của anh Nguyễn Tiến Đạt, người thường xuyên đi xe máy qua nút giao Trần Khát Chân-Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Các hành vi vượt đèn đỏ của người điều khiển xe máy tại đây khá phổ biến, đặc biệt giữa các pha đèn của các hướng đi khác.
Sau khi đọc được thông tin mức xử phạt của hành vi đi xe máy vượt đèn đỏ, đi ngược chiều có thể gấp 3-6 lần, lên tối đa 6 triệu đồng, anh Đạt rất hào hứng với sự thay đổi này của Nghị định 168 kể từ 1/1/2025. “Em thấy việc nộp phạt là một dạng răn đe. Hiện nay, mức xử phạt tương đối nhẹ nên vi phạm vẫn xảy ra. Nhà nước tăng mức phạt lên, người dân cảm thấy bị phạt nặng thì sẽ không dám vi phạm nữa”.
Theo quan sát của anh Đạt, một điểm đáng chú ý là tình trạng vi phạm luật giao thông đang tập trung vào những người lái xe ôm công nghệ, shipper giao hàng. Nút giao nào vắng bóng lực lượng CSGT, một bộ phận lại vượt đèn đỏ, luồn lách qua các dòng phương tiện. “Em thấy mọi người ai cũng muốn kiếm thu nhập, nhưng phải giữ an toàn cho bản thân và cả những người xung quanh. Chúng ta ai cũng phải tuân thủ pháp luật”.
Đồng tình quan điểm này, chị Hoàng Lê Vân, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, ý thức tự giác của người tham gia giao thông cần được uốn nắn bằng sự hiện diện của lực lượng chức năng, hoặc ứng dụng công nghệ vào công tác giám sát. Nếu không, dù mức xử phạt rất nặng, nhưng ít người bị xử lý, vẫn sẽ có tâm lý “nhờn luật”: “Em thấy việc mọi người lấn làn, vượt đèn đỏ trước vài giây rất nhiều. Rất nguy hiểm cho người đi đường. Cho nên, việc lắp thêm camera giám sát, phạt nguội sẽ giúp các chủ phương tiện có ý thức tự giác hơn”.
Từng chứng kiến nhiều va chạm do vượt đèn đỏ, thậm chí đánh nhau vì tranh cãi khi đi ngược chiều, lấn làn, anh Dương Công Hạnh (ở Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhận định: Vi phạm luật giao thông ở các ngã tư đã là “căn bệnh” trầm kha của thành phố. Anh mong Nghị định 168 đi vào đời sống một cách hiệu quả. Các mức xử phạt mới sẽ tạo ra được hiệu ứng mạnh mẽ giống như Nghị định 100 đã từng với hành vi vi phạm nồng độ cồn.
“Em đồng ý hoàn toàn. Muốn một xã hội văn mình thì phải tuân thủ luật. Đa số người đi trên đường không thấy công an là vượt, người ta cũng hay để ý, chỗ nào không có camera là cũng vượt. Mà vượt thì lại gây ra tắc đường khủng khiếp lắm”, anh Hạnh nói.
Song song với việc nâng mức xử phạt, anh Hạnh cũng mong muốn hạ tầng giao thông, biển báo, đèn tín hiệu được chuẩn hóa theo hướng rõ ràng, minh bạch để người tham gia giao thông dễ chấp hành. Thực tiễn đi đường, không tránh khỏi những bất cập nảy sinh, cần các cơ quan có trách nhiệm khắc phục kịp thời: “Nhiều lúc đang đi trên đường, còn 20 giây đèn xanh, lại nhảy sang đèn đỏ. Có nhiều người không để ý, có lúc gặp trường hợp số đỏ nhưng đèn xanh, hoặc đèn xanh nhưng số lại đỏ. Rồi cả một số chỗ biển báo bị che khuất. Vì thế, biển báo, đèn tín hiệu cần rõ ràng với người đi đường”.
Theo Nghị định 168 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2025, ngoài vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, các hành vi vi phạm phổ biến khác của người điều khiển xe máy cũng bị tăng mức xử phạt, như: vi phạm nồng độ cồn, điều khiển xe vào đường cao tốc, lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ, gây tai nạn nhưng bỏ chạy…
Nội dung của Nghị định 168 cùng sự vào cuộc tuần tra, xử lý vi phạm quyết liệt của lực lượng CSGT được kỳ vọng sẽ “trị” được những thói xấu của người điều khiển xe máy, đặc biệt là những lỗi vi phạm từ trước tới nay thường bị coi là “nhỏ nhặt”, “không đáng kể” trong tâm lý người vi phạm.