
Trong buổi họp báo ngày 8/4, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt dẫn lại quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng đưa hoạt động sản xuất iPhone sang Mỹ.
Trước đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cũng nói về viễn cảnh người lao động Mỹ có công ăn việc làm trong các nhà máy sản xuất iPhone công nghệ cao.
"Hàng triệu hàng triệu người đang vặn những con ốc nhỏ xíu trên iPhone, chúng ta sẽ mang chúng về Mỹ và chúng ta sẽ tự động hóa công việc này", ông Lutnick nói trong chương trình Face the Nation của đài CBS hôm 7/4.
Những tuyên bố được đưa ra sau khi ông Trump công bố thuế quan và thuế đối ứng cho nhiều quốc gia, bao gồm Trung Quốc với mức thuế 104%. Điều này tác động lớn đến Apple bởi Trung Quốc là thị trường sản xuất iPhone chủ chốt.
Theo trang tin công nghệ 404 Media, ý tưởng sản xuất iPhone tại Mỹ là chủ đề “ám ảnh các chính trị gia” trong nhiều năm. Dù vậy, quá trình lập toàn bộ dây chuyền sản xuất, tuyển dụng lực lượng lao động tại Mỹ không hề đơn giản.
![]() |
iPhone 16 được trưng bày tại sự kiện ra mắt của Apple. Ảnh: Bloomberg. |
Không thể thay đổi trong một đêm
Những năm gần đây, các nhà kinh tế và chuyên gia trong ngành sản xuất cố gắng tính toán iPhone sản xuất tại Mỹ có giá bao nhiêu. Năm 2018, một câu trả lời trên Quora cho biết con số có thể lên đến 30.000 USD. Trong khi đó, tính toán của Reuters dựa trên mức thuế của ông Trump là 2.300 USD.
Tất nhiên, mọi thứ chỉ đưa ra dựa trên suy đoán. Theo 404 Media, Apple không thể sản xuất iPhone tại Mỹ chỉ sau một đêm. Về lý thuyết, công ty có thể xây dựng dây chuyền lắp ráp, nhưng quá trình ấy cần nhiều năm.
“Trong thế giới lý tưởng của ông Trump, mọi công ty sẽ cùng lúc chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ, dẫn đến những vấn đề về chuỗi cung ứng, xây dựng nhà máy và làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhân tài của Mỹ với hoạt động sản xuất công nghệ cao”, trang tin cho biết.
![]() |
CEO Tim Cook của Apple giới thiệu với ông Trump bo mạch của Mac Pro, mẫu máy tính của Táo khuyết lắp ráp tại Mỹ năm 2019. Tuy nhiên, nhiều linh kiện của Mac Pro vẫn phải nhập từ nước khác. Ảnh: Reuters. |
Về lâu dài, một số hoạt động sản xuất công nghệ cao có thể chuyển về Mỹ do an ninh chiến lược và quốc gia. Tuy nhiên trong thời gian tạm thời với mức thuế quan khổng lồ, điều này có thể dẫn đến tác động không thể lường trước.
Dù có lắp ráp tại Mỹ, iPhone vẫn chứa các thành phần được sản xuất trên toàn thế giới, cùng vật liệu khai thác bởi hàng chục quốc gia. Apple có một trong những chuỗi cung ứng phức tạp nhất lịch sử, và sẽ không thể thay đổi trong một đêm.
Chuỗi cung ứng toàn cầu
Kể cả Mac Pro, thiết bị được quảng cáo “lắp ráp tại Mỹ” cũng phải chuyển một phần sản xuất sang Trung Quốc. Mac Pro lắp ráp tại Mỹ từ những vật liệu khai thác từ khắp thế giới, được chuyển thành linh kiện sản xuất bởi nhiều quốc gia.
Trang 404 Media trích dẫn báo cáo về khoáng sản được Apple nộp lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Tài liệu nêu chi tiết về đơn vị nhập thiếc, tantal, vonfram và vàng. Công ty cung cấp vật liệu cũng phải báo cáo quốc gia khai thác.
Phiên bản mới nhất của tài liệu được nộp vào năm 2023. Trong đó, 4 kim loại trên có nguồn gốc từ 79 quốc gia, cung cấp bởi khoảng 200 nhà máy lọc dầu và lò luyện kim khác nhau. Chỉ có 20 lò luyện kim đến từ Mỹ.
![]() |
Một số nhà cung ứng và quốc gia, vùng lãnh thổ xuất xứ trong báo cáo chuỗi cung ứng của Apple. Ảnh: 404 Media. |
Danh sách dài hơn cho thấy công ty sản xuất các thành phần cho Apple trải dài trên hàng chục quốc gia. Có một số công ty tại Mỹ, nhưng phần lớn nhà máy đến từ châu Á.
Khi thuế quan của ông Trump có hiệu lực, có giả thuyết cho rằng Apple sẽ tăng cường nhập vật liệu và linh kiện từ các công ty Mỹ. Tuy nhiên, Táo khuyết sở hữu một trong những chuỗi cung ứng phức tạp nhất thế giới, được hình thành và điều chỉnh trong nhiều thập kỷ, không dễ thay đổi toàn bộ trong 1-2 năm.
Các tài liệu về chuỗi cung ứng cho thấy đối tác sản xuất của Apple sử dụng ít nhất 1,4 triệu người lao động, và tổng cộng hơn 320 nhà cung cấp.
Trong tuyên bố trên đài truyền hình, Lutnick khẳng định Apple sẽ “tự động hóa đội quân sản xuất tại Mỹ”, trong khi người Mỹ tốt nghiệp trung học sẽ đảm nhận công việc phụ trợ.
![]() |
Các quốc gia nguồn gốc của 4 kim loại dùng để sản xuất thiết bị Apple. Ảnh: 404 Media. |
Trên thực tế, tốc độ tự động hóa dây chuyền Apple khá chậm, phần lớn sản phẩm của công ty vẫn được lắp ráp bằng tay.
Đây là chủ đề được Ryan Petersen, CEO công ty logistic Flexport, chia sẻ trên podcast Odd Lots của Bloomberg.
“Tôi đã nói chuyện với 2 người phải tạm dừng xây nhà máy (tại Mỹ) do thuế quan, vì máy móc họ sắp mua quá đắt.
Các nhà máy cần máy móc và linh kiện từ nhiều quốc gia khác nhau. Nếu máy quá đắt thì bạn sẽ sản xuất ít hơn. Tôi cho rằng điều này không thể mang đến kết quả như họ mong muốn”, Petersen cho biết.
Năm 2024, The Information đưa tin Apple đặt mục tiêu giảm "tối đa 50%" lượng người lắp ráp iPhone. Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người làm công việc này. Kể cả quy trình tách rời và tái chế iPhone vẫn cần con người dù có robot hỗ trợ.
Tuyển dụng hàng triệu việc làm
Đào tạo lực lượng lao động để lắp ráp iPhone cũng là vấn đề đáng cân nhắc. Kể cả tại Mỹ, khoảng một nửa công nhân của nhà máy chip TSMC ở Arizona đến từ Đài Loan (Trung Quốc).
Năm 2023, TSMC tuyên bố nhà máy tại Mỹ “không đủ công nhân lành nghề”, những người nhập cư Đài Loan với thị thực đặc biệt phải đảm nhiệm phần lớn công việc.
Để quá trình chuyển đổi kinh tế của ông Trump diễn ra suôn sẻ, Mỹ cần xây dựng lượng lớn nhà máy công nghệ cao cùng lúc. Cần lưu ý rằng Foxconn phải hủy kế hoạch xây dựng nhà máy tại Wisconsin vì nhiều lý do dù nhận được hàng tỷ USD.
Trả lời The Verge, Giám đốc dự án Alan Yeung chỉ ra lý do đến từ việc tuyển dụng nhân công địa phương không khả thi.
![]() |
Logo trước một cửa hàng của Apple. Ảnh: Bloomberg. |
Năm 2024, Boston Engineering, công ty hỗ trợ chuyển hoạt động sản xuất công nghệ sang Mỹ, công bố báo cáo về những rào cản khi lập dây chuyền sản xuất tại Mỹ, bao gồm mức lương cao hơn, nhu cầu xây dựng tự động hóa có khả năng chưa tồn tại, và tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề tại Mỹ.
“Chuyển hoạt động không chỉ đơn thuần là di dời địa điểm, mà thường đòi hỏi thiết kế lại sản phẩm và quy trình sản xuất.
Nhiều sản phẩm ban đầu được thiết kế cho lao động chân tay giá rẻ ở nước ngoài, nếu chuyển về Mỹ cần thiết kế lại cho nhu cầu tự động hóa, phù hợp với lực lượng lao động có mức lương cao hơn”, công ty này cho biết.
Từng có nhiều báo cáo về tình trạng làm việc khắc nghiệt tại Foxconn, khiến công nhân bị rối loạn sức khỏe tinh thần. Apple đã có nhiều biện pháp khắc phục, nhưng vụ tự tử gần nhất của công nhân Foxconn vẫn xảy ra năm 2022, bên cạnh hàng loạt cuộc biểu tình về điều kiện làm việc và mức lương.
Việc đưa hoạt động sản xuất về Mỹ không chỉ là mục tiêu của chính quyền ông Trump. Trước đó, mục tiêu lớn nhất của Đạo luật CHIPS từ thời ông Joe Biden là đưa hoạt động sản xuất chip trở lại Mỹ. Dù vậy, việc áp thuế quan hiện nay được dự báo tác động lớn đến chuỗi cung ứng và trật tự thương mại toàn cầu, trong khi chưa thể đảm bảo lợi ích rõ ràng.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn