
Trung tâm Chính trị - Hành chính tỉnh Quảng Trị mới sẽ đặt tại Quảng Bình hiện nay. Đây là hình ảnh về TP Đồng Hới
Hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đang tiến gần đến dấu mốc mang tính lịch sử, hợp nhất thành một tỉnh mới với tên gọi dự kiến là Quảng Trị.
Theo đề án được UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì xây dựng, trung tâm hành chính - chính trị sẽ đặt tại địa điểm hiện nay của tỉnh Quảng Bình.
"Gộp lại" để vươn xaTỉnh mới Quảng Trị sẽ có diện tích gần 12.700 km², dân số trên 1,86 triệu người, gấp đôi tiêu chuẩn hiện hành đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh. Việc sáp nhập được xem là cụ thể hóa Nghị quyết 18-NQ/TW của Trung ương Đảng về tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sau khi hợp nhất, tỉnh mới sẽ còn lại 78 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 5 phường và 36 xã từ Quảng Bình; 3 phường, 33 xã và 1 đặc khu từ Quảng Trị.
Trước khi sáp nhập, hai tỉnh có tổng cộng 264 xã, phường, thị trấn (Quảng Bình 145, Quảng Trị 119). Tỉnh mới sẽ không tổ chức cấp huyện, giữ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh - xã).
Khi Quảng Bình và Quảng Trị chính thức sáp nhập, một trong những thay đổi lớn nhất chính là bộ máy hành chính cấp tỉnh - điều được cán bộ, công chức và người dân hai địa phương đặc biệt quan tâm.
Bảo đảm đầy đủ chức năng quản lý nhà nướcTheo đề án do UBND tỉnh Quảng Bình chủ trì xây dựng, bộ máy hành chính của tỉnh Quảng Trị mới sẽ được tổ chức lại theo hướng tinh gọn nhưng vẫn bảo đảm đầy đủ chức năng quản lý nhà nước. Cụ thể, sẽ có 14 sở chuyên môn và 2 tổ chức hành chính trực thuộc.

Lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị vừa tổ chức họp để bàn một số nội dung liên quan việc sáp nhập, hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh
Các sở như: Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Nội vụ, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo… tiếp tục được duy trì, nhưng sẽ hợp nhất từ những sở có chức năng tương đồng của 2 tỉnh cũ.
Đáng chú ý, Sở Ngoại vụ của tỉnh mới sẽ vừa kế thừa từ tỉnh Quảng Trị, vừa được tăng thêm chức năng đối ngoại vốn thuộc Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình.
Hai tổ chức hành chính trực thuộc là Ban Quản lý Khu kinh tế và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, giữ vai trò đầu mối trong phát triển vùng và công tác dân cử.
Trong khối Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, việc tổ chức lại cũng được thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt. Theo đề án, khối này sẽ chỉ còn lại 8 đầu mối trực thuộc Tỉnh ủy, gồm: 7 cơ quan Đảng (Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo - Dân vận, Ban Nội chính và 2 Đảng ủy trực thuộc). Riêng khối mặt trận, đoàn thể thống nhất thành 1 cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Đáng chú ý, có 2 cơ quan trực thuộc Tỉnh ủy là Báo Quảng Trị (được hợp nhất từ 4 cơ quan báo chí: Báo Quảng Bình, Đài PT-TH Quảng Bình, Báo Quảng Trị, Đài PT-TH Quảng Trị) và Trường Chính trị Lê Duẩn (hợp nhất với Trường Chính trị Quảng Bình).
Tỉnh mới Quảng Trị sẽ có 9 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, trong đó nhiều cơ sở giáo dục được hợp nhất, đổi tên để phù hợp với đơn vị hành chính mới.
Cụ thể: Trường ĐH Quảng Trị (đổi tên từ ĐH Quảng Bình); Trường CĐ Y tế Quảng Trị (hợp nhất); Trường CĐ Nghề Quảng Trị (đổi tên từ CĐ Nghề Quảng Bình); Trường CĐ Kỹ thuật Quảng Trị (giữ nguyên); Trường CĐ Kỹ thuật Công – Nông nghiệp Quảng Trị (đổi tên); Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị (giữ nguyên); Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Quảng Trị (hợp nhất); Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị (hợp nhất); Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (giữ nguyên, đổi tên phù hợp với tỉnh mới)
Ngoài ra, 147 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ban, ngành sẽ được giữ lại sau tinh giản - giảm đáng kể so với hơn 180 đơn vị hiện có ở hai tỉnh cũ.