Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng cho biết việc xây dựng, ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị là bước kế tiếp để cụ thể hóa các quy định mang tính định hướng trong Luật Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn; Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự thảo Luật có 7 chương, 7 mục với 59 điều quy định các nhóm nội dung: Nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về quản lý phát triển đô thị; Quy định về phát triển hệ thống đô thị, chương trình phát triển đô thị, phân loại đô thị; Quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị; Quản lý phát triển không gian ngầm đô thị; Phát triển mới và cải tạo đô thị; Trách nhiệm quản lý phát triển đô thị.

Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị có 7 chương, 7 mục với 59 điều.
Theo đó, Dự thảo Luật kế thừa có điều chỉnh, bổ sung thực hiện phân loại đô thị theo 6 loại đô thị, điều chỉnh quy định về tiêu chí phân loại đô thị nhấn mạnh chất lượng đô thị, tiêu chuẩn phân loại đô thị lồng ghép quy định về yếu tố vùng miền và các mô hình phát triển đô thị bền vững.
Bổ sung mới các nguyên tắc phát triển đô thị tuân thủ quy hoạch đô thị được duyệt và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phải được thực hiện trước. Cụ thể hóa các yêu cầu phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và thông minh, hướng tới phát triển bền vững.
Thống nhất triển khai thực hiện quy hoạch đô thị theo chương trình phát triển đô thị do UBND cấp tỉnh phê duyệt, phát triển hạ tầng khung đô thị có kế hoạch tổng thể, đồng bộ, tích hợp các nguồn lực.
Thực hiện quản lý phát triển hệ thống đô thị theo quy hoạch, các chỉ tiêu, các đô thị trung tâm các cấp và tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại đô thị. Quy định yêu cầu liên kết mạng lưới đô thị.
Kế thừa và bổ sung quy định quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, bàn giao quản lý và cung cấp dịch vụ hạ tầng đô thị, bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Đề xuất phát triển không gian mở sử dụng công cộng.
Quy định quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, xây dựng kế hoạch phát triển không gian ngầm đô thị do UBND cấp tỉnh phê duyệt đối với các đô thị dự kiến phát triển các loại không gian ngầm; quy chế quản lý, sử dụng không gian ngầm; xác định các đối tượng được khuyến khích, hỗ trợ để phát triển không gian ngầm.
Tổ chức thực hiện phát triển mới gắn với các khu vực phát triển đô thị để phát triển đô thị tập trung có trọng tâm, trọng điểm trên nguyên tắc bảo đảm khả năng hoàn thành hạ tầng khung của khu vực theo giai đoạn, các dự án bảo đảm kết nối với hạ tầng khung.
Quy định cải tạo đô thị bao gồm cả chỉnh trang, cải tạo và tái thiết đô thị; xác định 7 trường hợp chính phải thực hiện cải tạo đô thị. Thống nhất tổ chức thực hiện theo Phương án tổng thể cải tạo đô thị. Quy định việc triển khai thực hiện có sự tham gia của cộng đồng; các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi kèm theo yêu cầu cần đáp ứng khi tái thiết, cải tạo đô thị.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý phát triển đô thị thông qua huy động sự tham gia cộng đồng, tăng cường năng lực quản lý và xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phát triển đô thị.
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng đã đề xuất các quy định về định kỳ kiểm tra, giám sát thực hiện phát triển đô thị, phát triển hệ thống đô thị, việc tổ chức thực hiện chương trình phát triển đô thị, việc hoàn thiện các chỉ tiêu về chất lượng đô thị sau khi đã được cấp có thẩm quyền công nhận loại đô thị.
Dự thảo Luật quán triệt quan điểm triệt để phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát; thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; cắt giảm thủ tục hành chính lập, thẩm định, phê duyệt công cụ quản lý thông qua quy định lồng ghép nội dung phát triển đồng bộ hạ tầng, phương án tổng thể cải tạo đô thị, xác định khu vực phát triển đô thị trong nội dung chương trình phát triển đô thị để thống nhất triển khai quy hoạch đô thị…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn; nội hàm "quản lý" trong phát triển đô thị liên quan đến nhiều bộ, ngành quản lý chuyên ngành.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tư duy xây dựng Dự thảo Luật cần tiếp cận liền mạch phát triển đô thị gắn với nông thôn, "trong nông thôn có đô thị, trong đô thị có nông thôn". Những vấn đề thực tiễn đã chín, đã chứng minh là đúng, là cần thiết thì đưa vào Luật, đồng thời có quy định mang tính định hướng đối với những nội dung còn mới, chưa rõ nhằm khơi thông nguồn lực, kiến tạo phát triển.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà (Ảnh: VGP).
Vì vậy, Dự thảo Luật phải bổ sung thêm cơ sở chính trị, pháp lý bảo đảm sự liền mạch trong quá trình thể chế hóa Nghị quyết 06, làm rõ phạm vi điều chỉnh, không để khoảng trống trong Luật Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn; tổ chức thực thi quy hoạch phát triển đô thị, tiếp cận tư duy phát triển đô thị mới trên thế giới về đô thị nén, đô thị sinh thái, đô thị thích ứng biến đổi khí hậu, đô thị ngầm, đô thị phát triển theo hướng tuyến giao thông,…
"Dự thảo Luật phải "khâu nối", thực hiện tích hợp các quy hoạch chuyên ngành như hạ tầng giao thông, viễn thông, cấp thoát nước, môi trường…", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cần tích hợp những giá trị, chuẩn mực về văn hóa, kiến trúc… trong phát triển đô thị.