Cần cơ chế kiểm soát chặt khi "xã hội hóa" hoạt động thi hành án

Ngày 4/7, Bộ Tư pháp phối hợp với Tạp chí Dân chủ và Phát luật tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi) 2025.

Cần cơ chế kiểm soát, tránh lạm quyền

Ban tổ chức hội thảo cho biết, Thi hành án dân sự (THADS) có vai trò đặc biệt quan trọng, là khâu cuối cùng đảm bảo bán án có giá trị. Nếu thi hành án không thực hiện được thì quá trình điều tra, xét xử, đến bản án sẽ trở nên vô nghĩa.

Qua 17 năm thi hành, Luật bộc lộ những vướng mắc, bất cập, do đó, dự thảo Luật sửa đổi nhằm khắc phục những tồn tại này. Theo đó, Luật được xây dựng gồm 66 điều, bổ sung mới 13 điều; lược bỏ 44 điều và 33 khoản, điểm so với Luật THADS hiện hành.

Cần cơ chế kiểm soát chặt khi

Quang cảnh hội thảo.

Một trong những điểm mới nổi bật của dự thảo này "xã hội hóa" hoạt động THADS. Theo đó, các văn phòng Thừa phát lại được đề xuất tham gia vào hoạt động này.

Theo cơ quan chủ trì dự thảo, hoạt động THADS của Thừa phát lại hiện nay còn rất hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Một trong những nguyên nhân chính là do chưa có cơ sở pháp lý về thi hành án phù hợp để Thừa phát lại thực hiện.

Theo đó, dự thảo đổi tên Văn phòng Thừa phát lại (Thừa phát lại đang được quy định tại Nghị định số 08 ngày 8/1/2020) của Chính phủ thành Văn phòng thi hành án dân sự và Thừa hành viên.

Về thẩm quyền, Thừa hành viên có quyền xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu; trường hợp đương sự cung cấp kết quả xác minh điều kiện thi hành án do Thừa hành viên thực hiện thì Chấp hành viên không cần thực hiện lại việc xác minh, trừ trường hợp thấy cần thiết phải xác minh lại; Thông báo về THADS; trực tiếp tổ chức thi hành các loại việc theo yêu cầu;…

Khi tổ chức thi hành án, Trưởng Văn phòng thi hành án dân sự, Thừa hành viên có nhiệm vụ, quyền hạn gần như bằng Chấp hành viên, trừ các nhiệm vụ liên quan đến quyền lực công như: xử phạt vi phạm hành chính; sử dụng công cụ hỗ trợ; trường hợp áp dụng biện pháp cưỡng chế cần huy động lực lượng thì phải được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến trước;…

Cần cơ chế kiểm soát chặt khi

Bà Nguyễn Thị Kim Quy - Phó trưởng ban Pháp chế và Nghiệp vụ Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) giới thiệu những điểm mới của dự thảo Luật.

Đóng góp ý kiến về nội dung trên, đại diện VKSND Tp.Hà Nội cho rằng, theo dự thảo thì quyền hạn của Thừa hành viên không khác gì Chấp hành viên (chỉ có một số nhiệm vụ là không được thực hiện).

Tuy nhiên, có những quy định "những điều Chấp hành viên không được làm" mà lại chưa có quy định tương tự với Thừa hành viên. Do đó, cần xây dựng Luật theo hướng quy định "những điều không được làm với Thừa hành viên" để tránh xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người phải chấp hành án, điều này còn giúp người dân dễ dàng giám sát.

Cần cơ chế kiểm soát chặt khi

Đại diện VKND Tp.Hà Nội đóng góp ý kiến.

Đại diện VKSND Tp.Hà Nội còn băn khoăn, Luật đang được xây dựng hướng đến "xã hội hoá" với Văn phòng thừa phát lại. Tuy nhiên, thực tiễn trong quá tình THADS có những quyền chỉ cơ quan nhà nước mới được làm, trong khi Thừa phát lại vẫn là tổ chức tư nhân.

Vì vậy, cần cân nhắc rất kỹ khi để Thừa hành viên được sử dụng quyền năng đó, tránh việc dễ dẫn đến lợi dụng việc cưỡng chế để xảy ra sai phạm. Đặc biệt, ngay cả với Chấp hành viên là cán bộ nhà nước vẫn vi phạm trong quá trình thu giữ, cưỡng chế tài sản, thậm chí dẫn đến khởi tố.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu kỹ lưỡng nội dung trên. Vị đại diện cũng đề nghị xây dựng chế tài rõ ràng về trách nhiệm của Trưởng văn phòng và Thừa hành viên để có căn cứ kiểm soát, xử lý sau này.

Phải đơn giản hóa thủ tục cho người dân

Góp ý dự thảo, luật sư Nguyễn Thị Mai cho hay, về thủ tục nhận bản án thì dự thảo Luật cần rút ngắn, đơn giản hóa thủ tục với người dân nhận khi được bản án.

Theo quy định, người dân có quyền được bản án là 10 ngày (hoặc 15 ngày với bản án phúc thẩm), song để lấy được bản án trên thực tế hiện nay rất vất vả. Tiếp đến, tới giai đoạn thi hành án, mặc dù cơ quan THADS đã nhận được bản gốc của bản án từ tòa án, nhưng khi người có yêu cầu thi hành án thì lại yêu cầu họ phải nộp 1 bản án nữa. Do đó, cần sửa đổi trong dự thảo Luật để giải quyết tồn tại này.

Cần cơ chế kiểm soát chặt khi

Các địa biểu dự hội thảo.

Bên cạnh đó, bà Mai cho rằng về chức năng, nhiệm vụ của Kiểm sát viên (VKSND) trong thực hiện kiểm sát việc thực thi THADS hiện nay cũng rất mờ nhạt, bởi thực tế những kiến nghị, kháng nghị của VKS với cơ quan thi hành án không có tính thực thi.

Bên cạnh đó, trong quá trình thi hành án đòi hỏi vai trò rất lớn của các kiểm sát viên nếu xảy ra các vụ thi hành án thiếu khách quan. Do đó, bà Mai đề nghị bổ sung rõ vai trò của VKS trong dự thảo Luật sửa đổi lần này.

Thông tin mà 43.125 người được thi hành án trong đại án Trương Mỹ Lan (giai đoạn 2) cần lưu ýĐược hoãn thi hành án vì nuôi con nhỏ, người phụ nữ tiếp tục cùng người tình phạm tội

Luật sư Lê Hồng Nguyên ý kiến, dự thảo xây dựng rút ngắn thời gian thi hành án là phù hợp, bởi thực tế có nhiều vụ thi hành án kéo dài lê thê, ảnh hưởng quyền lợi của đương sự. Trong khi đất nước đang tiến tới số hóa thì việc rút ngắn thời gian thi hành án là hợp lý.

Ông nêu thêm, ở nước ngoài khi nhiều nước họ thực hiện tốt về số hóa thì từ lương, thu nhập, tài sản,… đều được số hóa nên khi thi hành án vào cuộc sẽ rất dễ nắm bắt và triển khai.

Ban tổ chức cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu và chuyên gia theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến để tổng hợp, chỉnh lý xây dựng dự thảo luật hoàn thiện, đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn trong bối cảnh mới của đất nước.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/can-co-che-kiem-soat-chat-khi-xa-hoi-hoa-hoat-dong-thi-hanh-an-a50266.html