Lộ trình giải quyết 3.600 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập ở Thanh Hóa

10/07/2025 20:03

3.600 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập cấp xã ở Thanh Hóa sẽ được xử lý, giải quyết chế độ theo lộ trình trong 5 năm tới

3.600 cán bộ dôi dư sẽ được xử lý trong thời hạn 5 năm

Chiều 10/7, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025. Ông Đào Xuân Yên, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa và ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng chủ trì cuộc họp báo.

Lộ trình xử lý 3.600 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập ở Thanh Hóa - Ảnh 1.

Nhiều nhà báo, PV các cơ quan báo chí quan tâm, đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc xử lý cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập ở Thanh Hóa.

Đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.

Đến ngày 30/6/2025, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 29.789 tỷ đồng, bằng 65,5% dự toán và tăng 13,6% cùng kỳ, đứng thứ 9 cả nước. Trong đó, thu nội địa 19.086 tỷ đồng, bằng 69% dự toán và tăng 29% cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 10.465 tỷ đồng, bằng 58% dự toán và 93% cùng kỳ.

Mục tiêu tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm 2025 đạt 13,72% trở lên (mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 của tỉnh là 11% trở lên). Trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,16%; công nghiệp, xây dựng tăng 20,33%; dịch vụ tăng 7,14%; thuế sản phẩm tăng 14,35%.

Tại cuộc họp báo, các nhà báo, phỏng viên các cơ quan báo chí Trung ương đặt nhiều câu hỏi cho lãnh đạo các sở, ngành ... liên quan đến các vấn đề "nóng" được dư luận xã hội quan tâm.

Lộ trình xử lý 3.600 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập ở Thanh Hóa - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa trả lời câu hỏi của PV tại cuộc họp báo.

Trả lời câu hỏi về cán bộ dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập chính quyền địa phương 2 cấp và phương án xử lý, giải quyết, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết, chiều 10/7, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị trực tuyến tới 166 xã, phường trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá khó khăn, vướng mắc trong việc sắp xếp, sáp nhập cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Chiến, tổng số lượng biên chế tại 166 xã, phường trên địa bàn tỉnh sau sáp nhập là 8.688 biên chế. Trước sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp, toàn tỉnh có 14.982 cán bộ, công chức, viên chức; hiện có 3.600 người dôi dư.

Theo lộ trình, trong thời hạn 5 năm tiếp theo, tỉnh Thanh Hóa sẽ sẽ ban hành quy định, chính sách để xử lý số cán bộ dôi dư này theo quy định của pháp luật. Trước và trong quá trình sắp xếp, sáp nhập xã, phường, một số cán bộ đã xin nghỉ chế độ theo NĐ 178, NĐ 67 của Chính phủ.

Một vấn đề khác được quan tâm là  vụ việc chết người xảy tại phòng khám ngoài giờ của bác sĩ Dương Văn Thọ, Công an tỉnh Thanh Hóa. Đại tá Trịnh Văn Giang, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, liên quan vụ việc chết người tại phòng khám bác sĩ Thọ, CQĐT Công an tỉnh đã tiếp nhận tin báo và đang tiến hành xác minh, điều tra. Khi nào có kết quả giám định, CQĐT sẽ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Lộ trình xử lý 3.600 cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập ở Thanh Hóa - Ảnh 4.

Đại tá Trịnh Văn Giang, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin các vấn đề PV cơ quan báo chí quan tâm tại cuộc họp báo.

Vận động tiểu thương nộp để tiêu hủy hàng không rõ nguồn gốc

Đối với tình trạng nhiều kiot, sạp hàng tại các chợ tạm thời đóng cửa, ngừng kinh doanh, ông Trần Đức Lương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa xác nhận, thực tế, thời gian qua trên địa bàn tỉnh xảy ra trường hợp một số tiểu thương ở các cơ, tuyến phố ngừng kinh doanh, đóng cửa hàng. Việc này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tiểu thương sợ lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý hàng không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ.

Theo ông Trần Đức Lương, tiểu thương được phép kinh doanh, bán các mặt hàng có nguồn gốc, đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật. Sở Công thương sẽ chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tuyên truyền, vận động tiểu thương quay trở lại kinh doanh. Đồng thời, sẽ vận động nhân dân, tiểu thương tự nguyện giao nộp các hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, hàng giả ... để tiêu hủy theo quy định của pháp luật.