Ưu tiên người nghỉ việc ngay trong 12 tháng
Dự thảo quy định cụ thể các chính sách, chế độ đối với người nghỉ việc (nghỉ hưu và nghỉ thôi việc); chính sách đối với người được bầu cử, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý thấp hơn hoặc thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi công tác tại cơ sở; chính sách trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp.
Theo Bộ Nội vụ, các chính sách, chế độ tại dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở kế thừa Nghị định số 29/2023/NĐ-CP nhưng mức trợ cấp cao hơn để động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nghỉ việc.
Các chính sách, chế độ được áp dụng đối với tất cả các đối tượng chịu sự tác động của quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính các cấp của cả hệ thống chính trị, không bỏ sót các đối tượng liên quan.
Về nguyên tắc, Bộ Nội vụ cũng đề xuất tập trung ưu tiên để khuyến khích các đối tượng nghỉ ngay trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp theo quyết định của cấp có thẩm quyền và ưu tiên khuyến khích đối với những người sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Các chính sách, chế độ cũng được thiết kế theo hướng nghỉ ngay trong 12 tháng kể từ khi thực hiện sắp xếp theo quyết định sẽ được hỗ trợ ở mức cao hơn.
Chẳng hạn như chính sách hưởng trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm: Nếu nghỉ ngay trong thời hạn 12 tháng thì được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm nếu có tuổi đời còn dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu hoặc 0,9 tháng tiền lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm (tối đa là 60 tháng) nếu có tuổi đời còn từ đủ 05 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu; Còn nếu nghỉ từ tháng thứ 13 trở đi thì chỉ được hưởng bằng 0,5 mức trợ cấp của trường hợp nghỉ trong 12 tháng (bằng 0,5 hoặc 0,45 tháng lương hiện hưởng).
Trong trường hợp một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách quy định ở các văn bản khác nhau thì sẽ được hưởng một chính sách cao nhất.
Theo Bộ Nội vụ, việc giải quyết chính sách, chế độ cần quan tâm duy trì, giữ chân cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ và gắn với thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào khu vực công.
Dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đang được lấy ý kiến trước khi ban hành.
Chính sách nghỉ hưu trước tuổi được chia thành 5 trường hợp. Trường hợp còn đủ 2 năm đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu và có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên để hưởng lương hưu, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định thì không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Ngoài ra, được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.Trường hợp có tuổi đời còn trên 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu và có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên để hưởng lương hưu, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định, họ không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Đồng thời họ được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Trường hợp có tuổi còn từ đủ 2 năm đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu và có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên để hưởng lương hưu theo quy định, trong đó có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành), bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021, ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định, họ còn được hưởng thêm các chế độ khác.
Không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Trường hợp có tuổi đời còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu và có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng lương hưu theo quy định thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Trường hợp còn dưới 2 năm đến tuổi nghỉ hưu và có đủ thời gian bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên để hưởng lương hưu theo quy định, trong đó có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021 thì được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu trước tuổi nêu trên thuộc đối tượng khen thưởng cống hiến tại Nghị định số 98/2023/NĐ-CP mà còn thiếu thời gian công tác giữ chức vụ lãnh đạo tại thời điểm nghỉ hưu để được khen thưởng cống hiến thì được tính thời gian nghỉ hưu sớm cộng với thời gian đã giữ chức vụ lãnh đạo để xét khen thưởng cống hiến hoặc xem xét các hình thức khen thưởng phù hợp với thành tích đạt được.
111 nghìn tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ
Theo Bộ Nội vụ, dự kiến cần 130 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách, chế độ nêu trên do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, có 111 nghìn tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ; 4.000 tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9.000 tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỷ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2.000 tỷ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
Bộ Nội vụ khẳng định, việc thực hiện tinh giản biên chế sẽ làm giảm chi thường xuyên và giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (22%); 10% quỹ tiền thưởng.
Cũng theo Bộ Nội vụ, ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (đang được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị) và các khoản chi chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, lãnh đạo quản lý,... Trong 5 năm, ngân sách nhà nước dự kiến tiết kiệm chi khoảng 113.000 tỷ đồng.
T.M (tổng hợp theo Vietnam+, Công an nhân dân, Tiền phong)
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/bo-noi-vu-cong-bo-du-kien-chinh-sach-voi-can-bo-cong-chuc-khi-sap-xep-bo-may-a43039.html