Chi tiết phương án sáp nhập Hải Phòng với Hải Dương

22/04/2025 08:14

Theo đề án hợp nhất Hải Phòng với Hải Dương, tên gọi mới là TP Hải Phòng, Trung tâm Hành chính - Chính trị đặt tại KĐT mới Bắc Sông Cấm (Thủy Nguyên) với nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí, hạ tầng đô thị, giao thông, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Hợp nhất Hải Phòng , Hải Dương với nhiều thuận lợi

UBND TP Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương vừa đề xuất Bộ Nội vụ về đề án hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh để thẩm định, trình Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo phương án hợp nhất, tên gọi mới của 2 địa phương này là TP Hải Phòng, đặt Trung tâm Hành chính – Chính trị tại KĐT mới Bắc Sông Cấm , Thủy Nguyên.

Đề án đã chỉ ra nhiều điều kiện thuận lợi khi hợp nhất giữa hai địa phương. Về địa lý, Hải Phòng và Hải Dương đều nằm ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, có địa hình chủ yếu đồng bằng thấp, bằng phẳng, thuận lợi phát triển công nghiệp, nông nghiệp và giao thông.

Hệ thống giao thông kết nối thuận lợi như: quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nối liền 2 tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển sau sắp xếp. Hải Phòng còn có Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, hệ thống đường sắt kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam – Trung Quốc.

Chi tiết phương án sáp nhập Hải Phòng với Hải Dương- Ảnh 1.

Chi tiết phương án sáp nhập Hải Phòng với Hải Dương- Ảnh 2.

Hải Phòng với những cây cầu vượt sông, vượt biển kết nối giao thông liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Về lịch sử, văn hóa, cả hai địa phương đều có nền văn hóa dân gian phong phú, đặc biệt là hệ thống hát chèo, ca trù và hát trống quân, phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Cơ cấu kinh tế có nét tương đồng, với tỷ lệ ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ đạt hơn 74%, đều là các địa bàn công nghiệp trọng điểm.

Hải Phòng là trung tâm sản xuất công nghiệp với tốc độ tăng trưởng kinh tế 2 con số liên tiếp trong 10 năm, cơ cấu công nghiệp – xây dựng chiếm 53% GRDP, thu hút nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực điện tử, ô tô, thiết bị điện.

Hải Phòng còn là cửa ngõ xuất nhập khẩu chính phía Bắc với cụm cảng biển nước sâu Lạch Huyện, cảng Hải Phòng cùng hệ thống kho bãi, logistics quy mô quốc tế. Hiện nay, phần lớn hàng hóa sản xuất tại Hải Dương và khoảng 80% nông sản Hải Dương được xuất khẩu qua cảng Hải Phòng.

Cả 2 địa phương đều đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050. Trong đó, năm 2030 định hướng Hải Phòng trở thành cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu châu Á.

Đến năm 2030, định hướng Hải Dương sẽ đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2050, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Chi tiết phương án sáp nhập Hải Phòng với Hải Dương- Ảnh 3.

Chi tiết phương án sáp nhập Hải Phòng với Hải Dương- Ảnh 4.

Chi tiết phương án sáp nhập Hải Phòng với Hải Dương- Ảnh 5.

Hải Phòng, Hải Dương đều có nền văn hóa dân gian phong phú, đa dạng với nhiều điểm tương đồng.

Trung tâm Hành chính – Chính trị mới có vị trí chiến lược

Đề án cũng lựa chọn Trung tâm Hành chính – Chính trị tại KĐT Bắc Sông Cấm, Thủy Nguyên. Khu vực này có vị trí trung gian giữa Hải Phòng với Hải Dương, tận dụng tối đa hạ tầng hiện đại và các khu công nghiệp lớn.

Khu vực này có hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối toàn bộ thành phố mới, như: cao tốc Hà Nội – Hải Dương - Hải Phòng kết nối với Thủ đô Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc; cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái mở ra cơ hội phát triển kinh tế và liên kết với khu vực biên giới.

Quốc lộ 10 và quốc lộ 5 có vai trò trục giao thông quan trọng, giúp trung tâm hành chính mới dễ dàng điều phối, quản lý trên toàn địa bàn.

Không chỉ vậy, Thủy Nguyên còn nằm gần sân bay Cát Bi và hệ thống cảng biển Hải Phòng, giúp nâng cao khả năng kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế.

Thủy Nguyên có hạ tầng đô thị hiện đại, đã có sẵn các khu đô thị mới và trung tâm hành chính mới, đảm bảo hiệu quả công tác, chất lượng cuộc sống cho cán bộ, công chức và người dân.

Chi tiết phương án sáp nhập Hải Phòng với Hải Dương- Ảnh 6.

Trung tâm Hành chính - Chính trị TP Hải Phòng (mới) tại KĐT Bắc Sông Cấm (Thủy Nguyên) với nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí, hạ tầng đô thị, giao thông, mở ra không gian phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Quỹ đất rộng, có khả năng mở rộng không gian đô thị mới mà không gây áp lực lên không gian đô thị hiện hữu. Mô hình đô thị thông minh giúp tạo ra một trung tâm hành chính theo hướng hiện đại, khoa học và hiệu quả.

Vị trí trung tâm hành chính mới gần các khu công nghiệp lớn, dễ dàng tiếp cận các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm. So với các khu vực khác trong thành phố (mới), Thủy Nguyên có lợi thế lớn về hạ tầng và khả năng quy hoạch, đảm bảo một trung tâm hành chính có tính đồng bộ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển ít nhất trong 50 năm tới.

Sau khi sáp nhập với Hải Dương, TP Hải Phòng (mới) có tổng diện tích 3.194,2 km2, quy mô dân số hơn 4,6 triệu người. Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2024 ước đạt hơn 657.000 tỷ đồng. Lũy kế có 1.625 dự án với tổng vốn đầu tư FDI khoảng 45 tỷ USD.