"Hiện Đà Nẵng cần 77.000 nhân sự công nghệ thông tin, nhưng mới có 44.000 người làm trong ngành, đồng nghĩa thiếu hụt 33.000 lập trình viên, nhất là vị trí đòi hỏi kinh nghiệm và chuyên môn cao", PGS. TS Nguyễn Gia Như, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Kỹ thuật - Đại học Duy Tân, nói.
Tình trạng thiếu hụt không chỉ xảy ra ở Đà Nẵng mà ở cả khu vực miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Định và Tây Nguyên. Tổng số lập trình viên tại đây khoảng 55.000-60.000 người, trong đó Đà Nẵng chiếm phần lớn.
Đà Nẵng hiện là trung tâm công nghệ thông tin lớn nhất miền Trung. Hoạt động công nghệ thông tin tại các tỉnh, thành phố khác như Huế, Quảng Nam, Quy Nhơn (Bình Định) chủ yếu gia công phần mềm và các dự án quy mô nhỏ.

Đào tạo lập trình viên tại Đà Nẵng. Ảnh: Đại học Duy Tân
Trong bối cảnh Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung "khát" lập trình viên, PGS. TS Như cho biết các sự kiện như DevDay Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ tạo ra những tác động tích cực. DevDay 2025, diễn ra ngày 12/4 tại Đại học Duy Tân, sẽ có hơn 30 phiên hội thảo chuyên sâu, với 40 chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ các xu hướng công nghệ mới với chủ đề AI, blockchain, an ninh mạng, điện toán đám mây, công nghệ tài chính và giáo dục thông minh.
Ngày hội việc làm trong sự kiện cũng tạo cơ hội kết nối giữa doanh nghiệp CNTT và nhân sự tiềm năng. PGS. TS Nguyễn Gia Như cho biết, so với Hà Nội và TP HCM, mức lương lập trình viên tại Đà Nẵng thấp hơn 20-30%. Tuy nhiên, một lợi thế tại miền Trung là chi phí sinh hoạt thấp hơn, giúp thu nhập thực tế không quá chênh lệch.
Theo Hiệu trưởng Trường Công nghệ Kỹ thuật, các trường đại học trong khu vực như Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học Duy Tân và Đại học Quy Nhơn hiện cung cấp nguồn nhân lực công nghệ thông tin trẻ, có nền tảng kiến thức tốt.
"Lập trình viên Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung chăm chỉ và có khả năng tiếp thu công nghệ mới nhanh chóng. Điều này giúp họ cạnh tranh tốt trong các dự án quốc tế, đặc biệt với các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu", ông Như đánh giá.
Những yếu tố trên đang biến Đà Nẵng thành trung tâm phát triển phần mềm, thu hút nhiều công ty công nghệ lớn như FPT Software, Axon Active, CMC Global, Enclave, Bravo, Softech Đà Nẵng, AsiaSoft, KMS, Game Gear và Rikkeisoft.
Trọng Đạt