Cơn sốt bất động sản trong metaverse bắt đầu từ tháng 11 khi các lô đất trên các game như The Sandbox, Decentraland, Axie Infinity được mua lại với giá hàng triệu USD. Niềm tin của những người đổ xô đi mua đất ảo là chúng sẽ tăng giá trong tương lai, chỉ cần mua đi bán lại cũng đã có lời. Một số quỹ đầu tư lớn lên kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại trên các lô đất trong game để tổ chức sự kiện, hội chợ phục vụ nhu cầu giải trí, mua sắm.
Tuy nhiên trên thực tế, những gì diễn ra trong vũ trụ ảo không như kỳ vọng. "Tôi vừa đến thăm 'Quận thời trang' ở Decentraland, nơi được coi là khu phố ảo xa xỉ bậc nhất hiện nay. Quảng cáo kỹ thuật số với các thương hiệu sang trọng như Chanel, Dolce & Gabbana và Tommy Hilfiger tô điểm cho mặt tiền của các tòa nhà, nhưng bạn không thể vào. Ở đây không có cửa hàng, không có gì để bấm vào và mua. Tôi không chắc những thương hiệu này có biết logo của mình đang được dùng ở đây hay không", Eric Ravenscraft, cây viết công nghệ của Wired, mô tả.
Ở đó không có dấu hiệu gì cho thấy sẽ có một trung tâm mua sắm sầm uất sắp ra mắt, mà trông giống một phim trường hơn. Các bất động sản được bán với giá gần 2,5 triệu USD nằm cạnh các cửa hàng trống và hoàn toàn hoang vu. "Tất cả trông như một thị trấn ma", Ravenscraft nhận xét.
Trong Decentraland vẫn diễn ra vài sự kiện đặc biệt. Ở đó có phòng trưng bày giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật NFT của Sotheby's. Khách tham quan có thể dạo quanh phòng trưng bày, bấm vào từng tác phẩm để xem kỹ hơn. Bất cập là họ không thể mua trực tiếp mà được điều hướng đến một trang web khác, ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm liên tục của người dùng trong vũ trụ ảo.
Một công cụ theo dõi cho thấy trung bình có khoảng 1.600 người tham gia cùng lúc trong Decentraland. Tuy nhiên, không ai chắc rằng những người này có thật sự hiện diện hay họ chỉ mở trình duyệt lên và để đấy.
Bản thân trò chơi nhập vai trong Decentraland cũng có nhiều lỗi. Công cụ kiểm duyệt những từ khóa nhạy cảm của nền tảng gần như không có tác dụng hoặc bị lỗi. Trong game có bộ lọc tin nhắn nhạy cảm nhưng người dùng vẫn có thể bỏ tiền ra để mua tên cho nhân vật theo ý muốn.
Người chơi mong muốn nhà phát hành nền tảng có thể trực tiếp chặn những tên gọi gây khó chịu. Nhưng Decentraland nói họ được điều hành bởi một tổ chức phi tập trung. Người chơi có thể dùng "hợp đồng thông minh" để bỏ phiếu bác bỏ. Vấn đề nằm ở chỗ các nhà đầu tư sở hữu càng nhiều bất động sản lại càng có nhiều quyền biểu quyết.
Ở Trung Quốc, một nền tảng bất động sản ảo nổi tiếng là Rainbow Universe đang gặp nhiều chỉ trích từ cộng đồng vì hoạt động thiếu ổn định và hay gặp lỗi. Người chơi thường phàn nàn họ không thể trang trí tường, thiếu âm thanh trên màn hình TV và chi phí tự thay màu sơn của nhà liên tục thay đổi... Một trong những lỗi nghiêm trọng trong nền tảng xuất hiện vào 24/11. Nhiều người đăng nhập vào game và phát hiện căn nhà mà mình dày công xây dựng đã "biến mất". Quản trị viên chỉ đưa ra thông báo: "Sự cố đã được báo cáo với đội ngũ phát hành và đang được điều tra, xin đường hoảng sợ".
"Vẫn còn quá nhiều rủi ro liên quan đến đầu cơ đất ảo như giá không ổn định và vấn đề về giám sát vốn", Wang Pengbo, nhà phân tích cấp cao trong ngành tài chính, nói với AI Finance and Economics. Zheng Lei, chuyên gia kinh tế của Baoxin Financial Group cho rằng: "Cái gọi là bất động sản trong metaverse chỉ có thể được coi là một sản phẩm kỹ thuật số. Tuy nhiên, vì không có tài sản thực đối chiếu, nó chưa thể được chấp nhận hợp pháp".
Theo Wired, trong tương lai, các thương hiệu cao cấp có thể có mặt trong vũ trụ ảo, nơi người dùng tham quan, mua sắm như ngoài đời thực. Tuy nhiên, những hạn chế về số lượng người dùng, lỗi phần mềm, hệ thống quản lý phức tạp đang là những rào cản để bất động sản ảo có thể đạt được như kỳ vọng.
Một vấn đề quan trọng khác là hệ thống thanh toán. Mỗi nền tảng metaverse lại dùng một đồng tiền điện tử riêng. Ví dụ trong Decentraland, người dùng không thể mua bán các lô đất ảo bằng USD hay Ethereum, mà phải đổi sang đồng Mana do nền tảng này phát hành.
Hiện những mảnh đất rẻ nhất trên Decentraland có giá khoảng 4.000 mana (gần 15.000 USD). Mỗi lô đất đều được gắn một NFT độc quyền nên người mua phải giữ tài sản này cho đến khi có người đồng ý mua lại. Trong khoảng thời gian đó, giá Mana có thể biến động mạnh. Giá trị của bất động sản ảo phụ thuộc vào thị trường tiền số. Nếu đồng Mana tăng giá, người mua sẽ có lời, với điều kiện phải có ai đó chịu mua lại lô đất, nếu không nó đơn thuần chỉ là một mã NFT.
Dan Olson, YouTuber nghiên cứu về lĩnh vực tiền mã hóa, cho rằng giá Mana và đất trong game rất dễ bị ảnh hưởng từ thông tin bên ngoài. "Đất rất đắt nhưng thị trường tiêu thụ Mana lại quá nhỏ nên rất dễ thay đổi giá của cả hai. Một thông tin trên báo chí khó có thể tác động đến giá của Ethereum nhưng với Mana và đất ảo thì có", Olson nói.
Giới chuyên gia lo ngại giá của đồng Mana quá dễ bị thao túng dẫn đến giá trị của các bất động sản ảo trên nền tảng này cũng sẽ không bền vững. Ví dụ, ngay sau khi Facebook đổi tên thành Meta, giá Mana từ 1 USD tăng vọt lên 3,71 USD. Đến 22/11, khi Tokens.com ra thông báo thâu tóm 116 thửa đất trong "Phố thời trang", giá Mana lại tăng lên 4,10 USD và hai ngày sau được đẩy lên mức kỷ lục là 5,79 USD.
Vào ngày Mana có giá trị cao nhất, tổng khối lượng giao dịch đạt 11,4 tỷ USD, lớn hơn rất nhiều so với một lần bán đất giá 2,4 triệu USD. Giá đồng Mana liên tục tăng trong thời gian ngắn không có nghĩa là dấu hiệu lừa đảo, nhưng nhìn vào các con số này, giới phân tích cũng đã đặt ra nhiều hoài nghi và là lời cảnh tỉnh cho các nhà đầu tư.
Theo Wired, Decentraland là một trong những trường hợp điển hình trong cơn sốt bất động sản ảo. Những dự án này vẽ ra một tương lai rằng "nếu bỏ tiền ra mua đất bảo bây giờ, tương lai bạn có thể sở hữu một Manhattan phiên bản kỹ thuật số". Nhưng trên thực tế, tất cả vẫn đang là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Mỹ Quyên tổng hợp