Có chính sách bảo lưu lương với cán bộ được bố trí chức vụ thấp hơn khi sắp xếp bộ máy

06/04/2025 20:13

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, vấn đề thực hiện chế độ, chính sách đối với những người bị ảnh hưởng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Chiều 6/4, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà đã trả lời câu hỏi của phóng viên về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ vận hành như thế nào để tránh khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Nội vụ đang được giao tham mưu xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời xây dựng dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi và các văn bản hướng dẫn có liên quan để thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp. 

Trong đó, Bộ đã đề xuất các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng: Sau khi giải thể cấp huyện, thì chính quyền địa phương cấp xã ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay khi sẽ đảm nhận thêm nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện.

Như vậy, chính quyền địa phương cấp xã sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn. Đồng thời, tổ chức bộ máy và chế độ công chức, công vụ cũng sẽ được đổi mới để đảm bảo có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. 

Có chính sách bảo lưu lương với cán bộ được bố trí chức vụ thấp hơn khi sắp xếp bộ máy- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà trả lời tại họp báo (Ảnh: Quang Phúc).

Bà Hà cho biết, các thủ tục hành chính trước đây thực hiện ở cấp huyện sẽ do cấp xã trực tiếp thực hiện, vì vậy, cũng phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đơn giản hóa quy trình, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tốt hơn. 

Cùng với đó, cũng đề xuất các quy định chuyển tiếp trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã mới sau khi giải thể cấp huyện, nhằm bảo đảm là hoạt động liên thông, thông suốt, không bị gián đoạn, công việc không để chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ. 

Đặc biệt, không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hoạt và phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.

Người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật có thể bị hạn chế xuất hiệnBộ trưởng Bộ Nội vụ: Cấp tỉnh sáp nhập xong sẽ vận hành sau 30/8Sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện: Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thế nào?

Về chế độ chính sách đối với những người mà bị ảnh hưởng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, vấn đề thực hiện chế độ, chính sách đối với những người bị ảnh hưởng được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. 

Theo đó, đối với các chế độ, chính sách đặc thù áp dụng cho người dân ở trên địa bàn thì vẫn giữ nguyên như trước khi sắp xếp. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, có các chế độ, chính sách như sau. 

Thứ nhất là thực hiện chế độ công vụ, công chức thống nhất từ Trung ương đến cấp xã không phân biệt là cán bộ, công chức Trung ương cấp tỉnh và cán bộ công chức cấp xã như hiện nay. 

Thứ hai là rà soát sàng lọc, bố trí những người đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn năng lực chuyên môn để tiếp tục công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Thứ ba là có các chính sách bảo lưu lương phụ cấp đối với những người bố trí vị trí chức vụ thấp hơn hoặc không giữ chức vụ trong thời gian nhất định. 

Thứ tư là đối với trường hợp có nguyện vọng nghỉ sớm hoặc tinh giảm do không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, vị trí công tác khi có các chế độ, chính sách ưu đãi.

"Với các trường hợp này, chúng ta thực hiện các chế độ hưởng áp dụng theo Nghị định 178 và Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị", Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin thêm về chính sách ưu đãi.