Chủ đầu tư dự án tai tiếng ‘xin’ Trung ương 220 tỷ đồng

31/10/2024 12:13

Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk vừa xin bổ sung nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2024 thêm 220 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban QLDA tỉnh Đắk Lắk) - chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột , vừa có báo cáo về tình hình thực hiện dự án cho Bộ Giao thông vận tải (cấp quyết định đầu tư).

Chủ đầu tư dự án tai tiếng ‘xin’ Trung ương 220 tỷ đồng- Ảnh 1.

Một đoạn thuôc Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo chủ đầu tư, tổng số vốn đã bố trí cho dự án hơn 1.247 tỷ đồng (tổng vốn 1.841 tỷ đồng). Luỹ kế giá trị giải ngân đến ngày 23/9 đạt 96%.

Đối với vốn năm nay, dự án được bố trí hơn 145 tỷ đồng (bao gồm vốn giải phóng mặt bằng và xây lắp) và đến nay đã giải ngân hết. Trong khi hiện nay còn lại 1 phương án đã phê duyệt với số tiền gần 19 tỷ đồng nhưng không có nguồn kinh phí để giải ngân, chỉ trả tiền bồi thường hỗ trợ.

Chủ đầu tư lo lắng trong thời gian tới nếu không kịp thời chi trả sẽ phát sinh thêm kinh phí do việc chậm chi trả tiền bồi thường hỗ trợ được quy định tại Luật Đất đai 2024. Đặc biệt việc chậm chi trả sẽ tạo dư luận không tốt, gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Vốn xây lắp năm nay với hơn 20 tỷ đồng cũng đã giải ngân 100%. Một số đơn vị đã thi công với giá trị thực hiện lớn nhưng không có nguồn kinh phí để nghiệm thu thanh toán.

Để đảm bảo tiến độ dự án, chủ đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm xem xét, chấp thuận điều chỉnh bổ sung nguồn vốn (tăng 220 tỷ đồng) ngân sách trung ương năm 2024.

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk. Dự án có chiều dài tuyến 39,606km đi qua địa bàn các huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc và thành phố Buôn Ma Thuột.

Dự án được khởi công từ năm 2021, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023. Tuy nhiên dự án bị chậm tiến độ, đội vốn, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư và kéo dài thời gian thực hiện.

Ban đầu, tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.500 tỷ đồng. Sau đó phát sinh nhiều chi phí đền bù làm tăng thêm hơn 330 tỷ đồng, nên hiện đã được điều chỉnh lên 1.841,095 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Thời gian thực hiện cũng được kéo dài đến 2025.

T hời gian qua, chủ đầu tư đã điều chuyển khối lượng hợp đồng 4 nhà thầu (2 nhà thầu phụ, 2 nhà thầu chính) cho các nhà thầu khác nằm trong liên danh gói thầu.

Chủ đầu tư dự án tai tiếng ‘xin’ Trung ương 220 tỷ đồng- Ảnh 2.

Dự án nhiều lần chậm tiến độ

Liên quan đến dự án này, báo Tiền Phong đã có nhiều bài phản ánh bất cập. Q uá trình phản ánh khai thác đất trái phép, PV Tiền Phong phát hiện đường đi của đất nhằm phục vụ cho dự án nghìn tỷ này và bị các đối tượng đe dọa, đòi giết cả gia đình…

Cũng liên quan đến dự án trên, ngày 8/4, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu - Bộ Công an đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến gói thầu số 3 thuộc dự án. Việc lấy hồ sơ của cơ quan Cảnh sát điều tra nhằm phục vụ công tác điều tra liên quan Cty CP Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Ngày 17/10, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Hoàng Đình Chương - Giám đốc Cty TNHH An Nguyên và Lê Đình Hải - Giám đốc Cty TNHH Xây dựng và thương mại Sài Gòn - để điều tra tội đưa hối lộ.