Bộ Y tế đang đề nghị xây dựng Luật Dân số nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong thời tình hình mới. Thông tin với Người Đưa Tin về sự cần thiết xây dựng Luật Dân số trong bối cảnh hiện nay, ông Nguyễn Việt Hùng - Phó trưởng Phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, Pháp lệnh Dân số đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003 và sửa đổi năm 2008.
Qua hơn 20 năm thực hiện, Pháp lệnh Dân số là văn bản pháp lý đầu tiên và cao nhất trong triển khai công tác dân số. Pháp lệnh Dân số đã điều chỉnh một cách toàn diện về dân số cũng như cùng với các luật khác đã tạo một hành lang pháp lý cho công tác dân số được quản lý bằng pháp luật trong thời gian qua.
Pháp lệnh Dân số đã góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước và quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện về công tác dân số. Pháp lệnh dân số đã có nhiều tác động tích cực điều chỉnh về các vấn đề dân số.
Bên cạnh đó, ông Hùng cho rằng Pháp lệnh Dân số đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa đáp đáp ứng được cái yêu cầu của công tác dân số trong tình hình mới. Đặc biệt, sau khi Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành năm 2017.
Như, thiếu quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm thực hiện các chủ thể trong việc thực hiện công tác dân số; thiếu các quy định về chính sách ưu tiên, đối tượng ưu tiên, các mức ưu tiên cho các cái đối tượng chính sách được hưởng trong sử dụng các dịch vụ về dân số; việc duy trì mức sinh thay thế chưa thực sự vững chắc, đang có xu hướng giảm sinh, chưa có giải pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả của cơ cấu dân số vàng...
“Việt Nam đã bước vào thời kỳ già hóa dân số nhưng cũng chưa có các quy định để thích ứng với già hóa dân số và sắp tới là dân số già, chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực chưa được đảm bảo”, ông Hùng nói.
Do đó, ông Hùng cho rằng cần phải có những quy định mới để thực hiện nâng cao chất lượng dân số trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, việc tư vấn khám sức khỏe, kết hôn, tầm soát, chẩn đoán điều trị trước sinh và sơ sinh đã thực hiện nhưng cũng chưa có các quy định cụ thể để giúp nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian tới. Hay phân bố dân số cũng còn nhiều bất cập, nên trong Luật Dân số cần quy định vấn đề này.
Cùng với đó, tổ chức bộ máy làm công tác dân số cũng như kinh phí đầu tư cho công tác dân số là vấn đề chưa giúp cho công tác dân số trong thời gian qua được thực hiện tốt và cũng cần được quy định trong Luật Dân số trong thời gian tới.
Ông Hùng cho biết thêm, Bộ Y tế được Chính phủ giao xây dựng hồ sơ dự thảo Luật Dân số, Cục Dân số (Bộ Y tế) là đơn vị đầu mối.
“Chúng tôi đang xây dựng dự thảo và dự kiến trong hồ sơ Luật Dân số chúng tôi đề xuất 6 chính sách đó là chính sách duy trì mức sinh thay thế; chính sách về đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; chính sách về thích ứng với già hóa dân số và dân số già; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số; lồng ghép các yếu tố dân số trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, đây là sáu chính sách cơ bản trong hồ sơ dự thảo Luật Dân số cũng đã, đang hoàn thiện và Cục Dân số cũng đang trình Bộ Tư pháp thẩm định. Khi Bộ Tư pháp thẩm định xong sẽ trình Chính phủ trong tháng 12/2024.
Theo Bộ Y tế, cần thiết phải xây dựng Luật Dân số thay thế Pháp lệnh Dân số nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất để thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới, trực tiếp là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết số 21; có các biện pháp giải quyết xu hướng già hóa dân số trong thời gian tới, tận dụng lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước; hướng đến năm 2045 Việt Nam là nước có dân số chất lượng tốt, lực lượng lao động đông đảo, thu nhập cao... nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trên thế giới.
Hoàng Bích - Ngọc Tân