Sáng 22/12, UBND TPHCM đã tổ chức lễ công bố vận hành chính thức tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM (metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên).
Thông tin tại buổi lễ, ông Phan Công Bằng - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM có tổng chiều dài 19,7km, với 14 nhà ga. Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng trong nước. Đến nay, dự án đã hoàn thành 100% tổng khối lượng với 65 triệu giờ công lao động an toàn trên các công trường.
"Chúng tôi kỳ vọng tuyến metro số 1 sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân thành phố và khu vực để có thể phát huy tối đa hiệu quả của dự án. Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết sẽ triển khai các dự án đường sắt đô thị tiếp theo với tinh thần sáng tạo, đột phá cùng sự quyết tâm cao; góp phần xây dựng một hệ thống giao thông xanh, bền vững, văn minh và hiện đại"- ông Phan Công Bằng nói.
Ông Lê Minh Triết - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM (HURC1, đơn vị vận hành tuyến) cho biết, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đến nay tập thể người lao động của công ty đã đạt mục tiêu tiếp nhận vận hành và thực tế đã vận hành tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên từ ngày 1/10/2024 đến ngày 19/12/2024 với 4565 lượt tàu và hơn 85.000km, hoàn thành các bài kiểm tra, đánh giá của các đơn vị tư vấn.
"Công tác xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế đặt hàng cho việc vận hành tàu, bảo trì bảo dưỡng công trình đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo cơ chế tài chính ổn định lâu dài"- ông Triết thông tin.
Theo đại diện HURC1, sau lễ công bố vận hành, từ 10h sáng 22/12, 14 nhà ga của tuyến metro số 1 sẽ mở cửa đón khách. Theo Nghị quyết của HĐND TPHCM, trong tháng đầu tuyến vận hành (từ ngày 22/12/2024 đến 20/1/2025), người dân đi tàu metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ được miễn phí vé.
Trong 6 tháng đầu, đơn vị vận hành thực hiện mở tuyến lúc 5 giờ, đóng tuyến lúc 22 giờ; tàu chạy đều đặn 8 - 12 phút/chuyến. Sau 6 tháng, giờ mở tuyến là 5 giờ, đóng tuyến là 23 giờ 30 phút; đều đặn 5 - 10 - 15 phút/chuyến (tương ứng với các khung giờ cao điểm/bình thường/thấp điểm).
Người dân có thể dùng thẻ MasterCard để đi tàu metro TPHCM. Ảnh: Hữu Huy
Giá vé, gồm: vé lượt (vé chặng) đi một ga 7.000 đồng và đi cả tuyến 20.000 đồng/lượt. Vé ngày giá 40.000 đồng, có giá trị trong một ngày và không hạn chế số lượt đi. Vé 3 ngày giá 90.000 đồng, có giá trị trong 3 ngày và không hạn chế số lượt đi. Vé tháng cho hành khách phổ thông là 300.000 đồng/tháng; vé tháng cho đối tượng ưu tiên (học sinh, sinh viên) là 150.000 đồng/tháng. Trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi (trên 60 tuổi), người khuyết tật được miễn vé.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, tuyến metro số 1 không chỉ là một công trình giao thông đô thị hiện đại, mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn cao, hội nhập và phát triển bền vững của TPHCM. Công trình này đánh dấu mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh chóng và hiệu quả của người dân, góp phần giảm thiểu áp lực giao thông, ô nhiễm môi trường.
"Hành trình này không chỉ là bằng chứng cho sự nỗ lực bền bỉ của chính quyền thành phố, mà còn thể hiện sự đồng hành và hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản"- ông Cường nói.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết thêm, dự án metro 1 đã hoàn tất các điều kiện theo quy định để chính thức vận hành, khai thác và bắt đầu một chương mới trên hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại. Tuyến metro số 1 sẽ trở thành một không gian công cộng hiện đại, một phần của văn hoá đô thị sống động của TPHCM, nơi bắt đầu cho những khởi nguồn mới, nguồn cảm hứng sáng tạo và những khoảnh khắc đáng nhớ.
"Chúng ta tin rằng metro TPHCM sẽ trở thành biểu tượng của sự hiện đại, kết nối trong đời sống thường nhật, là địa điểm check-in yêu thích của du khách và người dân, đồng thời góp phần tạo nên sự gắn kết, không chỉ về mặt địa lý mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những trải nghiệm thú vị. Trong giai đoạn tiếp theo, TPHCM sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch giao thông đô thị, phát triển mạnh theo mô hình TOD, nhằm xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, hiện đại, bền vững trong tương lai - là biểu tượng của sự đổi mới, kết nối và văn minh đô thị"- ông Bùi Xuân Cường nói.
Ông ITO Naoki - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, tuyến metro số 1 TPHCM là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam. Đây là dự án có vốn vay ODA lớn nhất của Nhật Bản dành cho Việt Nam và là dự án mang tính biểu tượng của quan hệ hợp tác Nhật - Việt. Tuyến số 1 kết nối các khu vực có nhu cầu vận tải cao và sẽ tạo sự chuyển dịch lớn trong phương thức di chuyển của người dân từ ô tô, xe máy sang đường sắt đô thị.
“Trong mối quan hệ với Việt Nam, trong đó có TPHCM, dựa trên quan hệ hợp tác như dự án này, Nhật Bản mong muốn sẽ thực hiện các hợp tác cần thiết đối với phần kéo dài của tuyến metro số 1 TPHCM và tuyến metro số 2 của Hà Nội”- ông ITO Naoki nói.