Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 16/5, sản lượng IC trong tháng 4 tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 28,1 tỷ đơn vị. Đây là mức tăng trưởng đầu tiên kể từ tháng 1/2022.
Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu lạc quan cho thấy sự phục hồi của lĩnh vực chip tại thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới. Sự gia tăng sản lượng chip nội địa diễn ra trong bối cảnh nhập khẩu chip từ Hàn Quốc, Đài Loan của Trung Quốc giảm mạnh. Trong bốn tháng đầu năm, tổng lượng nhập khẩu IC ở nước này đã giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 146,8 tỷ chiếc, theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Trong tháng 4, doanh thu từ ngành chip cũng tăng 5,6%, cán mốc 20 triệu nhân dân tệ, đánh dấu mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Trước đó, trong năm 2022, sản lượng chip của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng do kinh tế gặp khó khăn, hạn chế nghiêm ngặt về phòng chống Covid-19 và cuộc chiến công nghệ leo thang với Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc đã sản xuất 324,2 tỷ IC, giảm 9,8% so với 2021. Mức giảm hàng tháng lớn nhất là vào tháng 10/2022 khi khối lượng sản xuất IC giảm 26,7% xuống còn 22,5 tỷ chiếc.
Khi Mỹ siết chặt lệnh cấm, ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ và thiết bị tiên tiến của ngành bán dẫn, các công ty nội địa đã tăng cường sản xuất chip đời cũ để đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất ôtô, thiết bị gia dụng. Chính quyền địa phương ở Nam Kinh, Tô Châu và Giang Tô đã đáp lại lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc tự chủ nguồn chip bằng cách cung cấp khoản trợ cấp hào phóng cho các công ty liên quan đến chất bán dẫn. Ước tính, chính phủ đã trợ cấp hơn 12,1 tỷ nhân dân tệ cho 190 công ty bán dẫn niêm yết trong nước năm 2022 .
Báo cáo của NBS cũng cho thấy, trong tháng 4, các lô hàng máy tính của Trung Quốc giảm 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng smartphone cũng giảm 5,9% xuống 86,5 triệu chiếc. Tuy vậy, mức giảm này đã thấp hơn đáng kể so với 6,7 % tháng trước.
Khương Nha (theo CNBC)