Bộ Nội vụ: '3 đặc thù, 9 thống nhất' về cấp phòng tại các tỉnh, thành phố

23/01/2025 00:11

Bộ Nội vụ lưu ý, việc hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng theo nguyên tắc phù hợp với các sở và bảo đảm tinh gọn, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương cấp huyện.

Không quá 5 phó trưởng phòng

Bộ Nội vụ đã hoàn tất dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

Dự thảo được Bộ Nội vụ soạn thảo đề xuất bổ sung một số quy định đối với các phòng thuộc UBND cấp huyện của thành phố Hà Nội và TPHCM.

Theo đó, ngoài tổng số lượng phó trưởng phòng theo mức bình quân chung, tại mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố được đề xuất tăng thêm “không quá 5 phó trưởng phòng”.

Bộ Nội vụ: '3 đặc thù, 9 thống nhất' về cấp phòng tại các tỉnh, thành phố- Ảnh 1.

Bộ Nội vụ đề xuất 9 phòng được tổ chức thống nhất, 3 phòng đặc thù.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất 9 phòng được tổ chức thống nhất, gồm các phòng: Nội vụ; Tư pháp; Tài chính; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị; Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Thanh tra huyện; Văn phòng HĐND và UBND.

Ngược lại, có 3 phòng được dự kiến tổ chức đặc thù là: Phòng Tài nguyên và Môi trường tại quận, thành phố thuộc thành phố; Phòng Nông nghiệp và Môi trường tại huyện, thị xã; Phòng Dân tộc và Tôn giáo.

Đối với các phòng đặc thù, Bộ Nội vụ lý giải, Phòng Tài nguyên và Môi trường tại quận, thành phố thuộc thành phố được thành lập nhằm tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai , tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, biển và hải đảo (đối với các huyện có biển, đảo), phòng chống thiên tai và giảm nghèo.

Đối với Phòng Nông nghiệp và Môi trường tại huyện, thị xã sẽ thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, biển và hải đảo (đối với các huyện có biển, đảo), nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, phát triển nông thôn…

Trong khi đó, dự thảo cũng quy định, Phòng Dân tộc và Tôn giáo được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí: Có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển; có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.

Biên chế của phòng ít nhất 5 người

Bộ Nội vụ lưu ý, việc hợp nhất , điều chuyển chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng theo nguyên tắc phù hợp với các sở và bảo đảm tinh gọn, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương cấp huyện.

Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế, các địa phương sẽ quyết định việc thành lập các phòng cho phù hợp, bảo đảm không vượt quá 10 phòng. Riêng thành phố Hà Nội, TPHCM được tổ chức 10 phòng (chưa tính số phòng tăng thêm theo quy định của Luật Thủ đô và phòng được thí điểm thành lập).

Bên cạnh đó, Hà Nội và TPHCM còn được quyết định việc thành lập, chia tách, sáp nhập , hợp nhất phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, bảo đảm phù hợp với đặc thù thành phố và không vượt quá số phòng theo quy định.

Về biên chế, dự thảo quy định, tối thiểu biên chế của mỗi phòng là 5 người. Trường hợp không đủ biên chế tối thiểu theo quy định, Bộ Nội vụ đề xuất địa phương thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương.

Đối với cấp sở , dự thảo đề xuất tiêu chí để tổ chức 3 sở đặc thù khác một số địa phương, gồm: Sở Ngoại vụ, Sở Dân tộc và Tôn giáo, Sở Du lịch .

Trong đó, Sở Ngoại vụ tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ và công tác biên giới lãnh thổ quốc gia (đối với những tỉnh có đường biên giới).

Sở Dân tộc và Tôn giáo tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tín ngưỡng và tôn giáo.

Sở Du lịch tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch. Sở này được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí: Có di sản văn hóa vật thể được UNESCO ghi danh; ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và có giá trị kinh tế cao…