Người dân 'vật vã' vì tắc đường không lối thoát do 'cung vượt cầu'

Dưới thời tiết lạnh chỉ 9-10 độ nhưng gần một tuần qua người dân Hà Nội đang phải vật vã với cảnh ùn tắc kéo dài nhiều giờ đồng hồ trên đường. Nhiều ý kiến cho rằng, ý thức người dân được nâng cao khi mức xử phạt tăng nhưng hạ tầng giao thông không đáp ứng được “cung - cầu”, công tác quản lý chưa thể hiện được vai trò đang là nguyên nhân khiến ùn tắc không lối thoát.

Xếp hàng nhiều giờ trên đường với thời tiết 10 độ C

Tại nhiều nút giao lớn như: Giải Phóng - Đại Cồ Việt, Ô Chợ Dừa, Lê Duẩn - Trần Phú, Ngã Tư Sở, Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, Trung Hòa, Mai Dịch, Xuân Thủy - Cầu Giấy, Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng… lâu nay ùn tắc chỉ xảy ra vào các giờ cao điểm (sáng, chiều), tuy nhiên, ghi nhận của PV Tiền Phong mấy ngày qua, ùn tắc xảy ra liên tục và không kể giờ cao điểm, hay thấp điểm.

Người dân 'vật vã' vì tắc đường không lối thoát do 'cung vượt cầu'- Ảnh 1.

Vừa được cải tạo nhưng nút giao Ngã Tư Sở lại ùn tắc như nêm trong hai ngày qua. Ảnh: Thanh Hà.

Sáng 13/1, tại nút giao Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển ùn tắc xảy ra từ 7h, đến 10h30 vẫn còn ùn ứ kéo dài (quá giờ cao điểm hơn 1 giờ). Các chiều đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi (hướng Hà Đông) dẫn về nút giao có thời điểm ùn tắc dài hơn 1 km. Ở nút giao Xuân Thủy - Cầu Giấy, ùn tắc xảy ra kéo dài trên các tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy và Trần Thái Tông…

“Nếu trước đây, trung bình giờ cao điểm, chúng tôi chỉ mất 2- 3 nhịp đèn là lưu thông qua, nhưng giờ phải hết 3 đến 5 nhịp đèn mới qua được”, anh Trần, một người dân lưu thông trên đường Cầu Giấy sáng nay nói.

Dưới thời tiết lạnh 10 độ, chị Thảo (ở phường Đại Kim, Hoàng Mai) đưa con gái bằng xe máy đi học sáng 13/1 trên đường Nguyễn Xiển rất muốn lưu thông nhanh để đưa con gái 9 tuổi đến trường kịp giờ học và đỡ lạnh, nhưng thời điểm 7h30 sáng nay, nhìn bốn xung quanh, xe máy ô tô đều vây quanh đặc kín. “Không đi thẳng được và muốn quay về để cho con gái đỡ lạnh, chấp nhận đi học muộn cũng không có lối thoát”, chị Thảo phàn nàn.

Quan sát tại các một số nút giao thông như Mai Dịch, Ngã Tư Sở và Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, phóng viên thấy rằng, nếu trước đây mỗi khi ùn tắc, một số xe máy đã tràn sang dải phân cách, làn đường rẽ phải hoặc đi lên vỉa hè để chờ đèn đỏ chuyển xanh là “thông” nút cho nhanh, nhưng từ ngày 1/1/2025, quy định các lỗi vi phạm về đèn tín hiệu, xe đi lên vỉa hè phạt đến 6 triệu (tăng gấp 6 lần trước đây), nhiều người dân đã xếp hàng nối đuôi nhau kéo dài tại các ngã ba, ngã tư.

Ngoài ra, một nguyên nhân chính cũng đang khiến nhiều tuyến đường, nút giao thông Hà Nội những ngày qua ùn tắc không lối thoát là dịp cao điểm cuối năm nhưng các loại xe kinh doanh vận tải như xe tải, xe khách, xe du lịch vẫn lưu thông với mật độ dày đặc. Điều này đã làm tăng lưu lượng xe trên nhiều tuyến đường, ùn tắc càng nghiêm trọng hơn.

Tắc trên đường và “tắc” cả vai trò quản lý

Đánh giá về tình trạng ùn tắc giao thông trên đường những ngày qua, Trung tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, ùn ứ với phạm vi rộng, kéo dài và diễn ra trên nhiều khu vực, tuyến phố hơn.

Theo ông Chiến, trước đây khi đến các ngã ba, ngã tư, phương tiện tập trung tại nút theo hướng tăng tiết diện bề ngang để nhanh thông qua nút khi đèn xanh, nhưng bây giờ việc này phương tiện không dám vượt qua vạch sơn để “nhoi” lên phía trước, dẫn đến khi đèn đỏ chuyển sang xanh, phương tiện di chuyển qua nút lâu, gây ùn ứ kéo dài.

“Bây giờ CSGT phải chủ động lên phương án điều tiết cả ngày và vào cả ban đêm và không còn khái niệm đâu là giờ cao điểm, đâu là giờ thấp điểm”, ông Chiến nói.

Người dân 'vật vã' vì tắc đường không lối thoát do 'cung vượt cầu'- Ảnh 2.

Ùn tắc như nêm và kéo dài nhưng giờ cao điểm mấy ngày qua, xe khách loại lớn, xe tải vẫn vượt nút giao Giải Phóng - Kim Đồng đi vào nội đô Hà Nội. Ảnh: Anh Trọng

Đề cập đến lưu lượng xe trên đường, ông Chiến cho biết, những ngày cuối năm đang tăng gấp 2- 3 lần ngày thường.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, dịp cuối năm nhu cầu đi lại của người dân rất lớn, với xe kinh doanh vận tải thì nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa còn lớn hơn. Tuy nhiên, đây là các xe kinh doanh có điều kiện, do vậy khi vào các đô thị lớn phải tuân thủ các quy định, công tác điều tiết để giảm ùn tắc giao thông.

“Vào những dịp lễ Tết, cao điểm đi lại của người dân, theo tôi nên cấm xe kinh doanh như xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ hoạt động vào giờ cao điểm để giảm mật độ xe trên đường; ngoài giờ cao điểm và ban đêm các xe đủ điều kiện vẫn lưu thông bình thường thì về cơ bản không ảnh hưởng đến kinh doanh”, ông Quyền nói.

Tuy nhiên, cho ý kiến về phương án điều tiết, tổ chức giao thông dịp cao điểm cuối năm, sáng 13/1 đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện Sở đã có phương án phân luồng, hướng dẫn từ xa cho xe ra, vào thành phố dịp Tết Nguyên đán, với phương án điều tiết, phân luồng xe kinh doanh, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, đang thực hiện theo quy định chung của thành phố (Quyết định số 24).

Theo quy định này, chỉ xe tải loại lớn, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ, xe du lịch bị hạn chế đi vào nội đô giờ cao điểm, các loại xe nhỏ vẫn lưu thông bình thường theo giấy phép được cấp. Sở GTVT Hà Nội không có thêm phương án tổ chức giao thông hoặc hạn chế, cấm xe kinh doanh đi vào trong khu vực nội thành dịp cuối năm.

TS Phan Lê Bình (từng nhiều năm công tác tại Tổ chức JICA - Nhật Bản) cho biết, nguyên nhân ùn tại Hà Nội hiện này là do mất cân đối giữa cung và cầu, có nghĩa nhu cầu đi lại của người dân cao nhưng hạ tầng giao thông lại không đáp ứng được. Hiện phương tiện tại Hà Nội mỗi năm tăng trên 10% nhưng quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm.

“Hiện giao thông đang quá phụ thuộc vào xe cá nhân, còn vận tải công cộng chỉ có xe buýt và 1,5 tuyến đường sắt đô thị - trong khi yêu cầu là 10 tuyến, dẫn đến vận tải công cộng mới đáp ứng được khoảng 19% nhu cầu”, ông Bình thông tin.

Đánh giá về công tác giải quyết ùn tắc hiện nay, TS Phan Lê Bình cho biết, ùn tắc đang xảy ra mỗi ngày một phức tạp và Hà Nội cứ giải quyết được chỗ này lại phát sinh ùn tắc chỗ khác. Nguyên nhân vì không có giải pháp căn bản, trong đó chưa giải được bài toán kiểm soát được xe cá nhân và phát triển vận tải công cộng. “Dịp Tết còn 2 tuần, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân tăng đột biến, nhưng chưa có giải pháp mang tính phù hợp”, TS Bình đánh giá.

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/nguoi-dan-vat-va-vi-tac-duong-khong-loi-thoat-do-cung-vuot-cau-a43548.html