Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2025, ai cũng nên biết

31/12/2024 12:13

Chính sách mới có hiệu lực tháng 1/2025 gồm hàng loạt chính sách quan trọng bao phủ nhiều lĩnh vực của đời sống. Người Đưa Tin xin giới thiệu đến bạn đọc được biết.

10 luật có hiệu lực từ 1/1/2025

Ngay từ ngày đầu tiên của tháng 1/2025, hàng loạt Luật đã ban hành trước đó có hiệu lực. 

1. Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024

Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.

Theo đó, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới như: thay đổi phân hạng của GPLX, tăng độ tuổi tối đa của người lái xe, quy định về kiểm định khí thải xe máy,...

Trong đó, đáng chú ý là quy định về điểm của GPLX, cụ thể: Điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm.

Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm giấy phép lái xe biết.

Giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.

2. Luật Đường bộ 2024

Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ 2024. Quy định về hoạt động đường bộ và quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ.

Một số nội dung quy định mới của Luật Đường bộ 2024 như: Bổ sung mới loại "đường thôn" thuộc đường giao thông nông thôn vào hệ thống đường bộ, do địa phương quản lý; Quy định trạm dừng nghỉ, bến xe phải có hệ thống sạc điện cho các loại xe điện; Thanh toán điện tử giao thông đường bộ;...

3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản 2024

Ngày 27/6/2024, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024.

Một trong những điểm đáng chú ý của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024 đã bổ sung quy định về đấu giá trực tuyến. Cụ thể:

- Việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến.

- Việc xây dựng, quản lý và vận hành Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin đấu giá trực tuyến được thực hiện theo quy định của pháp luật về thông tin và truyền thông, pháp luật về thương mại điện tử và pháp luật về đấu giá tài sản.

Kinh phí xây dựng, quản lý, vận hành, bảo trì, nâng cấp Cổng Đấu giá tài sản quốc gia được sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác.

- Chi phí sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí thuê trang thông tin đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến được tính vào chi phí đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản năm 2024.

- Chính phủ quy định chi tiết yêu cầu, điều kiện đối với Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và yêu cầu, điều kiện, việc thẩm định, phê duyệt trang thông tin đấu giá trực tuyến; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, trang thông tin đấu giá trực tuyến.

4. Luật Thủ đô 2024

Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô 2024.

Theo đó, Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội.

- Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là thành phố trực thuộc trung ương, là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.

- Trụ sở cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình, thành phố Hà Nội.

5. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024

Ngày 24/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024.

Đáng chú ý, nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

- Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ là 05 năm kể từ ngày được bổ nhiệm. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

- Thẩm phán Tòa án nhân dân được điều động để làm nhiệm vụ khác trong hệ thống Tòa án, khi được phân công lại làm Thẩm phán Tòa án nhân dân thì không phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân và được xếp vào bậc tương ứng, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

- Thẩm phán không đủ điều kiện để bổ nhiệm lại được bố trí công tác khác phù hợp; khi đáp ứng đủ điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân và có nguyện vọng thì phải trải qua kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân, trường hợp này nhiệm kỳ của Thẩm phán Tòa án nhân dân được tính là nhiệm kỳ đầu.

6. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024

Ngày 29/6/2024, Quốc hội chính thức thông qua Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024, thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

Theo đó, khoản 4 Điều 2 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 đã bổ sung dao có tính sát thương cao sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ là vũ khí thô sơ trừ trường hợp được coi là vũ khí quân dụng…

7. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ 2024

Ngày 28/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ 2024.

Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới như: Bổ sung thêm chức danh vào diện đối tượng cảnh vệ; Bổ sung biện pháp cảnh vệ đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam; Bổ sung quy định Giấy bảo vệ đặc biệt;...

8. Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023

Ngày 24/11/2023, Quốc hội thông qua Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh thường trú trong phạm vi bị tác động bởi hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ theo Điều 26 Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự 2023 gồm về giáo dục, y tế, lao động, việc làm, sản xuất, kinh doanh và chính sách an sinh xã hội.

9. Luật sửa đổi, bổ sung 9 Luật 2024

Ngày 29/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật số 56/2024/QH15).

Theo đó, Luật số 56/2024/QH15 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025, trừ trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 10.

10. Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024

Ngày 30/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024.

Đáng chú ý, tại Điều 177 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 đã sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số chương, điều của Bộ luật Hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 như sau:

- Bãi bỏ chương XII;

- Bỏ từ "tư pháp" tại điểm g khoản 1 Điều 134.

Ngoài ra, Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 cũng sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số chương, điều của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 02/2021/QH15 và Luật số 34/2024/QH15.

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 1/2025, ai cũng nên biết- Ảnh 1.

Ngay từ ngày đầu tiên của tháng 1/2025, hàng loạt Luật đã ban hành trước đó có hiệu lực (ảnh minh họa).

Tăng mức phạt nhiều lỗi vi phạm giao thông từ ngày 1/1/2025

Ngày 26/12/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP, rất nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ được điều chỉnh mức phạt lên rất cao, thậm chí là gấp hàng chục lần so với Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP Trong đó có thể kể đến một số lỗi cố ý và là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn như:

- Vượt đèn đỏ, đèn vàng sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng đối với ô tô (trước đây là từ 4 - 6 triệu đồng) và từ 4 - 6 triệu đồng đối với xe máy (trước đây là từ 800.000 - 1 triệu đồng).

- Điều khiển xe lạng lách, đánh võng sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với ô tô (trước đây là từ 10 - 12 triệu đồng) và từ 8 - 10 triệu đồng đối với xe máy (trước đây là từ 6 - 8 triệu đồng).

- Đi ngược chiều của đường một chiều hoặc trên đường có biển cấm sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng đối với ô tô (trước đây là từ 4 - 6 triệu đồng) và từ 4 - 6 triệu đồng đối với xe máy (trước đây là từ 1 - 2 triệu đồng).

- Mở cửa xe, để cửa xe ô tô mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 20 - 22 triệu đồng (trước đây là từ 400.000 - 600.000 đồng).

- Vi phạm nồng độ cồn mức 2 (vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở) sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng đối với ô tô (trước đây là từ 16 - 18 triệu đồng) và từ 6 - 8 triệu đồng đối với xe máy (trước đây là từ 4 - 5 triệu đồng).

- Đặc biệt, nếu vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung (vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở) đối với xe máy thì sẽ bị phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng (trước đây là từ 6 - 8 triệu đồng).

Giá khởi điểm của một biển số xe đưa ra đấu giá từ 1/1/2025

Ngày 10/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 156/2024/NĐ-CP năm 2024 quy định về đấu giá biển số xe. Nghị định 156/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/01/2025.

Theo đó, giá khởi điểm của một biển số xe đưa ra đấu giá được quy định như sau:

- Giá khởi điểm của một biển số xe ô tô đưa ra đấu giá là 40 (bốn mươi) triệu đồng, ba năm tăng một lần tính từ ngày 01/01/2025, mỗi lần tăng 5 (năm) triệu đồng.

- Giá khởi điểm của một biển số xe mô tô, xe gắn máy đưa ra đấu giá là 5 (năm) triệu đồng, ba năm tăng một lần tính từ ngày 01/01/2025, mỗi lần tăng 1 (một) triệu đồng.

- Giá khởi điểm của biển số xe có định dạng AAAAA (A>4), ABCDE (A4) đưa ra đấu giá lại sau lần thứ hai là 500 (năm trăm) triệu đồng đối với biển số xe ô tô và 50 (năm mươi) triệu đồng đối với biển số xe mô tô, xe gắn máy.

4 yêu cầu đối với cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm từ 1/1/2025

Ngày 15/11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 73/2024/TT-BCA quy định công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông. Thông tư 73/2024/TT-BCA có hiệu lực từ 1/1/2025

Theo đó, các yêu cầu đối với cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bao gồm:

- Thực hiện đúng quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; pháp luật xử lý vi phạm hành chính; Thông tư 73/2024/TT-BCA và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Thực hiện đúng, đầy đủ, có trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công, kế hoạch tuần tra, kiểm soát đã được cấp có thẩm quyền ban hành; thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quy tắc ứng xử và Điều lệnh Công an nhân dân.

- Khi tiếp xúc với Nhân dân và người có hành vi vi phạm pháp luật phải có lễ tiết, tác phong, thái độ, văn hóa ứng xử đúng mực và phù hợp.

- Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và hành vi vi phạm pháp luật khác theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.

Điều kiện kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí từ 1/1/2025

Ngày 30/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 149/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024.

Cụ thể, để được kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí thì cần phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng kinh doanh vũ khí phải được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ kinh doanh vũ khí; trường hợp tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vũ khí quân dụng phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

- Người quản lý, người có liên quan trực tiếp đến kinh doanh vũ khí phải được huấn luyện về quản lý vũ khí và nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; kho, nơi cất giữ, phương tiện vận chuyển, thiết bị, dụng cụ phục vụ kinh doanh phải phù hợp, bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy, ứng phó sự cố và bảo vệ môi trường trong quản lý, bảo quản, vận chuyển vũ khí.

- Tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí phải là tổ chức, doanh nghiệp được phép kinh doanh vũ khí và được Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.

Hướng dẫn đăng ký cư trú cho người chưa thành niên từ 10/1/2025

Ngày 7/12/2024,Chính phủ ban hành Nghị định 154/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Cư trú 2023. Nghị định 154/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ 10/1/2025.

Cụ thể việc đăng ký cư trú cho người chưa thành niên được thực hiện như sau:

- Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc cha hoặc mẹ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú không phải là nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ hoặc người giám hộ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ thực hiện kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú. Trường hợp người chưa thành niên được Tòa án quyết định giao cho cha hoặc mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng thì người được giao chăm sóc, nuôi dưỡng kê khai, xác nhận ý kiến vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

- Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh thì cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên. Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên có nơi thường trú nhưng không phải nơi đang thực tế sinh sống thì người chưa thành niên được đăng ký thường trú tại nơi thường trú của cha, mẹ.

- Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên không có cả nơi thường trú, nơi tạm trú thì thực hiện khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên theo quy định tại Điều 4 Nghị định 154/2024/NĐ-CP .

- Trường hợp đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú lần đầu cho người chưa thành niên theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định 154/2024/NĐ-CP thì cơ quan đăng ký cư trú không phải thực hiện kiểm tra, xác minh điều kiện về tính hợp pháp của chỗ ở và tình trạng cư trú.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bộ Nội vụ công bố dự kiến chính sách với cán bộ, công chức khi sắp xếp bộ máyBộ Nội vụ công bố dự kiến chính sách với cán bộ, công chức khi sắp xếp bộ máy

Tuệ Minh