Lưu ý quan trọng khi sử dụng thẻ BHYT để tránh bị thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa thẻ

Tại Nghị định 188/2025/NĐ-CP đã có nội dung quy định về các trường hợp thẻ BHYT sẽ bị thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng.

Để đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quản lý và sử dụng thẻ BHYT của người tham gia, thẻ BHYT có thể bị thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng trong một số trường hợp.

Cơ quan BHXH có trách nhiệm thông báo cho người tham gia BHYT khi thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa thẻ.

Lưu ý quan trọng khi sử dụng thẻ BHYT để tránh bị thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa thẻ - Ảnh 1.

Lưu ý quan trọng khi sử dụng thẻ BHYT để tránh bị thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa thẻ (ảnh minh họa).

Cụ thể, theo Nghị định 188/2025/NĐ-CP, thẻ BHYT sẽ bị thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng khi:

Thẻ BHYT bị thu hồi trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 20 của Luật BHYT (Gian lận trong việc cấp thẻ BHYT; Người có tên trong thẻ BHYT không tiếp tục tham gia BHYT). Trường hợp gian lận trong việc cấp thẻ BHYT bao gồm: Có hành vi gian lận thông tin về đối tượng, mức hưởng trong việc cấp thẻ BHYT; Các hành vi gian lận khác.

Thẻ BHYT bị tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20 của Luật BHYT (Thẻ BHYT bị tạm giữ trong trường hợp người đi khám bệnh, chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT của người khác. Người có thẻ BHYT bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật).

Khi phát hiện hành vi vi phạm được quy định tại các nội dung trên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng thẻ BHYT khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về các hành vi vi phạm quy định tại các nội dung trên.

Điều 12 Nghị định 188/2025/NĐ-CP nêu rõ khi thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng thẻ BHYT, cơ quan bảo hiểm xã hội phải thông báo cho người tham gia BHYT biết.

Thẻ BHYT bị tạm khóa giá trị sử dụng được mở khóa, bị tạm giữ được trả lại khi người cho người khác mượn thẻ và người sử dụng thẻ BHYT của người khác đã thực hiện nghĩa vụ nộp phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có) theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp quy định tại Điều 12.

Quy định về sử dụng thẻ BHYT khi khám chữa bệnh

Khi đi khám chữa bệnh (KCB) BHYT, người tham gia cần xuất trình thông tin về thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh nhân thân theo một trong các hình thức sau:

- Căn cước công dân hoặc tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 đã tích hợp thông tin thẻ BHYT.

- Thẻ BHYT bản điện tử hoặc bản giấy. Nếu thẻ chưa có ảnh hoặc mã số BHYT, cần xuất trình thêm giấy tờ tùy thân có ảnh (Căn cước công dân, hộ chiếu, ứng dụng VNeID, ứng dụng VssID hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã).

Trẻ em dưới 6 tuổi: Chỉ cần xuất trình thẻ BHYT (bản điện tử hoặc bản giấy) hoặc mã số BHYT. Nếu chưa có thẻ, xuất trình giấy chứng sinh (bản gốc hoặc bản chụp).

Người đã hiến bộ phận cơ thể: Thẻ BHYT; Trường hợp chưa có thẻ BHYT, xuất trình giấy ra viện do cơ sở KCB nơi lấy bộ phận cơ thể cấp kèm giấy tờ chứng minh nhân thân.

Trường hợp cấp cứu: Xuất trình các giấy tờ nêu trên trước khi kết thúc đợt điều trị.

Lưu ý, xuất trình thẻ muộn: Quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng kể từ thời điểm xuất trình thẻ, trừ trường hợp cấp cứu. Chi phí KCB trước thời điểm xuất trình thẻ sẽ được thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo quy định.

Lỗi hệ thống: Nếu thẻ BHYT bản điện tử gặp lỗi hoặc do không có kết nối Internet, người bệnh cung cấp mã số thẻ BHYT để cơ sở KCB tra cứu trên Cổng tiếp nhận dữ liệu của BHXH Việt Nam. Trường hợp không tra cứu được: cơ sở KCB ghi nhận thông tin mã số thẻ BHYT, tiếp nhận người bệnh và sẽ phối hợp với cơ quan BHXH để xác minh thông tin.

Không thêm thủ tục: Cơ sở KCB, cơ quan BHXH không được quy định thêm thủ tục KCB BHYT ngoài các quy định của Luật, và không được yêu cầu người bệnh sao chụp hoặc chi trả chi phí sao chụp giấy tờ.

Quyền lợi 5 năm liên tục: Người có thời gian tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi được hưởng kể từ thời điểm đủ điều kiện. Cơ quan BHXH sẽ tổng hợp và thông báo thông tin này.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Điều kiện được nhận bảo hiểm xã hội 1 lần mới nhất, không phải ai cũng biếtLưu ý quan trọng khi sử dụng thẻ BHYT để tránh bị thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa thẻ - Ảnh 3.

Tuệ Minh

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/luu-y-quan-trong-khi-su-dung-the-bhyt-de-tranh-bi-thu-hoi-tam-giu-hoac-tam-khoa-the-a50986.html