Tuấn Anh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP HCM, cho biết do đặc thù công việc, anh không có nhiều thời gian tập thể dục. Hậu Covid-19, anh muốn cải thiện sức khoẻ nhưng vẫn kiếm cớ trì hoãn, cho đến khi thấy một số bạn bè bắt đầu chạy bộ với mục đích kiếm tiền.
"Nghe có vẻ điên rồ nhưng hai tuần nay tôi thật sự được trả tiền từ việc chạy bộ. Tôi đã đầu tư hơn 1.000 USD để mua một đôi giày NFT trong StepN nên dù có thế nào cũng phải cố chạy để thu hồi vốn", Tuấn Anh nói.
StepN là ứng dụng do công ty Satoshi Lab phát triển, được xây dựng trên hệ sinh thái blockchain Solana. Bản beta đầu tiên ra mắt ngày 20/12/2021. Trong phần giới thiệu của mình, đội ngũ phát triển cho biết người dùng sở hữu giày NFT có thể đi bộ kiếm thưởng, mua bán và nâng cấp các vật phẩm giày NFT.
Trào lưu mới sau 'chơi game kiếm tiền'
Theo Thảo Trang, đồng sáng lập Project SEED, từ nửa cuối tháng 3, chạy bộ kiếm tiền trở thành chủ đề được bàn tán trên nhiều nhóm, từ online đến offline. "Chủ đề mới của mọi người khi gặp nhau giờ là khoe những đôi giày NFT đang sở hữu, số tiền kiếm được và bắt đầu trao đổi giày với nhau. Mọi người không để ý đôi giày bạn đang đi ở ngoài đời là gì, họ quan tâm đến đôi giày trên màn hình, trong các ứng dụng chạy bộ kiếm tiền mới nổi gần đây, như StepN", cô nói.
Thanh Bình, quản trị viên một nhóm chạy bộ kiếm tiền với gần 50.000 thành viên, cho biết từ đầu tháng 4, số lượng người chơi StepN tăng theo cấp số nhân. "Ngoài những nội dung chia sẻ kinh nghiệm, mua bán giày, mỗi ngày có hàng chục bài viết hỏi xin code kích hoạt tài khoản mới. Do nhu cầu tăng đột biến, ứng dụng yêu cầu người mới phải có mã giới thiệu từ người cũ. Nhiều người nói họ đã tìm 2-3 ngày nhưng không có mã kích hoạt", anh Bình nói.
Theo Thảo Trang, sau play to earn (P2E - chơi game kiếm tiền), move to earn (M2E - di chuyển để kiếm tiền) được xem là trào lưu mới thu hút nhiều quan tâm của cộng đồng blockchain. Xu hướng này kết hợp các yếu tố của GameFi, SocialFi và NFT. Các dự án như StepN thưởng cho người chơi để duy trì lối sống lành mạnh hơn thay vì chỉ chơi game.
Nhiều người tham gia StepN kỳ vọng ứng dụng sẽ là một Axie Infinity mới của mô hình M2E. Ứng dụng không chỉ thúc đẩy việc chạy bộ mà còn sinh ra nhiều mô hình kinh doanh mới. Một số người thậm chí bỏ tiền ra mua các đôi giày, sau đó thuê người chạy. Những người không đủ tiền để đầu tư ban đầu cũng có thể tham gia ứng dụng bằng cách chạy thuê với thù lao vài trăm nghìn đồng mỗi ngày cho khoảng nửa tiếng chạy bộ.
Không chỉ trở thành cơn sốt ở Việt Nam, chuyên trang phân tích về tiền mã hóa Wu Blockchain cho biết StepN "đang để lại dấu chân khắp thế giới blockchain". Mô hình này ưu việt hơn GameFi khi kết hợp hoạt động thể chất ngoài trời và yếu tố cộng đồng, giao tiếp xã hội. Tương tự Axie Infinity, StepN đang góp phần lôi kéo một lượng lớn người chơi mới vào không gian của tiền số và blockchain.
Mô hình chạy để kiếm tiền hoạt động thế nào?
Để tham gia StepN, người dùng cần mua một NFT giày thể thao trong ứng dụng và bắt đầu chạy bộ. Số tiền kiếm được mỗi ngày tuỳ thuộc vào loại giày sở hữu và kỹ năng di chuyển. Để tăng lượng tiền thu về, người dùng có thể lên level, sửa giày hoặc dùng đá quý để nâng cấp các thuộc tính.
Trung bình, người chơi mới cần khoảng 1.000 USD giá trị quy đổi để có thể sắm giày và bắt đầu kiếm tiền. Mô hình này tương tự mua thú cưng hoặc nhân vật để chơi các game NFT. Hiện người tham gia có thể mua giày trực tiếp từ nhà phát triển ứng dụng hoặc từ những người chơi trước.
Thanh Bình cho biết nếu so sánh với game P2E nổi tiếng như Axie Infinity giai đoạn đầu, giá đầu tư một đôi giày NFT trong StepN tương đương lập một đội hình thú cưng trong game. "Tuy nhiên, Axie Infinity cho bạn chơi thử còn StepN thì không. Bạn phải bỏ tiền ra mua giày với giá khá cao, tự tính toán thông số sao cho tối ưu nhất. Mỗi sai sót đều có thể phải trả giá bằng tiền", anh Bình nói.
Ứng dụng này có hai đồng token. Trong đó, Green Satoshi (GST) là token tiện ích có nguồn cung không giới hạn, dùng để trả cho việc đi bộ của người tham gia. Green Metaverse (GMT) là token quản trị có nguồn cung hạn chế ở mức sáu tỷ coin. Người chơi có thể đổi GST thành các loại tiền mã hóa khác và hoặc đổi sang tiền mặt.
Wu Blockchain cho rằng hai yếu tố khiến StepN phát triển chóng mặt là do ứng dụng đánh thẳng vào nhu cầu thực tế của cộng đồng là rèn luyện sức khoẻ và kiếm tiền đơn giản. Họ mua một đôi giày NFT rồi chạy và kiếm tiền từ đôi chân của mình. Tiếp đến, giá giày cũng liên tục tăng cao đã tạo nên một hiệu ứng mới trong cộng đồng và thu hút nhiều người tham gia. Người dùng có thể mua giày NFT để chạy hoặc mua đi bán lại kiếm lời.
Jerry Huang, đồng sáng lập StepN, nói với BlockCrypto: "Một người chơi mới có thể kiếm được 20-30 USD mỗi ngày bằng cách đi bộ hoặc chạy trong 10 phút. Một người chơi chuyên nghiệp có thể kiếm được 300-450 USD một ngày khi đi hoặc chạy trong 60 phút".
Những ý kiến trái chiều
Trong khi nhiều người đặt niềm tin vào StepN, cho rằng mô hình M2E sẽ tiếp tục trở thành xu hướng, nhiều người tỏ ra hoài nghi về tính bền vững của dự án.
Tuấn Anh cho biết, anh tính khoảng một tháng chạy bộ là có thể hòa vốn. Tuy nhiên, với lượng người chơi ngày một nhiều và giá GST liên tục biến động, thời gian có thể sẽ kéo dài hơn.
"Chạy bộ kiếm tiền không thật sự 'dễ ăn' như mọi người kỳ vọng", anh nói. "Tôi đã tham gia trào lưu P2E nên hiểu những rủi ro của M2E. Mô hình của StepN vẫn còn khá sơ khai. Nhà phát triển đang phải chạy đua với người chơi để đưa ra các bản nâng cấp. Nếu không có gì mới để giữ chân người dùng, ứng dụng có thể sớm sụp đổ khi những người chơi đầu hòa vốn, chán chạy và bán tháo giày, token".
Còn theo Thảo Trang, bản chất M2E là một mô hình kinh doanh thu nhỏ. Mỗi người tham gia đều phải bỏ tiền để đầu tư, tự nghiên cứu công thức kiếm tiền tốt nhất. Do đó, họ cũng phải đối mặt nhiều rủi ro lớn vì thị trường tiền mã hóa vốn có nhiều biến động.
"Ở những mô hình thế này, người chơi sớm thường có lợi hơn. Kinh nghiệm từ việc xây dựng các dự án P2E cho thấy, khi đến một ngưỡng nhất định, nền kinh tế trong ứng dụng phải đối mặt với lạm phát. Nếu nhà phát triển không can thiệp kịp thời, dự án có thể sụp đổ, những người tham gia sau sẽ là những người bị ảnh hưởng", Thảo Trang nói.
Trong khi đó, Wu Blockchain cho rằng nếu một dự án có quá nhiều người kiếm tiền hơn chi tiền, bản chất vẫn là mô hình đa cấp, nghĩa là tiền thu về của người chơi sau trả cho người chơi trước. "Nhưng nếu người dùng sẵn sàng ở lại nền tảng, lượng chi tiêu lớn hơn đầu tư, nó vẫn có thể phát triển ổn định", trang này nhận định.
Khương Nha
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/chay-bo-kiem-tien-trao-luu-blockchain-moi-a43558.html