Phát triển hoa cây cảnh gắn với nông thôn mới, nông nghiệp đô thị

21/08/2024 20:30

Từ bao đời nay, những làng hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh khoe sắc cùng hàng trăm làng nghề truyền thống khắp Thủ đô đã thực sự trở thành một nét đẹp độc đáo của mảnh đất địa linh nhân kiệt. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, kiến tạo cảnh quan sinh thái, thu hút du lịch, việc phát triển hoa, cây cảnh còn đóng góp thiết thực trong xây dựng xông thôn mới và đô thị văn minh.

Phát triển hoa cây cảnh gắn với nông thôn mới, nông nghiệp đô thị- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội phát biểu tại chương trình. Ảnh: VGP/TT

Ngày 21/8, Sở NN&PTNT và Hội Sinh vật cảnh Hà Nội đã phối hợp tổ chức chương trình họp báo, giao lưu với các nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn nhân dịp Festival Sinh vật cảnh Hà Nội 2024.

Phát triển hoa cây cảnh gắn với phát triển kinh tế nông thôn

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội cho biết, sinh vật cảnh là một thú chơi văn hóa lâu đời của ông cha ta, ngày nay đã trở thành một trong bảy nhóm ngành phát triển nông thôn, là một trong 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp được xét công nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định 919 của Thủ tướng Chính phủ' đồng thời cũng là một trong những sản phẩm làng nghề cần bảo tồn và phát triển gắn với phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng môi trường du lịch văn hóa; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới…

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về quy mô và giá trị sinh vật cảnh. Đến cuối năm 2023, toàn Thành phố có trên 8.100 ha chuyên canh hoa, cây cảnh, đạt giá trị sản xuất khoảng 7 nghìn tỷ đồng. Trong đó 70% diện tích được canh tác tập trung tại các quận, huyện như: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín. Nhiều mô hình trồng hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ mới về giống, quy trình chăm sóc nên năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh ở Hà Nội đạt trung bình 0,5-1,5 tỷ đồng/ha/năm. Hà Nội đã hình thành được 47 vùng sản xuất hoa (tổng diện tích hơn 1.800 ha), với quy mô từ 10 - 20 ha/vùng tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Gia Lâm… Trong đó, diện tích trồng hoa chất lượng cao chiếm hơn 30% và đang được nhân rộng trong năm nay. Nhiều loại hoa như cúc, ly, lan… đã được xuất khẩu.

Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội đã đặt ra yêu cầu cao về cải thiện chất lượng sống cho người dân. Mục tiêu của chương trình là xây dựng một môi trường sống an toàn và thân thiện với thiên nhiên. Ngành sinh vật cảnh bằng cách cải thiện và quy hoạch cây xanh, có thể tạo ra những môi trường thoáng đãng, trong lành, thúc đẩy sự phát triển bền vững, đồng thời bảo tồn hệ sinh thái bản địa. Các hoạt động sinh vật cảnh còn khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát triển cảnh quan nông thôn. Người dân được khuyến khích tham gia trồng cây, chăm sóc vườn hoa, cùng nhau xây dựng và bảo vệ những khu vực xanh của địa phương. Không gian xanh là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giúp tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng. Điều này không chỉ nâng cao đời sống tinh thần của người dân mà còn tạo ra những giá trị văn hóa, giáo dục sâu sắc.

Hà Nội đã ban hành Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh từ năm 2012 với mục tiêu mở rộng diện tích canh tác hoa cây cảnh với tốc độ mở rộng 60-80 ha/năm; tập trung phát triển sản xuất các loại hoa có giá trị kinh tế cao như: Hồng, đào, lily, lan. Phấn đấu tăng trưởng bình quân hàng năm từ 5-10% năng suất và giá trị sản xuất hoa, cây cảnh.

Trong Luật Thủ đô năm 2024, sinh vật cảnh có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô "sáng, xanh, sạch, đẹp", cũng như định hướng phát triển ngành nông nghiệp sinh thái bền vững và đô thị thông minh. Hiện nay, Thành phố đang xây dựng Đề án nông nghiệp đô thị, trong đó sinh vật cảnh được xác định là một nhóm ngành hàng quan trọng được ưu tiên phát triển, là giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm tác động của quá trình đô thị hóa nhanh, tăng tỷ lệ diện tích cây xanh bình quân trên đầu người… 

Phát triển hoa cây cảnh gắn với nông thôn mới, nông nghiệp đô thị- Ảnh 2.

Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát huy giá trị từ trồng hoa, cây cảnh... Ảnh: VGP/TT

Vừa qua, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" xác định, Thành phố sẽ tăng diện tích hoa, cây cảnh từ 8.500 ha đến 9.000 ha. Mục tiêu của thành phố là quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, trong đó có làng nghề hoa, cây cảnh; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.

Theo ông Nguyễn Gia Thọ, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Hà Nội, hiện nay hoạt động sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh ngày càng có vị trí quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cây xanh không chỉ là điểm nhấn trong mỹ quan đô thị mà còn có tác dụng thanh lọc không khí, giảm bụi và nhiệt độ, đồng thời giữ ẩm cho môi trường. Việc tăng cường cây xanh tại các khu dân cư, công viên, hay ven đường góp phần tạo nên không gian sống trong lành hơn cho người dân. Bên cạnh đó, sinh vật cảnh không chỉ dừng lại ở việc cải thiện môi trường mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân thông qua các hoạt động trồng trọt, kinh doanh cây cảnh, dịch vụ chăm sóc cây xanh, và tham gia vào các dự án phát triển cảnh quan. Phát triển ngành sinh vật cảnh sẽ giúp tăng trưởng kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.

Vì thế, việc phát triển ngành sinh vật cảnh sẽ góp phần bảo tồn những cảnh quan truyền thống, mảng xanh thực vật, các khu di tích lịch sử, và kiến tạo những không gian xanh trong không gian đô thị của Thủ đô.

Ứng dụng công nghệ vào phát triển sinh vật cảnh

Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong phát triển sinh vật cảnh, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho biết, việc phát triển công nghệ trong ngành sinh vật cảnh góp phần tăng cường hiệu quả công tác chăm sóc cây xanh, giảm thiểu chi phí và thời gian lao động. Các ứng dụng như tưới cây tự động, sử dụng các loại cây chịu hạn và dễ chăm sóc sẽ là yếu tố then chốt trong việc quản lý không gian xanh đô thị. Sinh vật cảnh có thể góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của bảo vệ môi trường thông qua các chương trình giáo dục, hoạt động cộng đồng. Sự tham gia của người dân không chỉ giúp tạo ra diện mạo xanh đẹp mà còn hình thành hình ảnh một Hà Nội thân thiện với môi trường.

Sinh vật cảnh đóng một vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh tại Hà Nội. Theo Sở NN&PTNT, Hà Nội sẽ phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất Sinh vật cảnh giai đoạn 2022 - 2030 đạt khoảng 10%/năm. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh năm 2025 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt khoảng 15.000 - 20.000 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng hoa, cây cảnh đạt bình quân khoảng 700 - 750 triệu đồng/năm. Đồng thời từng bước phát triển bền vững, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân Thủ đô.

 

Festival Sinh Vật Cảnh năm 2024 Hà Nội mở rộng diễn ra từ ngày 30/8 - 18/9, tại Khu trường đua F1 (Phú Đô, Mỹ Đình, Hà Nội). Chương trình với sự tham gia của các tỉnh/thành trong cả nước, đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và 65 năm Bác Hồ phát động Tết Trồng cây (28/11/1959 - 28/11/2024; là cơ hội thúc đẩy kết nối giao thương, mở rộng thị trường phát triển sinh vật cảnh Thủ đô với cả nước, thị trường sinh vật cảnh trong nước với khu vực và thế giới; tôn vinh những sáng tạo của giới nghệ nhân, thợ giỏi, doanh nhân và các chủ thể trong lĩnh vực sinh vật cảnh; khẳng định vị thế của một trong 7 nhóm ngành phát triển nông thôn.