Từ vụ Mr Pips lừa đảo: Người dân không nên tin lời mời đầu tư lợi nhuận "khủng"

11/12/2024 16:16

Từ những vụ việc lừa đảo đầu tư tiền ảo lên tới hàng nghìn tỉ đồng thời gian gần đây, chuyên gia cảnh báo mọi người cần đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn tinh vi.

Công an TP Hà Nội đang mở rộng điều tra đường dây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng liên quan Phó Đức Nam (30 tuổi, trú Bà Rịa - Vũng Tàu, còn gọi TikToker Mr Pips). Hơn 20 đối tượng bị khởi tố về các tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "không tố giác tội phạm" và "rửa tiền". Cơ quan điều tra đã thu giữ, phong tỏa tài sản của các đối tượng hơn 5.000 tỉ đồng. Bước đầu xác định, từ năm 2019, các đối tượng lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán.

Từ vụ Mr Pips lừa đảo: Người dân không nên tin lời mời đầu tư lợi nhuận "khủng"- Ảnh 1.

Cơ quan đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng. (Ảnh: TTXVN phát)

Lừa đảo đầu tư tiền ảo, đầu tư tài chính trên mạng không còn là mới và cũng đã có nhiều cảnh báo thế nhưng số nạn nhân và cả số tiền bị lừa đảo không ngừng tăng. Những thủ đoạn không ngừng cập nhật, tinh vi hơn. Mỗi khi có cảnh báo thì các đối tượng lại nghĩ ra chiêu trò mới.

Trao đổi với phóng viên VTV về những vụ việc này, ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam cho biết, việc lừa đảo trên không gian mạng vừa qua diễn biến rất phức tạp, thậm chí có người bị lừa đi lừa lại nhiều lần với số tiền bị lừa có thể lên tới hàng chục tỉ đồng. Các đối tượng lừa đảo thường sẽ đánh vào điểm yếu đó là lòng tham cũng như sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân. Những đối tượng lừa đảo đầu tư tài chính cũng sẽ nghĩ ra những kịch bản mới, thay đổi liên tục để có thể đánh được vào lòng tham của các nạn nhân. Ban đầu, khi các nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản ảo để đầu tư sau một thời gian thấy số tiền tăng lên nên lầm tưởng rằng số tiền mình đầu tư đã có lợi nhuận nên dần dần sẽ chuyển vào đó những số tiền lớn hơn hàng trăm thậm chí hàng tỉ đồng và sau đó những kẻ lừa đảo sẽ biến mất và nạn nhân khi đó mới nhận ra là mình đã mất tiền.

Để xác định cũng như nhận biết rõ ràng về các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng, bản thân những người tham gia vào không gian mạng cần phải xây dựng "sức đề kháng" cho bản thân mình, không nên tin vào những lời mời chào đầu tư tiền hấp dẫn với lợi nhuận khủng lên tới 50% thậm chí là 100%. Tiếp đó, cần phải xác minh thông tin qua các kênh thông tin chính thống, có độ tin cậy cao vì những kẻ lừa đảo thường sẽ xây dựng kịch bản lừa đảo dựa trên thực tế xã hội đang diễn ra. Chính vì vậy bản thân mỗi người chúng ta cần phải nâng cao cảnh giác để tránh bị sập bẫy lừa đảo trên không gian mạng.

Đứng dưới góc độ quản lý, nghiên cứu, phân tích những rủi ro trên không gian mạng, ông Ngô Tuấn Anh cũng cho biết thêm, bên cạnh yếu tố người dùng mạng còn một nguyên nhân nữa khiến tình hình lừa đảo qua mạng trong thời gian vừa qua phát triển đó chính là việc người sử dụng mạng bị lộ lọt thông tin cá nhân ra bên ngoài. Sau khi những kẻ tấn công đã có được thông tin cá nhân của nạn nhân, những kẻ lừa đảo còn mạo danh cơ quan chức năng, mạo danh cơ quan thuế gọi điện lừa nạn nhân cài đặt những phần mềm giả mạo và sau đó chiếm đoạt thông tin, tiền trong tài khoản cá nhân.

"Bản thân mỗi chúng ta cần phải quản lý thật tốt dữ liệu cá nhân của bản thân mình, không tùy tiện cung cấp, chia sẻ dữ liệu thông tin cá nhân cho bất kì ai, cùng với đó những đơn vị cung cấp, quản lý dữ liệu cá nhân cần nâng cao việc quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định"- Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam nhấn mạnh.