Loạt trụ sở cấp xã, cấp huyện bỏ hoang: Bán không ai mua

Tại các địa phương Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 1, nhiều trụ sở bỏ hoang xuống cấp chưa tìm ra phương án xử lý. Trong khi đó, việc bỏ cấp huyện, sáp nhập xã lần này sẽ dôi dư nhiều công trình.

Tại Hà Tĩnh, hiện còn nhiều trụ sở vẫn chưa được xử lý, đưa vào sử dụng dẫn đến bỏ hoang lãng phí. Đặc biệt đây là những trụ sở bỏ hoang trong giai đoạn năm 2019-2021 khi địa phương này thực hiện việc sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 46 xã.

Liên quan đến vấn đề này, theo Sở Tài chính Hà Tĩnh, trên địa bàn còn có nhiều trụ sở là tài sản công của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. Ngoài ra, qua rà soát thống kê về nhóm các cơ sở nhà, đất dôi dư thuộc các cơ quan, đơn vị mà địa phương quản lý, có 245 cơ sở nhà đất chưa hoàn thành xử lý.

Loạt trụ sở cấp xã, cấp huyện bỏ hoang: Bán không ai mua- Ảnh 1.

Trụ sở xã Bắc Sơn cũ đang bỏ hoang, xuống cấp sau 5 năm sáp nhập thành xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh)

Sở Tài Chính Hà Tĩnh cũng đưa ra nguyên nhân khiến chưa thể xử lý do có nhiều vướng mắc. Cụ thể như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được điều chỉnh kịp thời; Quy định hiện hành còn bất cập trong việc xác định đơn vị tổ chức bán; Một số nhà đất tổ chức bán đấu giá không khả thi, không có người mua…

Sở Tài chính cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để xử lý các cơ sở nhà đất dôi dư trên địa bàn toàn tỉnh.

Sở Tài Chính Hà Tĩnh cũng đưa ra nguyên nhân khiến chưa thể xử lý do có nhiều vướng mắc. Cụ thể như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được điều chỉnh kịp thời; Quy định hiện hành còn bất cập trong việc xác định đơn vị tổ chức bán; Một số nhà đất tổ chức bán đấu giá không khả thi, không có người mua…

Trong khi loạt tài sản công dôi dư sau sáp nhập cấp xã bỏ hoang, gây lãng phí, thì mới đây hàng loạt cơ sở nhà, đất của huyện Lộc Hà (cũ) sau khi sáp nhập vào huyện Thạch Hà hiện đang trong tình trạng không được sử dụng.

Để xử lý, mới đây UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi các sở, ngành, UBND huyện Thạch Hà về việc quản lý, xử lý cơ sở nhà, đất dôi dư của huyện Lộc Hà (cũ) do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện.

Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh giao UBND huyện Thạch Hà tiếp tục quản lý đối với 7 cơ sở nhà, đất dôi dư của huyện Lộc Hà (cũ) sau sáp nhập.

Loạt trụ sở cấp xã, cấp huyện bỏ hoang: Bán không ai mua- Ảnh 2.

Trụ sở đang bỏ hoang tại Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo

Vướng quy định

Sau sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều công sở, nhà đất công dôi dư; trong đó, chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn.

Dù UBND tỉnh Thanh Hóa nhiều lần chỉ đạo các ngành, địa phương giải quyết tình trạng công sở, nhà đất dôi dư, nhưng cho đến nay việc xử lý tài sản công chậm trễ, hiện vẫn còn gần 500 trụ sở, nhà đất dôi dư còn lại đang bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất đai và cơ sở hạ tầng.

Theo thống kê, kể từ thời điểm năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.200 cơ sở nhà đất dôi dư, nhưng đến nay đã sắp xếp xử lý được nhiều cơ sở, còn lại gần 500 cơ sở.

Theo thống kê, kể từ thời điểm năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có 1.200 cơ sở nhà đất dôi dư, nhưng đến nay đã sắp xếp xử lý được nhiều cơ sở, còn lại gần 500 cơ sở.

Hiện một số địa phương gửi báo cáo về Sở Tài chính đề nghị điều chỉnh sang bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hình thức thu hồi để thanh lý tài sản.

Tuy nhiên, tiến độ xử lý tài sản công dôi dư chậm do vướng mắc quy định về sắp xếp, xử lý nhà, đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều bất cập, quy định chưa cụ thể, rõ ràng.

Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa chủ động trong xử lý nhà, đất dôi dư để xảy ra tình trạng thiếu hồ sơ nhà, đất; chậm điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cho việc xử lý nhà, đất dôi dư chưa thể thực hiện do không phù hợp quy hoạch.

Ngoài ra, các nghị định, thông tư có liên quan và các văn bản hướng dẫn của cơ quan cấp bộ chuyên ngành còn chưa thống nhất, còn nhiều bất cập, quy định chưa cụ thể, rõ ràng.

Loạt trụ sở cấp xã, cấp huyện bỏ hoang: Bán không ai mua- Ảnh 3.

Công sở xã Thiệu Tân, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hóa) bỏ không sau sáp nhập giai đoạn 1

Theo ông Trương Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hoá, đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát đánh giá lại tài sản công trên địa bàn tỉnh để có phương án, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn và tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa về phương án sắp xếp.

Sở Tài chính cũng kiến nghị với Trung ương sớm ban hành luật Quản lý sử dụng tài sản công để có những văn bản hướng dẫn dưới Luật để tháo gỡ cho các địa phương…

Nhấn mạnh đây là nhiệm vụ “thường xuyên, liên tục”, UBND tỉnh Nghệ An sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng các trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí nguồn lực.

Tránh lãng phí sau sáp nhập

Năm 2020, sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số ba xã Nam Trung, Nam Phúc và Nam Cường (huyện Nam Đàn) thành xã Trung Phúc Cường thì địa phương dư 2 trụ sở làm việc, 2 trường học, 2 trạm y tế và 19 nhà văn hóa xóm. Nghịch lý đang diễn ra ở xã này khi 2 trụ sở xã còn rất khang trang phải bỏ không, nhưng trụ sở xã hiện tại lại không đủ phòng để làm việc.

Tại Nghệ An, có nhiều trụ sở hành chính cấp xã đang bỏ hoang sau sáp nhập như ở xã Diễn Minh, Diễn Bình (huyện Diễn Châu), xã Hưng Nhân, Hưng Phú (huyện Hưng Nguyên), xã Nghĩa Liên, Nghĩa Thắng (huyện Nghĩa Đàn),... Một số trụ sở đã bắt đầu xuống cấp vì cửa đóng then cài quá lâu.

Theo báo cáo của Sở Tài chính Nghệ An, toàn tỉnh hiện có 278 cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích.

Điều đáng nói, 278 cơ sở này có tổng diện tích đất không sử dụng lên tới hơn 636.000m2. Trong đó, chủ yếu là nhà, đất từ các đơn vị như: Kho bạc, ngân hàng , bảo hiểm xã hội, trụ sở UBND xã, trường mầm non… Đây là những trụ sở dôi dư từ các giai đoạn sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện từ năm 2025 trở về trước.

Loạt trụ sở cấp xã, cấp huyện bỏ hoang: Bán không ai mua- Ảnh 4.

Sau khi bỏ cấp huyện thì trụ sở UBND huyện Đô Lương sẽ được sử dụng để làm trụ sở hoạt động của xã tại trung tâm

Để giải quyết tình trạng này, ông Bùi Thanh An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký ban hành Kế hoạch 224/KH-UBND nhằm xử lý 278 cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không để lãng phí, thất thoát tài sản công.

Đối với 12 cơ sở nhà, đất của các cơ quan, đơn vị Trung ương có quyết định chuyển giao về tỉnh Nghệ An quản lý, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định, trình phương án xử lý.

Đối với 190 cơ sở nhà, đất thuộc cấp huyện quản lý có thể đề xuất điều chỉnh phương án xử lý như: Giữ lại tiếp tục sử dụng; bán tài sản trên đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, điều chuyển, chuyển giao về địa phương quản lý…

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/loat-tru-so-cap-xa-cap-huyen-bo-hoang-ban-khong-ai-mua-a47982.html