"Do mức thuế mới có hiệu lực từ ngày 5/4, chúng tôi tạm thời dừng bán một số mẫu máy tính xách tay dòng Framework 13 chạy chip Ultra 5 125H và Ryzen 5 7640U tại Mỹ", Framework Computer thông báo trên X ngày 8/4. "Hiện tại, các mẫu máy này sẽ bị xóa khỏi website cho thị trường Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin khi có chuyển biến mới".
Trong các bài viết tiếp theo, Framework cho biết hãng sản xuất các dòng máy của mình tại Đài Loan, do đó phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu 10% khi vào Mỹ. Khi lệnh thuế mới được áp dụng từ 9/4, hãng sẽ phải chịu mức thuế mới 32%.
Ngoài Framework 13, công ty hiện đặt trụ sở tại San Francisco cũng cân nhắc hoãn bán một số mẫu máy khác tại Mỹ, gồm Framework Laptop 12 mới nhất. Hãng nói thêm rằng sẽ định giá lại sản phẩm "nếu không có lựa chọn thay thế nào khác".
Framework Computer được thành lập tháng 1/2020 bởi Nirav Patel, người từng là trưởng bộ phận phần cứng của Oculus trước khi công ty này về tay Meta. Trong giai đoạn 2021-2024, công ty đã huy động được hàng chục triệu USD mỗi lần từ nhiều quỹ lớn. Bên cạnh PC và laptop, Framework hiện mở rộng kinh doanh sang các thiết bị điện tử tiêu dùng.

Một số mẫu laptop của Razer. Ảnh: IDG
Một công ty Mỹ khác là Razer cũng đã hạ một số mẫu laptop chủ lực của mình tại thị trường Mỹ, gồm loạt Razer Blade 14, Razer Blade 16 và Razer Blade 18. Thiết bị chơi game cầm tay Razer Edge cũng không còn trên website bán hàng, thay vào đó chỉ bán vỏ máy và phụ kiện.
Razer không đưa ra bình luận. Tuy nhiên, theo PCWorld, động thái dừng bán hàng của công ty này có thể là chiến thuật trì hoãn nhằm ứng phó với mức thuế đối ứng mới mà ông Trump vừa ban hành tuần trước.
Razer được thành lập năm 1998 bởi Min-Liang Tan, và Robert Krakoff, có trụ sở ở Irvine, California. Công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm dành cho game thủ, gồm PC, laptop chơi game, máy tính bảng, thiết bị đeo và phụ kiện. Hầu hết sản phẩm của công ty được sản xuất tại Trung Quốc - nơi Mỹ đánh thuế sản phẩm nhập khẩu tới 34% và hiện đã tăng lên 104% sau các đòn trả đũa.
Trong khi đó, Micron, nhà sản xuất chip nhớ cho các thiết bị điện tử, ngày 8/4 cũng ra thông báo với khách hàng Mỹ rằng sẽ áp dụng phụ phí từ 9/4 do liên quan đến vấn đề thuế quan. Công ty này cũng nhắc đến những bình luận đã công bố ngày 21/3, rằng "có ý định chuyển chi phí cho khách hàng ở những khu vực chịu tác động của thuế quan".
Nói với Reuters, CEO của một nhà sản xuất module bộ nhớ NAND đặt trụ sở tại châu Á cũng cho biết đang áp dụng cách tiếp cận tương tự Micron. "Nếu họ không muốn chịu thuế mới, chúng tôi không thể chuyển hàng. Chúng tôi không thể chịu trách nhiệm về các quyết định mà chính phủ của các bạn đưa ra", người này nói. "Với thuế suất mới, sẽ không có công ty nào hào phóng nói rằng: Tôi sẽ chịu gánh nặng này".
Trước đó, Apple, công ty hiện sản xuất hầu hết thiết bị tại Trung Quốc và Ấn Độ, cũng tìm cách giảm tác động của thuế mới bằng cách tích trữ sản phẩm để bán tại Mỹ. Times of India ngày 7/4 dẫn nguồn từ quan chức cấp cao của Ấn Độ rằng đã có 5 chuyến bay về Mỹ chở đầy iPhone và các sản phẩm Apple khác từ Ấn Độ và Trung Quốc "chỉ trong ba ngày cuối tháng 3".
Giới chuyên gia dự đoán giá iPhone có thể tăng 30-40% nếu Apple chuyển chi phí thuế mới sang người tiêu dùng. Theo tính toán của nhóm phân tích tại Chứng khoán Rosenblatt Securities, giá của mẫu smartphone rẻ nhất hiện tại là iPhone 16 có thể tăng từ 799 lên 1.142 USD, tương đương 43%. Tương tự, điện thoại đắt nhất iPhone 16 Pro Max 1 TB có thể tăng thêm 700 lên 2.300 USD.
Bảo Lâm tổng hợp