Dự kiến sẽ có bao nhiêu biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sau khi sáp nhập?

Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương, dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế trong một xã.

Dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/xã

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án).

Về biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, Đề án nêu rõ: Do quy mô đơn vị hành chính cấp xã lớn hơn so với hiện nay và nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã tăng lên (thực hiện toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện và cấp xã hiện nay). 

Dự kiến sẽ có bao nhiêu biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sau khi sáp nhập?- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ (Ngọc Đẹp).

Theo đó, Chính phủ dự kiến biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã theo định hướng như sau: Trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức của cấp huyện và cán bộ, công chức của cấp xã hiện có trước sắp xếp để bố trí cho các đơn vị hành chính cấp xã mới (sau sắp xếp). 

Thực hiện việc rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản theo đúng quy định. 

Giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp xã cho các địa phương.

Kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; giao chính quyền địa phương xem xét, có thể sắp xếp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tham gia công tác tại thôn, tổ dân phố; thực hiện chính sách nghỉ việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã mà không bố trí công tác theo quy định.

Căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế-xã hội của các đơn vị hành chính cấp xã, Chính phủ định hướng giao tổng biên chế chính quyền địa phương cấp xã cho các địa phương (dự kiến bình quân khoảng 32 biên chế/ 1 cấp xã). 

Trên cơ sở đó, giao chính quyền địa phương cấp tỉnh quyết định số lượng biên chế đối với chính quyền địa phương từng đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã

Chiều 12/4 vừa qua, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong đó sẽ sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Bộ Nội vụ cũng đã trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính 2025.

Theo đó, việc đặt tên, đổi tên của cấp xã sau sáp nhập được quy định theo hướng tên của cấp xã mới hình thành sau sắp xếp cần dễ đọc, dễ nhớ, ngắn gọn, bảo đảm tính hệ thống, khoa học, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ.

Đồng thời, dự thảo Nghị quyết cũng nêu khuyến khích đặt tên cấp xã theo số thứ tự hoặc theo tên của cấp huyện (trước sắp xếp) có gắn với số thứ tự để thuận lợi cho việc số hoá, cập nhật dữ liệu thông tin.

Ngoài ra, tên của cấp xã mới hình thành sau sắp xếp không được trùng với tên của đơn vị hành chính cùng cấp hiện có trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến hình thành theo định hướng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/du-kien-se-co-bao-nhieu-bien-che-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-cap-xa-sau-khi-sap-nhap-a47189.html