Thảo luận, đóng góp ý kiến đối với việc sử dụng những tên gọi quen thuộc để đặt tên cho những phường, xã mới của thành phố, Hòa thượng Thích Minh Thành cho biết, bản thân ông có mặt ở TPHCM từ những năm 1970 nên có nhiều trải nghiệm sâu sắc với vùng đất này và những cái tên như Sài Gòn, Gia Định đã ít nhiều gây ấn tượng từ tuổi cắp sách đến trường. Và thời gian qua, khi gặp gỡ, tiếp xúc cử tri ở nhiều nơi thì ông cảm nhận được sự đồng tình ở mức độ lớn.
Cũng theo Hòa thượng Thích Minh Thành, một số nhân sĩ, trí thức cũng đề xuất những phương án gọi tên những địa danh như Gia Định, Sài Gòn , Chợ Lớn ở một mức độ rộng hơn, tức địa bàn phải rộng hơn, bao trùm hơn để đáp ứng tiềm thức, tâm linh, tình cảm, văn hóa của người dân.
“Quá khứ là nơi mà chúng ta bước ra, cần ghi nhận và trân trọng. Nhưng ta cũng cần định hình cho hiện tại để có bước tiến về tương lai cho phù hợp”, Hòa thượng bày tỏ.

Hòa thượng Thích Minh Thành trao đổi tại kỳ họp. Ảnh: Ngô Tùng
Điểm qua tên gọi một số địa danh được lưu dấu trên địa bàn thành phố, Thượng tọa Thích Thiện Quý nói việc gắn các địa danh gắn liền với lịch sử dân tộc nhằm để các thế hệ sau năm 1975 ôn lại lịch sử dân tộc và nhớ về sự phát triển của đất nước, đặc biệt là tại TPHCM vốn từng được gọi là Sài Gòn.

Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân.
Là người con được sinh ra và trưởng thành ở TPHCM, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho rằng việc giữ những địa danh hết sức thân thương là điều đáng quý. Theo ông, có những địa danh như như Chợ Lớn, Sài Gòn trong thời gian qua dù không còn được sử dụng một cách chính thống trên các văn bản nhưng lại phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, trong những cuộc nói chuyện của người dân như “đi thăm ai đó ở Chợ Lớn”, hay “đi chơi ở Sài Gòn”.
“Lần này TPHCM đưa các tên gọi quen thuộc này một cách chính danh vào các văn bản chính thống là điều cần thiết và đáp ứng những tâm tư, nguyện vọng của tuyệt đại đa số bà con thành phố”, ông Quân chia sẻ.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho rằng, với lịch sử hơn 300 năm của quá trình mở cõi phương Nam và qua kết quả nghiên cứu, đánh giá, đúc kết của các nhà văn hóa, nhà sử học thì các địa danh đều gợi lại tình cảm, ký ức của mọi người ở vùng đất phương Nam, trong đó có TPHCM hiện nay.
Cũng theo ông Khuê, trong biên niên lịch sử sự kiện của TPHCM từ thời kỳ chiến tranh đến nay đều gợi lại và nhắc đến những địa danh đó gắn liền với khí phách hào hùng của từng vùng đất, luôn in dấu trong lịch sử của thành phố và mọi công dân. Và trên các diễn đàn, các cuộc trao đổi đều thể hiện sự tự hào. Do đó, việc sắp xếp nếu chúng ta trân trọng những yếu tố lịch sử là điều hết sức đáng quý.
“Còn nếu tên mang tính tích hợp thì cũng không có nghĩa là phủ định hay phủ quyết bề dày lịch sử của thành phố này mà là sự khái quát cao hơn, thể hiện khát vọng của mọi công dân”, ông Khuê nói thêm.
Tên gọi Sài Gòn giúp xây dựng thương hiệu của TPHCM

Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa.
Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, qua khảo sát các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, đơn vị nhận được kết quả đồng tình, ủng hộ cao với chủ trương đặt tên các phường như đề án. Theo bà Hoa, đây không chỉ là quyết định hành chính đúng đắn mà là cơ hội để ngành du lịch làm mới bản đồ du lịch trên nền tảng văn hóa, lịch sử, với những địa danh gắn liền bản sắc gần gũi, thân thuộc.
“Không chỉ tạo sự gắn kết hơn cho cộng đồng dân cư mà còn giúp du khách dễ nhớ, dễ định hướng và qua đó cũng tăng khả năng định vị cho ngành du lịch thành phố. Các địa danh như Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn đã trở thành một phạm trù văn hóa với du khách trong nước và quốc tế, đã được biết đến qua thơ ca nhạc họa và sẽ tạo cho họ thêm cảm xúc để đến với TPHCM khi chính thức đặt tên cho các đơn vị hành chính”, bà Hoa nhìn nhận và cho rằng điều này sẽ tạo sức hấp dẫn cao hơn cũng như khả năng cạnh tranh của du lịch thành phố.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, các quận, huyện đã lắng nghe tiếp thu ý kiến của nhân dân để có quyết định hợp lòng dân, trong đó có ý tưởng đặt tên Sài Gòn tại một phường trung tâm thành phố, nơi tập trung nhiều công trình biểu tượng.
“Có một phường mang tên Sài Gòn không chỉ để nhắc, để nhớ, tôn vinh di sản lịch sử, mà còn là một điểm nhấn văn hóa thu hút du khách gần xa, đặc biệt khi Sài Gòn được biết đến rộng rãi trên bản đồ du lịch quốc tế sẽ góp phần quan trọng xây dựng thương hiệu của TPHCM”, bà Lệ nói trong phát biểu bế mạc kỳ họp.