Khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất
Chiều 11/7, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Chỉ thị của bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản.
Phat biểu khai mạc, ông Lương Mai Khôi – Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, thời gian qua, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng thành hệ thống pháp luật về hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản nói riêng.
Xem thêm:
Ông Lương Mai Khôi – Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu khai mạc.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền và cơ quan tư pháp đã từng bước nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa của hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản, góp phần tích cực cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án được chính xác, kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, một số chủ trương, đường lối của Đảng về giám định tư pháp, định giá tài sản chưa được thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đầy đủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và nâng cao nhận thức về công tác giám định tư pháp, định giá tài sản hiệu quả chưa cao.
Chất lượng một số văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp, định giá tài sản còn hạn chế, có nội dung còn bất cập, tính ổn định, khả thi chưa cao, ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng, hoạt động tư pháp.
Trước yêu cầu của công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trên cơ sở đó, việc xây dựng Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản là cần thiết.
Ông Bùi Thắng - Phó Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng phát biểu.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Bùi Thắng - Phó Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết, thực tiễn công tác trên tại địa phương còn gặp nhiều bất cập như: Thiếu hụt giám định viên tư pháp; cơ sở vật chất chưa đáp ứng, thiếu thốn thiết bị, nhất là tại Trung tâm pháp y tỉnh.
Ông Thắng ví dụ, đơn giản như tủ ướp thi thể hiện nay Trung tâm pháp y tỉnh vẫn chưa có, trong tường hợp liên quan đến người nước ngoài phải chuyển xuống Tp.HCM, rất phức tạp, tốn kém.
Bên cạnh đó, một khó khăn lớn là chế độ chính sách chưa đáp ứng thu hút được nhân tài trong lĩnh vực… Do đó, đề nghị dự thảo Chỉ thị sẽ có sự quan tâm đến những vấn đề nêu trên, đặc biệt là vấn đề trang bị thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác giám định tư pháp và những chính sách ưu tiên với đội ngũ bác sĩ pháp y.
Đồng ý đến những khó khăn trong vấn đề nhân sự, tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Phương - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết: "Đặc biệt các vụ án liên quan đến đấu thầu đòi hỏi khối lượng công việc, nhân sự tham gia giám định rất lớn, có lúc Bộ Tài chính không còn cán bộ để cử tham gia".
Đại tá Tống Như Sơn – Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an khẳng định, công tác giám định tư pháp, định giá tài sản có vai trò rất quan trọng đối với việc điều tra, thu thập tài liệu, được xem là một nguồn chứng cứ pháp lý quan trọng trong tố tụng hình sự. Trong 5 năm qua, Bộ Công an đã gửi hơn 780 nghìn quyết định trưng cầu giám định tới các tổ chức giám định trong và ngoài ngành công an.
Theo Đại tá Sơn, thực tiễn trong công tác giám định của ngành công an cũng gặp khó khăn. ví dụ như vụ án Buôn lậu đất hiếm tại Công ty Thái Dương có 2 yêu cầu giám định tài sản với Hội đồng định giá tài sản ở bắc Giang và Hà Nội nhưng bị từ chối vì lý do không thu thập được thông tin, dữ liệu giao dịch trên thị thị trường; vụ án Petroland cũng bị Viện Pháp y Trung ương từ chối vì không đủ giám định viên…
Đại tá Tống Như Sơn – Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Từ đó, cơ quan điều tra phải mất thêm thời gian tìm các đơn vị giám định khác, dẫn đến khó khăn và ảnh hưởng chung đến quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Theo ông Sơn, nguyên nhân dẫn đến tồn tại hạn chế do số lượng hồ sơ tài liệu phục vụ cho công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc nhất là các vụ án, vụ việc về tham nhũng kinh tế rất lớn trong khi số lượng giám định viên ít.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giám định, định giá tài sản tại một số cấp ủy, tổ chức đảng và người có thẩm quyền còn chưa thật sự quyết liệt, chưa kịp thời; chưa chủ động phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong công tác giám định, định giá.
Người thực hiện giám định trong tố tụng hình sự đa số là kiêm nhiệm, thường có tâm lý e ngại vì sợ trách nhiệm pháp lý; năng lực, trình độ của một bộ phận giám định viên còn hạn chế, chưa đáp ứng; điều kiện cơ sở vật chất, tài chính phục vụ công tác giám định, định giá chưa đáp ứng yêu cầu.
Cần có thêm cơ chế với đội ngũ giám định tư pháp, thẩm định giá
Từ những tồn tại trên, Đại tá Tống Như Sơn cho hay, Bộ Công an đề xuất các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo cấp uỷ, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu, coi đây là những thước đo trách nhiệm trong công tác phòng chống tội phạm. Chú trọng nâng cao trách nhiệm, chất lượng, đổi mới, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất xác định sự cần thiết phải trưng cầu giám định, yêu cầu định giá trong các vụ án, vụ việc cụ thể; ưu tiên lựa chọn phương pháp xác định hậu quả, thiệt hại phục vụ giải quyết nhanh chóng vụ án mà không nhất thiết phải ra quyết định trưng cầu, để tránh bị lệ thuộc hoặc quá lạm dụng việc giám định, định giá.
Bên cạnh đó cần có cơ chế, chính sách đối với đội ngũ làm công tác giám định, cơ chế bảo vệ giám định viên khi ra tòa tranh luận…
Tịa hội thảo, ông Nguyễn Minh Phương - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Tài chính) đề nghị, trong quá trình sửa đổi Bộ Luật hình sự cần xây dựng và ban hành quy định cụ thể về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như: Thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về giám định tư pháp, kết nối với hệ thống cơ quan Tư pháp, Viện kiểm sát, Tòa án.
Đẩy mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phân tích dữ liệu chuyên môn kỹ thuật, hỗ trợ giám định để đồng bộ, chia sẻ cơ sở dữ liệu nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao tính minh bạch trong hoạt động giám định tư pháp.
Ông Nguyễn Minh Phương - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Tài chính) góp ý kiến tại hội thảo.
Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế quy định rõ cơ quan điều tra trưng cầu giám định viên có trách nhiệm bảo đảm an toàn, bí mật của giám định viên trong suốt quá trình giám định đến khi kết thúc phiên tòa, thay vì quy định hiện hành là cơ quan trưng cầu giám định sẽ có biện pháp bảo vệ sau khi có phản ánh của người giám định về sự an toàn bị xâm hại.
Đề nghị nghiên cứu, quy định về chế độ khen thưởng kịp thời đối với các giám định viên có nhiều đóng góp trong công tác giám định để kịp thời động viên, khích lệ. Theo vị đại diện, thành viên hội đồng thường xuyên phải thực hiện gấp, làm thêm ngoài giờ những chế độ hiện nay chưa tương xứng.
Bên cạnh đó, ông Phương đề nghị nghiên cứu kết hợp phương thức xã hội hóa việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự với thành lập Hội đồng thẩm định giá tài sản; có cơ chế giảm trừ trách nhiệm với thành viên Hội đồng định giá tài sản trong trường hợp đã thực hiện nhiệm vụ một cách khách quan, để họ yên tâm khi tham gia định giá tài sản...
Sau khi lắng nghe ý kiến đóng góp tại hội thảo, đại diện Ban tổ chức đánh giá cao các chia sẻ khoa học, xuất phát từ thực tiễn, có chuyên môn cao của các đại biểu, đồng thời cho biết cơ quan chủ trì sẽ tiếp thu, tổng hợp, chỉnh lý và tiếp tục lấy thêm ý kiến để hoàn thiện dự thảo.
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/nhung-van-de-then-chot-voi-giam-dinh-tu-phap-tham-dinh-gia-tai-san-a50515.html