Vụ án bệnh viện Bạch Mai, thiết bị y tế 40 tỷ bị kê biên sau đó không ai dám nhận

30/10/2024 16:12

Đại biểu Quốc hội viện dẫn vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai trước đây, có thiết bị y tế 40 tỷ đồng bị phong tỏa, kê biên. Nhưng sau xử lý vụ án, điều chuyển cho bệnh viện khác cũng không ai dám nhận, phải bỏ không.

Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận ở tổ, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Vụ án bệnh viện Bạch Mai, thiết bị y tế 40 tỷ bị kê biên sau đó không ai dám nhận- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính. Ảnh: QH

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội viện dẫn theo quy định, khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có quyền phong tỏa, kê biên tài sản.

Tuy nhiên, cơ quan cuối cùng giải quyết số tài sản này lại do tòa án, nên thời gian rất lâu, thường kéo dài 1 - 2 năm, gây hư hỏng vật chứng.

Ông Chính viện dẫn vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai trước đây, có thiết bị y tế 40 tỷ đồng bị phong tỏa, kê biên. Nhưng sau xử lý vụ án, điều chuyển cho bệnh viện khác cũng không ai dám nhận, phải bỏ không.

Thậm chí, có những vụ án máy móc để vài năm, thành sắt vụn. Do vậy, ông Chính đề nghị, không chỉ giới hạn xử lý ở các vụ án tham nhũng mà nên mở rộng phạm vi áp dụng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung , Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cũng cho biết, Công an Hà Nội đang phải quản lý số lượng vật chứng tài sản rất lớn, rất lãng phí, trong khi có những tài sản để lâu quá mất giá trị, gây lãng phí, tài sản hao mòn.

Không chỉ vậy, địa phương còn phải có kho vật chứng. Với các quận nội thành, lấy đâu ra đất để xây kho với lượng vật chứng rất lớn? Ngoài ra còn phải bố trí cả người trông coi.

Vụ án bệnh viện Bạch Mai, thiết bị y tế 40 tỷ bị kê biên sau đó không ai dám nhận- Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội. Ảnh: QH

Từ phân tích trên, ông Trung cho rằng, việc ban hành văn bản này rất cần thiết. Tuy nhiên, ngoài các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo, ông đề nghị, cần tính toán mở rộng phạm vi, thậm chí có luật về việc này và rút ngắn thời gian thí điểm.

Không cầu toàn cũng không nên nóng vội

Đề cập đến phạm vi áp dụng, đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lại đồng tình với đề xuất trong dự thảo, chưa nên mở rộng phạm vi thí điểm.

Qua đó, chỉ nên tập trung vào các vụ án Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Nhấn mạnh không nên cầu toàn, cũng không nên nóng vội, bà Thủy cho rằng, cần áp dụng thận trọng và bổ sung quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, thời gian thí điểm có thể quy định linh hoạt, không nhất thiết phải 3 năm, vừa làm vừa đánh giá và kết hợp với việc sửa các luật khác.

Liên quan đến việc ngăn chặn tẩu tán tài sản, đại biểu Dương Ngọc Hải (TP. HCM) nêu vấn đề, biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản được tiến hành sau khởi tố, vậy còn giai đoạn xử lý nguồn tin ngay từ ban đầu ra sao?

“Mục đích của phòng chống tham nhũng là ngăn chặn tẩu tán tài sản. Trước khi khởi tố, không có biện pháp gì xử lý, luật cũng không điều chỉnh được. Vậy trong dự thảo này sẽ xử lý thế nào, biện pháp xử lý nguồn tin là gì?”, ông Hải phân vân.