Lùm xùm việc bằng cấp của ông Vương Tấn Việt đã đến hồi kết: Những văn bằng nào sẽ bị thu hồi?

22/10/2024 16:12

Ông Vương Tấn Việt cũng đã thừa nhận việc sử dụng bằng cấp 3 bất hợp pháp và tự nguyện giao nộp các văn bằng để xử lý theo quy định.

Tối 21/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả xác minh tính hợp pháp của bằng cấp của ông Vương Tấn Việt (còn được biết đến với pháp danh Thượng toạ Thích Chân Quang). Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả xác định ông Vương Tấn Việt đã sử dụng bằng cấp 3 bổ túc văn hóa (bằng tốt nghiệp THPT) không hợp pháp và ông Việt cũng đã thừa nhận việc này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có liên quan khẩn trương thu hồi các văn bằng đã cấp cho ông Việt. Đồng thời, các trường cần tiến hành rà soát lại quy trình đào tạo và cấp bằng để ngăn chặn tình trạng tương tự.

Ngay sau thông tin của Bộ Giáo dục - Đào tạo, sáng 22/10 Trường Đại học Hà Nội cũng cho biết đang thực hiện thủ tục thu hồi bằng cử nhân ngoại ngữ, ngành tiếng Anh hệ đào tạo từ xa đã cấp cho ông Vương Tấn Việt.

Lùm xùm việc bằng cấp của ông Vương Tấn Việt đã đến hồi kết: Những văn bằng nào sẽ bị thu hồi?- Ảnh 1.

Tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 của ông Vương Tấn Việt

Ông Vương Tấn Việt sẽ bị thu hồi những văn bằng nào?

Sau khi việc sử dụng bằng tốt nghiệp THPT không hợp pháp của ông Vương Tấn Việt được làm rõ, nhiều người đặt câu hỏi liệu những văn bằng nào sẽ bị thu hồi?

Được biết cho đến nay, ông Vương Tấn Việt đã có những bằng cấp gồm: bằng cử nhân ngành luật của Trường đại học Luật Hà Nội; bằng tiếng Anh của Trường đại học Hà Nội, hệ đào tạo từ xa; bằng tiến sĩ ngành luật của Trường đại học Luật Hà Nội và hiện ông cũng đang làm nghiên cứu sinh ngành tôn giáo học, theo học chương trình tiến sĩ tại Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Về vấn đề sử dụng bằng giả, các luật sư đã có những phân tích dưới góc độ pháp lý. Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn Phòng Luật Kết nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội và Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) đều có chung quan điểm, nếu ông Việt dùng tấm bằng cấp 3 giả để học, thi cử, cấp văn bằng sẽ bị xử lý bằng cách thu hồi bằng tốt nghiệp đại học và các bằng cấp cao hơn nếu có.

Cụ thể, các luật sư dẫn Theo khoản 3, điều 20, thông tư 08/2021/TT-BGDDT ngày 18/3/2021 của Bộ GD-ĐT có ghi rõ: "Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học, văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ".

Hồi tháng 8/2024, khi lùm xùm thông tin liên quan đến bằng cấp của ông Việt nổi lên, trường ĐH Luật Hà Nội cũng lên tiếng khẳng định việc đào tạo của học viên Vương Tấn Việt đến khi có quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ là 2 năm 3 tháng, đáp ứng và tuân thủ quy chế đào tạo tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và quyết định của nhà trường.

Còn về việc bằng tốt nghiệp cấp 3, trường cho hay khi có thông tin chính thức, nhà trường sẽ thực hiện các thủ tục theo quy định của Bộ GDĐT về quản lý văn bằng chứng chỉ.

Lùm xùm việc bằng cấp của ông Vương Tấn Việt đã đến hồi kết: Những văn bằng nào sẽ bị thu hồi?- Ảnh 2.

Ông Thích Chân Quang nhận bằng Tiến sĩ Luật tháng 4/2022 - Ảnh: Cổng TTĐT Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Cùng thời gian này, phía đại diện Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Hà Nội) là trường đại học đầu tiên cấp bằng cử nhân ngành tiếng Anh cho ông Vương Tấn Việt vào năm 2001 cũng lên tiếng.

Theo đó, đại diện nhà trường cho hay ông Việt theo học chương trình ngành Ngôn ngữ Anh, hệ đào tạo từ xa trong thời gian từ năm 1994 – 2001 và đây là thời gian nằm trong khung thời gian cho phép đối với hệ đào tạo từ xa. Phía nhà trường cũng cho biết thêm, đến thời điểm năm 2024, nhà trường không còn lưu hồ sơ tuyển sinh, trong đó có bằng cấp 3 của ông Vương Tấn Việt vì theo quy định, thời hạn lưu giữ hồ sơ tuyển sinh là đến khi kết thúc khóa học.

Nhận định về trách nhiệm của các đơn vị cấp bằng cho ông Vương Tấn Việt, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng trong vụ việc này, hai cơ sở giáo dục và đào tạo trên có thể được xác định là bị hại, có thể bị ảnh hưởng đến uy tín trong khi họ không thể biết bằng tốt nghiệp THPT mà ông này cung cấp là bằng giả (nếu chỉ nhìn bằng mắt thường).

Còn Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh, vụ việc của ông Vương Tấn Việt kéo dài từ năm 2019 cho đến nay vẫn sai phạm, cố tình sử dụng để tham gia học văn bằng 2 đại học, cũng như làm bằng tiến sĩ. "Do hành vi, thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi, cố tình che giấu hành vi vi phạm của mình, đến nay mới bị cơ quan nhà nước phát hiện, làm rõ. Vì thế, đối chiếu quy định pháp luật, hoàn toàn có căn cứ để xem xét có thể truy cứu trách nhiệm hình sự ông Vương Tấn Việt về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức", VOV dẫn lời luật sư Hùng.