Nghị định số 176/2024/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Theo đó, tại các Điều 5, Điều 6 và Điều 7 của Nghị định có quy định về nội dung chi và mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, tại khoản 11 của Điều 5 có quy định về việc "Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông."
Về mức chi, tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định này quy định rõ: "Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 01 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc."
Với quy định nêu trên, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng/1 vụ, việc.
Liên quan đến quy định này, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh của người dân để xác minh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ đã được thực hiện thời gian qua.
Về đầu mối tiếp nhận, đơn vị CSGT có trách nhiệm thông báo công khai: địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin.
Ngoài ra, đơn vị CSGT sẽ tổ chức trực ban 24/24 giờ để tiếp nhận, thu thập dữ liệu của cá nhân, tổ chức cung cấp.
Đơn vị CSGT thực hiện tiếp nhận, thu thập dữ liệu gồm: Cục CSGT; phòng CSGT; đội CSGT - trật tự thuộc công an cấp huyện.
Người dân cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm thông qua cài đặt ứng dụng VneTraffic do Bộ Công an phát triển.
Quy trình thu thập, sử dụng dữ liệu (thông tin, hình ảnh) do cá nhân, tổ chức cung cấp, được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2021.
Cụ thể, dữ liệu thu được cần đảm bảo: Không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, dữ liệu phải phản ánh khách quan, chính xác, trung thực về hành vi vi phạm, thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm.
T.M (tổng hợp)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/nguoi-dan-gui-thong-tin-hinh-anh-phan-anh-vi-pham-giao-thong-ve-dau-a43227.html