Như Báo Người Lao Động đã thông tin, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả "khủng", quy mô toàn quốc do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991; ngụ quận Thanh Xuân, Hà Nội) và Trịnh Doãn Giáo (SN 1985; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) cầm đầu.

Nhóm đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô toàn quốc. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Liên quan tới vụ án này, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, cho rằng tất cả các hàng hóa là hàng giả đều ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh còn có thể đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng, gây bức xúc trong dư luận xã hội nên người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật, mức cao nhất có thể là tù chung thân hoặc tử hình.
Theo thông tin ban đầu, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 14 đối tượng về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo Điều 194 Bộ Luật Hình sự. Quá trình điều tra, công an sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, làm rõ hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi đã gây ra đối với xã hội để xem xét xử lý đối với các bị can theo quy định của pháp luật.

Có hàng chục loại thuốc tân dược, thuốc đông dược giả được công an phát hiện, bắt giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa
"Theo quy định tại Khoản 4, Điều 194, Bộ Luật Hình sự, hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh mà thu lợi bất chính từ 2 tỉ đồng trở lên thì sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có mức hình phạt là tù chung thân hoặc tử hình" - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Cũng theo luật sư Cường, trong vụ án này, bước đầu cơ quan điều tra xác định giá trị của hàng hóa lên đến 200 tỉ đồng, đây là thuộc trường hợp đặc biệt lớn nên các bị can bị khởi tố về tội danh này sẽ bị xem xét xử lý ở khung hình phạt cao nhất. Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên Bộ Luật Hình sự quy định chỉ cần thực hiện hành vi này là bị xử lý hình sự, không phụ thuộc vào số tiền hưởng lợi cũng như số lượng, giá trị của hàng hóa. Mức hình phạt với cá nhân thấp nhất là 2 năm tù, mức cao nhất là tử hình.

Hai kẻ cầm đầu trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả
Không những thế, ngoài xử lý hình sự, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh còn xử lý đối với pháp nhân thương mại, có thể bị áp dụng hình phạt là phạt tiền đến 20 tỉ đồng, tước giấy phép đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Theo tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, sản xuất buôn bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là một hoạt động đặc biệt, đặc thù, có sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Công Thương và nhiều cơ quan tổ chức có liên quan. Bởi vậy, ngoài việc xem xét hành vi phạm tội của các bị can về việc sản xuất, buôn bán thuốc giả thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan để làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, xem xét trách nhiệm pháp lý và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Theo luật sư Cường, trách nhiệm giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh dược phẩm thuộc về Bộ Y tế, trực tiếp là Cục Quản lý Dược, cùng với Sở Y tế các địa phương. Đây là những cơ quan có chức năng quản lý chất lượng thuốc lưu hành, cấp phép và kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược…

Đã có hàng chục ngàn sản phẩm thuốc giả được bán ra thị trường
"Việc sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh giả là hành vi đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, người phạm tội còn có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, khắc phục hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội. Số tiền thu được từ hành vi phạm tội sẽ bị tịch thu, những tài sản do phạm tội mà có hoặc có nguồn gốc từ tội phạm cũng sẽ bị tịch thu để xử lý theo nguyên tắc xử lý vật chứng trong tố tụng hình sự"- luật sư Cường nhấn mạnh.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, sau một thời gian tập trung điều tra, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa vừa đấu tranh triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả do là Nguyễn Tiến Đạt và Trịnh Doãn Giáo (SN 1985; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) cầm đầu.
Qua khám xét, lực lượng công an đã thu giữ 21 loại thuốc tân dược, thuốc chữa xương khớp giả. Tổng khối lượng thuốc tân dược giả và nguyên liệu để làm thuốc tân dược giả công an thu giữ được gần 10 tấn. Kể từ năm 2021 đến khi bị bắt, đường dây này đã bán ra thị trường số lượng thuốc giả rất lớn, số tiền ước tính gần 200 tỉ đồng.