Theo số liệu chậm đóng tính đến hết ngày 30/9, cập nhật ủy nhiệm chi đến hết ngày 8/10 của Bảo hiểm xã hội TP.HCM, có tới 16.929 đơn vị trên địa bàn đang nợ BHXH từ 3 tháng trở lên với tổng số tiền lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Con số này tăng hơn 300 đơn vị so với số liệu thống kê hồi tháng 7/2024 (với 16.618 doanh nghiệp chậm đóng BHXH).
Trong đó, có nhiều đơn vị nợ đóng BHXH trong khoảng thời gian dài, với số tiền lên tới trên hàng chục tỉ đồng.
Đứng đầu danh sách là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình có địa chỉ tại 235 Võ Thị Sáu, phường Võ Thị Sáu, quận 3, chậm đóng bảo hiểm xã hội 12 tháng và nợ BHXH với tổng số tiền gần 43 tỷ đồng.
Kế đến là Công ty Cổ phần Dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn, số 10 Cô Giang, phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1 với hơn 39 tỉ đồng (nợ 79 tháng).
Một doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực bất động sản là Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land chậm đóng 17 tháng với số tiền hơn 27,5 tỷ đồng.
Trong ngành may mặc, Công ty TNHH Việt Thắng Jean, ở số 38 Quang Trung, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức chậm đóng đến tháng thứ 45 với số nợ gần 15,5 tỷ đồng.
Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Dệt may Việt Nam địa chỉ 18 Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP Thủ Đức, chậm đóng 24 tháng nay với số tiền gần 13,6 tỷ đồng.
Công ty TNHH May mặc Sản xuất Quang Thái ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân chậm đóng đến tháng thứ 49 với số tiền hơn 13 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có Công ty Cổ phần dệt may Liên Phương, địa chỉ số 18 Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP Thủ Đức nợ 27 tháng với số tiền hơn 12, 4 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp khác cũng số nợ kéo dài nhiều năm như: Chi nhánh Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS- Trường TH, THCS và THPT Quốc tế Mỹ ở 220 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, Nhà Bè, nợ kéo dài 34 tháng, số tiền lên tới gần 15 tỉ đồng. Cũng tại địa chỉ này có công ty Cổ phần thương mại dịch vụ đầu tư 257, nợ 36 thang với số tiền gần 14 tỉ đồng.
Theo Bảo hiểm xã hội TP.HCM, việc doanh nghiệp nợ bảo hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, nhất là trong việc khám chữa bệnh, chế độ thai sản.
Mặc dù cơ quan Bảo hiểm xã hội, đã có nhiều giải pháp đốc thúc, thanh kiểm tra, xử phạt hành chính... tuy nhiên thực trạng nợ đọng của các đơn vị vẫn kéo dài.
Theo Công an TP.HCM, từ năm 2020 đến nay, cơ quan này đã tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển qua. Tuy nhiên, tới nay, vẫn chưa có vụ việc nào bị xử lý hình sự và một trong những lý do nằm ở khâu giấy tờ, thủ tục, chứng cứ.
Các bên liên quan kỳ vọng vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mới đây và các văn bản hướng dẫn sắp tới sẽ tạo cơ sở pháp lý tốt hơn để xử lý các chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi của người lao động.