Khi Sandy Carter rời vị trí Phó chủ tịch bộ phận điện toán đám mây của Amazon hồi đầu tháng, bà thông báo trên LinkedIn rằng sẽ gia nhập một công ty blockchain và kèm theo link đăng ký vị trí tại startup này.
Chỉ trong hai ngày, hơn 350 người, trong đó có nhiều nhân lực ở những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, đã mở đường link ứng tuyển vào công ty mang tên Unstoppable Domains. "Đó giống như một cơn bão. Động lực chúng ta đang chứng kiến trong lĩnh vực này thật đáng kinh ngạc", Carter nói.
Carter chỉ là một trong hàng loạt lãnh đạo và kỹ sư đang từ bỏ những công việc yên ổn với mức lương thưởng cao ở Google, Amazon, Apple và nhiều tập đoàn công nghệ khác nhằm theo đuổi điều mà họ coi là "cơ hội chỉ có một lần trong hàng chục năm". Những người này đặt niềm tin vào công nghệ blockchain, với những sản phẩm như tiền điện tử và NFT.
Theo New York Times, Thung lũng Silicon giờ đây liên tục chứng kiến những câu chuyện về những người đầu tư vào tiền điện tử và đổi đời. Bitcoin đã tăng giá 60% trong năm, trong khi giá trị của Ether, tiền số dựa trên blockchain Ethereum, cũng tăng gấp năm lần.
Bên cạnh cuộc chạy đua vì sợ bỏ lỡ cơ hội, ngày càng nhiều tinh hoa của ngành công nghệ Mỹ đang thấy trước giai đoạn chuyển đổi xuất hiện cứ sau hàng chục năm. Họ cho rằng blockchain đang đi theo con đường của máy tính cá nhân và mạng Internet - những thứ từng bị cười nhạo và hoài nghi trước khi đặt nền móng cho thế hệ tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay.
Các nhà đầu tư cũng đang đổ sang lĩnh vực blockchainvới hơn 28 tỷ USD được dồn cho giới startup trong năm nay, gấp bốn lần tổng giá trị đầu tư năm 2020.
"Blockchain đang thu hút rất nhiều tiền và nhân lực. Giai đoạn này giống như thập niên 1990 và khi Internet ra đời. Nó còn rất sơ khai, hỗn loạn và đầy ắp cơ hội", Sridhar Ramaswamy, CEO startup tìm kiếm Neeva và là cựu lãnh đạo tại Google, nhận xét.
Những người chỉ trích cho rằng blockchain không khác gì những bong bóng đầu cơ trong quá khứ, khi cơn sốt được thúc đẩy bởi ham muốn làm giàu nhanh chóng thông qua trao đổi những tài sản không có giá trị thực tế.
Dù vậy, bên ủng hộ lại cho rằng công nghệ blockchain có thể thay đổi thế giới bằng cách tạo ra mạng Internet phi tập trung, không bị kiểm soát bởi nhóm nhỏ những "gã khổng lồ" công nghệ. Khả năng này tồn tại từ khi Bitcoin ra mắt năm 2009, nhưng chỉ nở rộ với sự xuất hiện và phổ biến đại chúng của các sản phẩm như NFT năm nay. Nó càng đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch nhân lực từ các tập đoàn Big Tech sang startup blockchain.
Nhà đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey đã từ chức CEO hồi tháng trước để tập trung vào hoạt động blockchain tại công ty Square, đồng thời đổi tên nó thành Block.
David Marcus, phụ trách mảng tiền điện tử ở Meta - công ty mẹ của Facebook, thông báo sẽ nghỉ việc trong năm nay để theo đuổi "ADN doanh nhân" và dự kiến thực hiện dự án tiền điện tử của riêng mình.
Sức hút của blockchain lớn đến mức hàng loạt tập đoàn lớn nhất tại Thung lũng Silicon phải vội vã tìm cách giữ chân nhân viên. Vấn đề này thậm chí trở thành nội dung thảo luận trong cuộc họp thứ hai hàng tuần của CEO Sundar Pichai và các lãnh đạo Google.
Meta ủng hộ blockchain, trong khi Google vẫn ngần ngại bước vào lĩnh vực này. Nhưng nhiều nhân viên Google đã nhận thấy tiềm năng của blockchain sau khi Phó chủ tịch Surojit Chatterjee rời tập đoàn năm ngoái để làm CEO Coinbase, một trong những sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới.
Khi Coinbase mở bán công khai hồi tháng 4, cổ phần của Chatterjee tăng vọt giá trị lên hơn 600 triệu USD, dù ông mới chỉ làm việc tại đây hơn 14 tháng. Lượng tài sản lớn đã tạo ra nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) trong giới công nghệ, nhất là những người có bạn bè mua Bitcoin từ nhiều năm trước và trở nên giàu có.
"Hồi năm 2017, hầu hết tham gia lĩnh vực blockchain chỉ vì cơ hội đầu tư kiếm lời. Giờ đây, họ thực sự muốn xây dựng thứ gì đó", Evan Cheng, đồng sáng lập và CEO Mysten Labs - startup tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng blockchain, cho hay.
Tình trạng chảy máu chất xám sang blockchain cũng bắt nguồn một phần từ sự kiểm soát nhân viên của các tập đoàn Big Tech. Nhiều người gia nhập Google và Facebook với mong muốn làm nên những điều mới mẻ, nhưng bị chặn đứng bởi bức tường quan liêu và những tác động tiêu cực.
Những người tham gia startup blockchain cũng không phải chờ lâu để thu được lợi nhuận, khác với startup công nghệ truyền thống. Các nhân viên thường chấp nhận mức lương nhỏ ở startup với hy vọng cổ phiếu sẽ tăng giá trị trong tương lai. Với startup blockchain, họ có thể thanh lý cổ phần sớm hơn, thường là dưới dạng giao dịch tiền điện tử do công ty của mình phát hành. Một số còn đưa ra chế độ đãi ngộ ngang với Big Tech, bởi có thể dễ dàng chuyển đổi token thành tiền mặt.
Sandy Carter cho biết nhiều người muốn làm việc trong các công ty blockchain không chỉ vì tiền. Họ bị thu hút bởi những lợi ích từ Web3, trong đó đặt mục tiêu phi tập trung hóa quyền lực và cách ra quyết định trên mạng Internet. Đó là giải pháp thay thế cách Google và Facebook thống trị Internet rồi thu thập dữ liệu người dùng để bán quảng cáo.
Carter cho biết không ít nhân viên và lãnh đạo ở Amazon đang tỏ ra hứng thú với Web3 nhưng bà không tuyển dụng tại đó, vì đã có thỏa thuận không lôi kéo đồng nghiệp cũ sang công ty mới.
Điệp Anh (theo NY Times)