Điểm tới hạn của pin xe điện giá rẻ: Các hãng xe sẽ làm gì khi không thể giảm giá linh kiện chiếm 40% chi phí thành phẩm được nữa?

16/12/2024 16:13

Nhiều nhà sản xuất ô tô vội vã làm xe điện vì nghĩ rằng có thể thay thế các bộ phận động cơ bằng pin giá rẻ từ Trung Quốc, nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy.

Điểm tới hạn của pin xe điện giá rẻ: Các hãng xe sẽ làm gì khi không thể giảm giá linh kiện chiếm 40% chi phí thành phẩm được nữa? - Ảnh 1

Tờ Nikkei Asian Review cho hay một chiếc xe điện có 30-40% giá thành chi phí đến từ pin và cuộc đua hạ giá sản phẩm này diễn ra vô cùng khốc liệt trên thị trường.

Tuy nhiên theo kỹ sư Kazuo Yajima của Nissan Motor, công thức làm nên thành công cho ngành pin xe điện của Trung Quốc là giá thành rẻ cuối cùng sẽ đến điểm tới hạn khi khó có thể hạ thêm nhiều được nữa.

Thêm vào đó, những vụ tai nạn và doanh số bán xe điện chậm lại khiến các doanh nghiệp phải nhìn sang việc phát triển chất lượng, công nghệ pin xe điện thay vì chỉ tập trung vào giá thành sản xuất.

"Chi phí của pin xe điện bao gồm chi phí vật liệu, chi phí xử lý và biên lợi nhuận. Các nhà sản xuất đã nỗ lực để giảm chi phí xử lý nhưng điều này là có giới hạn. Bởi vậy giá pin không thể giảm sâu thêm nữa xuống dưới chi phí vật liệu", chuyên gia Yajima khẳng định.

Mức giá bình quân cho mỗi tổ hợp pin xe điện (USD/KWH) Mức giá bình quân cho mỗi tổ hợp pin xe điện (USD/KWH)

Báo cáo của Goldman Sachs cho thấy giá pin xe điện vẫn có thể giảm nhưng với tốc độ chậm lại. Giá bình quân cho mỗi KWH pin xe điện sẽ chỉ còn 111 USD vào cuối năm nay, thấp hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019 và còn có thể giảm xuống còn 82 USD năm 2025 nhờ cắt giảm chi phí xử lý.

Điều này có thể khiến giá một chiếc xe điện rẻ ngang xe xăng dù không có trợ cấp tại Mỹ, nhưng khó lòng có thể giảm sâu hơn nữa do giới hạn về công nghệ sản xuất pin.

Điểm tới hạn

Theo Sanshiro Fukao, nghiên cứu viên điều hành tại Viện nghiên cứu Itochu, lợi thế chi phí rẻ đã giúp Trung Quốc nổi lên là quốc gia dẫn đầu về pin xe điện trên toàn cầu trong bối cảnh nhiều hãng trái ngành cũng muốn tham gia.

"Nhiều doanh nghiệp trái ngành cũng muốn sản xuất xe điện, vì vậy họ muốn có pin giá rẻ để hạ chi phí sản phẩm. Do đó các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm ưu thế vì hầu hết chuỗi cung ứng pin đều ở Trung Quốc", chuyên gia Fukao nhận định.

Bảng xếp hạng năm 2023 của SNE Research cho thấy hãng CATL tại Trung Quốc nắm giữ 36% thị trường pin xe điện toàn cầu, tiếp theo là đối thủ trong nước BYD với 16% và LG Energy Solution của Hàn Quốc với 15%. Hai thương hiệu Hàn Quốc SK On và Samsung SDI cùng đứng thứ 5.

Tuy nhiên theo Fukao, việc pin xe điện giá rẻ đạt tới điểm giới hạn khiến nhiều nhà sản xuất khác thấy được cơ hội. Công nghệ pin xe điện là có hạn và việc chi phí xoay quanh ngưỡng cố định khiến nhiều doanh nghiệp có thể tham gia cuộc chơi.

Lúc này, các tập đoàn sẽ phải chuyển hướng nghiên cứu nâng cao tính an toàn, ổn định, đảm bảo chất lượng hay gia tăng tính năng của sản phẩm.

Nhận thức được tình hình, chính phủ Hàn Quốc gần đây đang thực hiện các bước cải cách nhằm giành lại ưu thế trong mảng pin xe điện.

Cụ thể, chính phủ bắt đầu yêu cầu tất cả các nhà sản xuất xe điện phải tiết lộ thông tin về pin mà họ sử dụng và sẽ bắt buộc chứng nhận an toàn cho pin được sử dụng cho xe điện được bán trong nước từ tháng 2/2025.

Điểm tới hạn của pin xe điện giá rẻ: Các hãng xe sẽ làm gì khi không thể giảm giá linh kiện chiếm 40% chi phí thành phẩm được nữa? - Ảnh 2

Những thay đổi này diễn ra sau một tai nạn vào tháng 8/2024 khi một chiếc xe điện Mercedes-Benz được trang bị pin Trung Quốc đã gây ra một vụ cháy lớn tại bãi đỗ xe ngầm của một khu chung cư ở Incheon.

Thậm chí chính tại Trung Quốc, vấn đề an toàn cũng đang ngày càng được chú trọng.

Tháng 5/2024, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã đề xuất các quy định mới nhằm nâng cao an toàn pin xe điện.

Ví dụ, pin xe điện sẽ phải báo động 5 phút trước khi xảy ra hỏa hoạn nếu rò rỉ nhiệt. Đây là phản ứng hóa học trong một đơn vị pin dẫn đến nhiệt độ tăng không kiểm soát và gây ra cháy nổ.

Những thay đổi này dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2026.

Ông lớn nhập cuộc

Ngay cả các hãng pin lớn cũng nhận thức được vấn đề rằng hạ giá thành để cạnh tranh sẽ có điểm tới hạn, chưa kể những vụ tai nạn sẽ làm xấu hình ảnh ngành pin xe điện, khiến người tiêu dùng sợ hãi.

Bởi vậy, Chủ tịch CATL Robin Zeng đã kêu gọi ngành công nghiệp gạt bỏ sự cạnh tranh sang một bên và ưu tiên lợi ích của người tiêu dùng, đặc biệt là vấn đề an toàn.

"Nhiều sản phẩm pin tuyên bố tỷ lệ hỏng hóc là một phần một triệu nhưng trên thực tế, tỷ lệ hỏng hóc gần với một phần nghìn. Với hơn 25 triệu xe điện lưu thông trên đường tại Trung Quốc và hàng tỷ đơn vị pin đang được sử dụng, khi bạn nhân con số này với tỷ lệ hỏng hóc thì rủi ro về an toàn sẽ trở nên rõ ràng. Bởi vậy phải có một tiêu chuẩn tuyệt đối về an toàn", ông Zeng nói trong một sự kiện tháng 9/2024.

Trước tình hình trên, CATL đã phát triển công nghệ truyền không nhiệt (NP) nhằm mục đích ngăn ngừa các vấn đề với một đơn vị pin riêng lẻ để tránh làm ảnh hưởng đến toàn bộ tổ hợp cụm pin xe điện. Phía CATL hy vọng công nghệ mới sẽ cho phép pin tiếp tục hoạt động ngay cả khi một đơn vị bị mất kiểm soát nhiệt.

Không chịu thua, đối thủ BYD cũng đã nộp một loạt bằng sáng chế về an toàn pin trong năm nay lên Cục Quản lý Sở hữu Trí tuệ Quốc gia Trung Quốc (CNIPA).

Hiện trên thị trường có 2 loại pin xe điện tùy thuộc vào loại hóa chất chính mà chúng sử dụng.

Điểm tới hạn của pin xe điện giá rẻ: Các hãng xe sẽ làm gì khi không thể giảm giá linh kiện chiếm 40% chi phí thành phẩm được nữa? - Ảnh 3

Theo cảnh sát địa phương, loại pin bị nghi ngờ gây ra vụ cháy ở Incheon có thành phần là Niken. Loại pin này cho phép mật độ năng lượng tương đối cao, nghĩa là chúng có thể chạy lâu hơn sau mỗi lần sạc nhưng có thể khó quản lý an toàn.

Chúng cũng đắt hơn loại còn lại vì sử dụng các khoáng chất hiếm tùy tên gọi, ví dụ như NMC (Niken Mangan Coban) hay NCA (Niken Coban Nhôm).

Loại pin xe điện còn lại được gọi là pin LFP (Lithium Sắt Phosphate), có chi phí rẻ hơn nhờ nguồn nguyên liệu rộng rãi so với pin Niken. Tuy nhiên loại này có mật độ năng lượng tương đối thấp, hạn chế phạm vi xe điện có thể hoạt động dù giúp kiểm soát rủi ro an toàn tốt hơn.

Chuyên gia Yajima của Nissan cho biết dù lựa chọn loại pin nào thì cách sử dụng chúng cũng quan trọng không kém.

"Bất kỳ loại pin nào, dù đắt tiền hay không, đều có thể bị cháy nếu bạn không sử dụng đúng cách", chuyên gia Yajima nói.

Vị kỹ sư từ Nissan này cũng cho biết việc để xe điện tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt trong thời gian dài hoặc sạc quá mức có thể phá vỡ thành phần hóa học của pin và gây ra hỏa hoạn.

Giám đốc tiếp thị Mitsutaka Fujita của Techno Systems Research cho biết nhiều nhà sản xuất ô tô vội vã làm xe điện vì nghĩ rằng có thể thay thế các bộ phận động cơ bằng pin, nhưng điều này không đúng vì các nguồn điện khác nhau có tác động khác nhau đến hiệu suất của xe.

Ví dụ, một chiếc ô tô chạy bằng xăng sẽ nhẹ hơn khi sử dụng hết nhiên liệu, trong khi một chiếc xe điện vẫn nặng như khi pin cạn kiệt.

Đó là chưa kể đến vấn đề an toàn khi sử dụng pin giá rẻ từ Trung Quốc hiện nay.

Rõ ràng, cạnh tranh về giá trong pin xe điện có điểm tới hạn và các hãng xe đến một lúc nào đó phải suy nghĩ đến nâng cao chất lượng, an toàn của sản phẩm thay vì chỉ thu hút khách hàng bằng giá rẻ.

*Nguồn: Nikkei

Link bài gốc