Sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị: Cán bộ cấp huyện sẽ là nòng cốt tại các phường, xã mới

27/05/2025 16:13

Ban Chỉ đạo Hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị đã thảo luận và thống nhất kết luận các nội dung quan trọng tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Ông Lê Ngọc Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị vừa ký ban hành Kết luận số 06-KL/BCĐ kết luận Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

Theo nội dung Kết luận, các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo chủ chốt thường xuyên trao đổi, thống nhất giữa hai tỉnh về nguyên tắc, phương án bố trí cán bộ cấp xã sau sắp xếp, thành lập mới; trong đó bám sát hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Tổ chức Trung ương... để triển khai thực hiện bảo đảm kịp thời, đồng bộ, hiệu quả.

Trong đó, xác định cán bộ lãnh đạo hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay sẽ là nòng cốt tại các phường, xã mới; phấn đấu cơ bản bí thư xã, phường không là người địa phương; bố trí cán bộ chủ chốt cấp xã, phường đúng vị trí, đúng quy định, bảo đảm trình độ, năng lực, phẩm chất và triển vọng phát triển; ưu tiên cán bộ khoa học, công nghệ, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số... Bí thư các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chất lượng công tác chuẩn bị và đề xuất phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại xã, phường mới.

Sáp nhập Quảng Bình và Quảng Trị: Cán bộ cấp huyện sẽ là nòng cốt tại các phường, xã mới- Ảnh 1.

Đồng Hới được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh Quảng Trị mới.

Việc sắp xếp cán bộ cấp xã phải hoàn thành trước ngày 1/7 bảo đảm tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp. 

Có phương án sàng lọc, tinh giản và phân công, điều động cán bộ hợp lý theo nguyên tắc “có vào, có ra; có lên, có xuống”, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với hiệu quả công việc.

Cùng với việc sắp xếp, bố trí cán bộ, cần thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động từ việc sắp xếp; thực hiện công khai, minh bạch trong xây dựng phương án sắp xếp nhân sự và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động dôi dư, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.

Trong thời gian chuyển tiếp phải duy trì tốt hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, bảo đảm mọi nhiệm vụ vẫn được thực hiện liên tục, hiệu quả, không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ hành chính, dịch vụ công phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Ban Chỉ đạo giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị khẩn trương xây dựng Đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị trên cơ sở hợp nhất, sáp nhập Đảng bộ tỉnh Quảng Bình và Đảng bộ tỉnh Quảng Trị.

Báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy sau khi sắp xếp nhiệm kỳ 2020-2025; giới thiệu nhân sự chỉ định chủ tịch, phó chủ tịch HĐND dân tỉnh, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026.

Ban Chỉ đạo cũng giao Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Bình lãnh đạo và phối hợp Đảng ủy UBND tỉnh Quảng Trị lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục chuẩn bị cơ sở vật chất, tổng rà soát, đánh giá hiện trạng các trụ sở, tài sản công trên địa bàn hai tỉnh và nhu cầu sử dụng để đề xuất phương án bố trí sử dụng tiếp, phương án xử lý trụ sở dôi dư bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.

Nghiên cứu thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan Trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, có thể bố trí nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng chung 1 cơ sở nhà, đất để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn. Rà soát, chuẩn bị nhà ở công vụ cho cán bộ ở tỉnh Quảng Trị hiện nay ra công tác tại Đồng Hới.

Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Thống nhất mô hình tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp xã và rà soát số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc khối chính quyền để sau khi có Nghị quyết của cấp có thẩm quyền về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã bố trí công tác phù hợp.

Chuẩn bị nội dung, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm để tổ chức công bố thành lập tỉnh Quảng Trị sau hợp nhất, sáp nhập.

Giao Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh Quảng Bình chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tương đồng thuộc tỉnh Quảng Trị để xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất các cơ quan; đồng thời, có phương án bố trí trụ sở làm việc, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm hoạt động các cơ quan sau hợp nhất được thông suốt, không gián đoạn. Căn cứ tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của bộ máy chính quyền mới sau khi hợp nhất, trong trường hợp cần thiết, một số cơ quan, đơn vị có thể nghiên cứu bố trí một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại trụ sở hành chính của tỉnh Quảng Trị hiện nay nhằm bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát đội ngũ cán bộ; tổng hợp nhu cầu và động viên cán bộ còn tuổi công tác dưới 5 năm nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi...

ĐỌC THÊMHĐND tỉnh Quảng Bình thông qua nghị quyết hợp nhất với tỉnh Quảng TrịHợp nhất hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, tiềm lực mạnh hơn để phát triển