"Đi từng ngõ, gõ từng nhà" rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân vùng biên

24/07/2025 20:01

Người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của Gia Lai, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, giờ đây đã có thể làm thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện nhờ sáng kiến đưa dịch vụ công về tận cơ sở.

Hết lòng hỗ trợ người dân

Sau khi được hợp nhất từ ba đơn vị hành chính, xã Chư Păh (tỉnh Gia Lai) gặp nhiều khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cho gần 20.000 người dân, trong đó hơn 40% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước thực tế đó, Công an xã đã triển khai các tổ công tác lưu động đến tận thôn, làng để tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân làm căn cước công dân, định danh điện tử, đăng ký tạm trú, tạm vắng. Nhờ cách làm linh hoạt, chủ động, dịch vụ công ngày càng tiếp cận sâu hơn tới vùng xa, vùng khó.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp” là phương châm cải cách hành chính được Công an xã kiên trì thực hiện. Thượng tá Nguyễn Văn Thông, Trưởng Công an xã, cho biết: “Với tinh thần phục vụ nhân dân, cán bộ được phân công trực và hỗ trợ đến khi xử lý xong trường hợp cuối cùng, dù đã hết giờ hành chính".

Gần dân, sát cơ sở: Công an xã đưa dịch vụ công về bản làng- Ảnh 1.

Người dân được cán bộ công an hướng dẫn tận tình, chu đáo.

Mỗi ngày, Công an xã Chư Păh tiếp nhận từ 50 đến 60 lượt người dân đến làm căn cước công dân, định danh điện tử mức độ 2 và điều chỉnh giấy tờ hành chính.

Sau 2 tuần triển khai, lực lượng công an đã tiếp nhận khoảng 60 hồ sơ cấp căn cước, kích hoạt định danh cho hơn 360 trường hợp và hỗ trợ khởi tạo gần 150 chữ ký số. Những con số này cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc đưa dịch vụ công đến gần dân.

Tại làng Hreng – điểm xa nhất cách trung tâm xã hơn 15km, việc tiếp cận dịch vụ hành chính vẫn còn nhiều khó khăn.

Trung tá Huỳnh Ngọc Tâm, cán bộ Công an xã, cho biết: “Nhiều người không biết chữ, không có điện thoại thông minh. Chúng tôi phải hỗ trợ từng bước, từ khai báo thông tin đến hướng dẫn giữ gìn giấy tờ".

Không chỉ phục vụ người dân trong xã, Công an xã Chư Păh còn tiếp nhận nhiều người từ các địa bàn lân cận tìm đến vì “làm nhanh, hướng dẫn tận tình”.

Bà Nguyễn Thị Thoa, trú xã Ia Ly, vượt gần 20km đưa ba người con đến làm căn cước công dân, chia sẻ: “Nghe người quen giới thiệu nên tôi đến đây. Cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, thủ tục nhanh gọn, không phải chờ lâu".

Gần dân, sát cơ sở: Công an xã đưa dịch vụ công về bản làng- Ảnh 2.

Công an xã Chư Păh đang triển khai đợt cao điểm 50 ngày, đêm để tuyên truyền, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền 2 cấp.

Còn anh Rơ Chăm Thái, người dân tại xã Chư Păh cho biết, anh chỉ mất hơn một giờ để hoàn tất các thủ tục định danh điện tử và tích hợp giấy tờ cá nhân. “Tôi đến lúc 7 h sáng, hơn 8h đã làm xong hết. Không bị chờ đợi, lại được hướng dẫn cặn kẽ nên tôi còn kịp lên rẫy", anh nói.

Kết nối chặt chẽ giữa chính quyền với người dân

Hiện, Công an xã Chư Păh đang thực hiện cao điểm 50 ngày, đêm tuyên truyền và hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp.

Không chỉ dừng ở việc cấp căn cước công dân, định danh điện tử, cán bộ công an còn trực tiếp hướng dẫn người dân tích hợp bảo hiểm y tế, sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công.

Không chỉ xã Chư Păh, tại phường An Phú, mỗi ngày tiếp nhận hơn 20 lượt người đến làm thủ tục cư trú, tạm trú, tạm vắng. Thời gian xử lý hồ sơ được rút ngắn đáng kể, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân.

Gần dân, sát cơ sở: Công an xã đưa dịch vụ công về bản làng- Ảnh 3.

Mô hình chính quyền 2 cấp tại Gia Lai đang phát huy hiệu quả, giúp người dân tiếp cận dịch vụ công ngay tại địa phương một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Chị Hoàng Thị Phượng (trú tại phường An Phú) cho biết: “Trước đây, làm thủ tục tạm trú phải chờ rất lâu. Giờ chỉ cần mang đủ giấy tờ lên Công an phường, được hướng dẫn tận tình, chưa đầy 30 phút là hoàn tất”.

Theo Thượng tá Hồ Thanh Sơn, Trưởng Công an phường An Phú, đơn vị luôn quán triệt tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, xử lý nhanh, gọn từng hồ sơ, hạn chế tối đa việc người dân phải đi lại nhiều lần.

“Người dân đến càng đông là tín hiệu đáng mừng, vì điều đó cho thấy họ tin tưởng lực lượng Công an. Mỗi cán bộ càng phải trách nhiệm hơn, tận tụy hơn để giữ vững niềm tin ấy”, Thượng tá Sơn chia sẻ.

Ông cho biết thêm, tuy số lượng hồ sơ chưa quá lớn, nhưng chính tinh thần làm việc sát dân, vì dân đã tạo nên thay đổi rõ rệt trong công tác cải cách hành chính tại cơ sở.

Mô hình chính quyền 2 cấp đang phát huy hiệu quả tại Gia Lai, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ công ngay tại địa phương.

Từ những buôn làng xa xôi đến các khu phố đông dân cư, dịch vụ công được đưa đến gần dân hơn, không chỉ rút ngắn khoảng cách hành chính mà còn tăng sự gắn bó giữa chính quyền và người dân.

Từ những thay đổi nhỏ, một nền hành chính phục vụ gần dân, sát dân và vì dân đang dần hiện hữu rõ nét trên vùng đất Tây Nguyên.