Khu đất 152 Trần Phú bị thu hồi, Trương Mỹ Lan vẫn xin dùng để khắc phục hậu quả

14/11/2024 08:11

Khu đất 152 Trần Phú (Quận 5) trước đây của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã bị TP.HCM thu hồi, song Trương Mỹ Lan vẫn xin dùng để khắc phục hậu quả.

Theo dự kiến, ngày 15/11, VKSND cấp cao tại TP.HCM sẽ phát biểu quan điểm giải quyết vụ án và luận tội đối với các bị cáo trong vụ án phúc thẩm Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 và các đơn vị liên quan.

Trước đó, sau khi kết thúc phần thẩm vấn, đại diện VKS cho rằng, có nhiều chi tiết cần làm rõ liên quan tới các lời khai về việc khắc phục hậu quả của vụ án, nên đề nghị HĐXX trở lại phần xét hỏi đối với phương để bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày.

Trong vụ án này, các sai phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm bị cáo buộc gây thiệt hại với số tiền lên tới 677.000 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả, bị cáo Trương Mỹ Lan cam kết sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền mà Ngân hàng Nhà nước đã cho SCB mượn nhằm duy trì hoạt động và khắc phục hậu quả vụ án.

Khu đất 152 Trần Phú bị thu hồi, Trương Mỹ Lan vẫn xin dùng để khắc phục hậu quả- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên toà.

Theo bị cáo Lan, trong khối tài sản của mình có 440 mã tài sản chưa được định giá nhưng ước tính có thể thu về khoảng 100.000 tỷ đồng nếu bán đi, trong khi giá trị ghi sổ của các tài sản này là 620.000 tỷ đồng.

Một số tài sản điển hình bao gồm dự án 152 Trần Phú (Quận 5) đã hoàn thành xong hạ tầng; dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1 - mà các nhà đầu tư đã đóng góp hơn 3.000 tỷ đồng; dự án Grand Central trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và dự án One Central (khu Tứ giác Bến Thành) trị giá 14.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong số tài sản này, khu đất 152 Trần Phú, từng thuộc quản lý của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) - đã bị Thanh tra Chính phủ xác định có nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và thoái vốn, dẫn đến việc đất Nhà nước rơi vào tay tư nhân.

Từ đó, cơ quan này đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan thu hồi cơ sở nhà đất này và xử lý các phát sinh trong quá trình thu hồi đất; nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc đến ngày 31/12/2023 chưa thực hiện được việc thu hồi thì chuyển cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định.

Cuối năm 2023, UBND TP.HCM đã ra quyết định thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho rằng việc chuyển nhượng đất của Vinataba là vi phạm pháp luật theo Luật Đất đai năm 2013. Công ty liên danh Vina Alliance, đơn vị được lập để quản lý dự án, cũng đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thu hồi giấy phép đầu tư.

Điều này đồng nghĩa với việc tư cách pháp nhân của Vina Alliance không còn và khu đất số 152 Trần Phú không thuộc đối tượng bàn giao. Trong khi đó, Vinataba lại khẳng định đã hoàn tất việc thoái vốn tại Vina Alliance, nên không còn quyền quản lý khu đất này và cũng không thể thực hiện bàn giao.

Khu đất 152 Trần Phú bị thu hồi, Trương Mỹ Lan vẫn xin dùng để khắc phục hậu quả- Ảnh 2.

Khu đất vàng 152 Trần Phú, Quận 5, TP.HCM. (Ảnh: Viết Dũng)

Hiện tại, các cơ quan chức năng TP.HCM vẫn chưa thể thu hồi khu đất này và khắc phục các hệ lụy liên quan, mà chỉ có biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng trái phép để tránh các rủi ro phát sinh.

Trong khi đó, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ hồi đầu năm 2024 về việc thực hiện kết luận sau thanh tra, Vinataba vẫn đang tiếp tục rà soát, kiểm điểm trách nhiệm liên quan đối với Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, Ban lãnh đạo Vinataba và các cá nhân liên quan.

Cơ quan chủ quản của Vinataba là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng chưa báo cáo kết quả thực hiện việc xem xét trách nhiệm và có hình thức kỷ luật theo quy định đối với các tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm, theo thẩm quyền quản lý của đơn vị này.

Cũng tại phiên toà, bà Lan cho rằng, hiện có 1.121 tài sản đang được thế chấp tại Ngân hàng SCB, đủ khả năng đảm bảo để khắc phục hậu quả vụ án. Tuy nhiên, theo bà bà Lan, trong số này có 681 mã tài sản đã bị Công ty Hoàng Quân định giá thấp hơn giá trị thực tế đáng kể, do đó đề nghị tòa xem xét và định giá lại theo giá thị trường tại thời điểm thi hành án để được cấn trừ. Đơn cử, bà Lan nêu dự án Mũi Đèn Đỏ có giá trị thực tế cao hơn nhiều so với mức định giá hiện tại, chênh lệch lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, bị cáo cũng đề nghị dùng 658 mã tài sản không bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào khác để khắc phục hậu quả cho SCB. Nếu tài sản tại SCB không đủ, bị cáo sẵn sàng dùng tài sản cá nhân để hỗ trợ SCB trong quá trình tái cấu trúc. Trong số này, có hai dự án lớn là dự án cảng Sài Gòn và siêu dự án Amigo, mà nếu được phát triển đúng tiến độ có thể mang lại không dưới 200.000 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng trình bày thêm, có khoảng 21.000 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân phải trả cho bị cáo (theo bản án), cùng hơn 500 tỷ đồng đã nộp trước phiên phúc thẩm, và 5.000 tỷ đồng tăng vốn điều lệ nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Do đó, cựu Chủ tịch Vạn Thịnh Phát mong HĐXX cân nhắc về mức án phù hợp, để bà có cơ hội được trở về.