Những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

23/07/2025 16:02

Luật số 86/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, trong đó sửa đổi 8 điều luật liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình; nâng gấp 2 lần hình phạt tiền tại 24 điều luật, tập trung vào nhóm tội về hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng;...

Sửa đổi 8 điều luật liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự gồm 4 điều. Theo đó, Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (gồm sửa đổi, bổ sung 39 điều). Cụ thể:

- Bổ sung 1 điều luật (Điều 256a. Tội sử dụng trái phép chất ma túy);

- Sửa đổi 8 điều luật liên quan đến việc bỏ hình phạt tử hình gồm các điều: Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Điều 110. Tội gián điệp; Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma tuý; Điều 353. Tội tham ô tài sản; Điều 354. Tội nhận hối lộ; Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.

- Sửa đổi, bổ sung 8 điều luật về nội dung, cụ thể: Bổ sung quy định về không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối và bỏ quy định về không thi hành án tử hình đối với người bị kết án về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ tại Điều 40 của Bộ luật Hình sự vì đã bỏ hình phạt tử hình đối với các tội này; thay cụm từ “cơ sở điều trị chuyên khoa” bằng cụm từ “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”; bổ sung quy định về “sau khi có kết luận khỏi bệnh hoặc có kết luận đủ khả năng nhận thức, đủ khả năng điều khiển hành vi, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự” tại Điều 49 của Bộ luật Hình sự; bổ sung quy định “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” tại Điều 63 của Bộ luật Hình sự; bổ sung các chất ma túy Ketamine và Fentanyl trong cấu thành của 5 tội phạm về ma túy gồm: Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy; Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy; bổ sung thêm 1 khoản để tách khung hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy và Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy.

Sửa đổi 2 điều luật để phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới sau khi không tổ chức Công an cấp huyện

- Sửa đổi 2 điều luật để phù hợp với cơ cấu, tổ chức bộ máy mới sau khi không tổ chức Công an cấp huyện và tên gọi của các bộ sau khi thực hiện phương án sáp nhập gồm: Thay thế cụm từ “cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt” thành cụm từ “cơ quan có thẩm quyền” tại Điều 62 của Bộ luật Hình sự; thay cụm từ “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” thành cụm từ “Bộ Nông nghiệp và Môi trường”, bỏ cụm từ “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện” tại Điều 241 của Bộ luật Hình sự.

Nâng gấp 2 lần hình phạt tiền tại 24 điều luật, tập trung vào nhóm tội về hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng

- Nâng gấp 2 lần hình phạt tiền tại 24 điều luật, tập trung vào nhóm tội về hàng giả, môi trường, an toàn thực phẩm, tham nhũng, cụ thể là: Điều 192. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Điều 195. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường; Điều 236. Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Điều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; Điều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông; Điều 239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người; Điều 241. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật; Điều 242. Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; Điều 243. Tội hủy hoại rừng; Điều 244. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; Điều 245. Tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; Điều 246. Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại; Điều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; Điều 353. Tội tham ô tài sản; Điều 354. Tội nhận hối lộ; Điều 355. Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Điều 357. Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; Điều 358. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Điều 359. Tội giả mạo trong công tác.

Nâng mức phạt tù tại 8 điều luật, tập trung vào các nhóm tội về môi trường, ma túy, an toàn thực phẩm

- Nâng mức phạt tù tại 8 điều luật, tập trung vào các nhóm tội về môi trường, ma túy, an toàn thực phẩm, cụ thể là: Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường; Điều 236. Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy; Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy; Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy; Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy; Điều 255. Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; Điều 317. Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

- Hạ mức thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường tại Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan

Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan. Cụ thể:

- Đối với Luật Thi hành án hình sự: Sửa đổi, bổ sung 3 điều luật (Điều 68, Điều 82 và Điều 115), thay thế cụm từ “Tòa án nhân dân cấp tỉnh” bằng cụm từ “Tòa án nhân dân khu vực” tại khoản 3 Điều 36, khoản 3 Điều 55, khoản 1 Điều 136; thay thế cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp huyện” bằng cụm từ “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” tại điểm d khoản 1 Điều 192; thay thế cụm từ “Tòa án nhân dân cấp huyện” bằng cụm từ “Tòa án nhân dân khu vực” tại khoản 4 Điều 90, các khoản 1, 3 và 5 Điều 93, khoản 1 Điều 102, khoản 4 Điều 103; bãi bỏ điểm d khoản 1 Điều 80, điểm c khoản 1 Điều 192 và Điều 205.

- Đối với Luật Đặc xá, sửa đổi, bổ sung 9 điều luật, gồm: Điều 9, Điều 11, Điều 15, Điều 18, Điều 27, Điều 29, Điều 31.

- Đối với Luật Phòng, chống mua bán người: Sửa đổi, bổ sung 7 điều luật (Điều 27, Điều 28, Điều 30, Điều 31, Điều 33, Điều 46, Điều 53); thay thế cụm từ “xã, phường, thị trấn” bằng cụm từ “xã, phường, đặc khu” tại khoản 1 Điều 22; bãi bỏ Điều 52; bỏ cụm từ “thanh tra” tại khoản 2 Điều 55.

- Đối với Luật CAND: Sửa đổi, bổ sung 06 điều luật gồm: Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 24, Điều 33, Điều 38; thay thế cụm từ “Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” bằng cụm từ “Công an tỉnh, thành phố” tại điểm c khoản 1 Điều 24; thay thế cụm từ “Ủy ban Quốc phòng và An ninh” thành cụm từ “Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại” tại điểm b khoản 1 Điều 25; bãi bỏ khoản 2 Điều 17.

Điều 3 của Luật quy định về hiệu lực thi hành, theo đó, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/202; Điều 4 là những quy định về điều khoản chuyển tiếp.