Thuế cao với hàng hóa có hại, dịch vụ giải trí
Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 66/2025, chính thức được Quốc hội ban hành. Theo đó, Luật này quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, hoàn thuế, khấu trừ thuế và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt gồm thuế suất (tính theo %) và thuế suất tuyệt đối (nếu có). Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 66 các loại hàng hóa như: Thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ phải chịu 2 loại thuế trên.
Cụ thể, thuế suất với thuốc lá điếu là 75% và mức thuế suất tuyệt đối được áp dụng từ ngày 1/1/2027 thêm 2000 đồng/bao và tăng đều cho đến năm 2031. Như vậy, đến năm 2031, riêng thuế suất tuyệt đối với mỗi bao thuốc lá là 10.000 đồng.
Riêng thuế suất tuyệt đối, xì gà sẽ phải chịu thuế lên tới 100.000 đồng/điếu vào năm 2031.
Tương tự với xì gà sẽ chịu thuế suất 75%, trong khi thuế suất tuyệt đối từ ngày 1/1/2027 là 20.000 đồng/điều và tăng đều qua các năm tiếp theo, lên 100.000 đồng/điều vào ngày 1/1/2031.
Với rượu có nồng độ cồn từ 20% trở lên sẽ phải chịu thuế suất 65% vào ngày 1/1/2026, tăng lên qua các năm và lên tới 90% vào ngày 1/1/2031. Rượu không phải chịu thuế suất tuyệt đối.
Trong khi rượu có nồng độ cồn dưới 20% chịu mức thuế suất thấp hơn tương ứng 35% đến 60% trong cùng thời gian trên.
Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cũng quy định mức thuế với các dịch vụ giải trí gồm: Kinh doanh vũ trường; kinh doanh massage; karaoke; casino; trò chơi điện tử có thưởng bao gồm trò chơi bằng máy jackpot, máy slot và các loại máy tương tự.
Theo đó, thuế suất với Kinh doanh vũ trường là 40%; kinh doanh massage và karaoke là 30% và 35% với trò chơi điện tử có thưởng.
Kinh doanh dịch vụ giải trí như: Vũ trường, karaoke sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ ngày 1/1/2026.
Bên cạnh đó, xe có gắn động cơ dưới 24 chỗ, bao gồm: xe ô tô chở người; xe chở người bốn bánh có gắn động cơ; xe ô tô pickup chở người; xe ô tô pickup chở hàng cabin kép; xe ô tô tải VAN có từ hai hàng ghế trở lên, có thiết kế vách ngăn cố định giữa khoang chở người và khoang chở hàng; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh trên 125 cm³… phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể, với xe ô tô chở người và xe chở người 4 bánh có động cơ từ 9 chỗ trở xuống (trừ xe quy định tại mục 4đ, 4e, 4g của Biểu thuế) với động cơ có dung tích xi lanh dưới 1.500cm3 sẽ chịu mức thuế suất là 35% và tăng lên 150% với loại động cơ 6.000cm3. Xe ô tô cũng không phải chịu thuế suất tuyệt đối.
Trong khi đó các loại xe chạy xăng kết hợp điện (điểm 4đ) sẽ được áp thuế suất thấp hơn, tương ứng chỉ bằng 70% so với xe xăng cùng loại, đối với xe chạy nguyên liệu sinh học (điểm 4e) chỉ tương ứng 50% xe xăng cùng loại.
Với sẽ chở người dưới 2 4 chỗ chạy điện hoặc pin (điểm 4e) sẽ không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Điều hòa nhiệt độ công suất trên 24.000 BTU đến 90.000 BTU trừ loại theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải bao gồm ô tô, toa xe lửa, máy bay, trực thăng, tàu, thuyền.
Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất bán hoặc tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh), với thuế suất 10%.
Việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hòa là một trong những nội dung tranh cãi rất được chú ý trong kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, nước giải khát theo Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml chịu thuế suất 8% vào ngày 1/1/2027 và tăng lên 10% vào năm sau.
Lưu ý, hàng hóa quy định tại khoản này là sản phẩm hoàn chỉnh, không bao gồm linh kiện để lắp ráp các hàng hóa này.
Trường hợp được hoàn thuế, giảm thuế
Luật nêu rõ, người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của tổ chức, cá nhân sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài nhưng không xuất khẩu ra nước ngoài mà tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt được hoàn thuế trong các trường hợp: Hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu ra nước ngoài; việc hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại điểm này chỉ thực hiện đối với số lượng hàng hóa thực tế xuất khẩu ra nước ngoài.
Quyết toán thuế khi giải thể, phá sản có số thuế tiêu thụ đặc biệt chưa được khấu trừ hết; trường hợp tổ hợp tác chuyển đổi thành hợp tác xã thì hợp tác xã được kế thừa số thuế tiêu thụ đặc biệt nộp thừa hoặc chưa được khấu trừ hết của tổ hợp tác để khấu trừ, hoàn thuế theo quy định; hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, trường hợp được "giảm thuế" là người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn bất ngờ được giảm thuế.
Mức giảm thuế được xác định trên cơ sở tổn thất thực tế do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có).
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/kinh-doanh-vu-truong-massage-karaoke-chiu-thue-dac-biet-the-nao-theo-luat-moi-a50691.html