Bàn về đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện trong vụ án hành chính

Xác định đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện trong vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh – Quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng.

Tóm tắt: Xác định đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính là một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn được quan tâm nhất trong hoạt động khởi kiện vụ án hành chính. Bởi lẽ, có đối tượng khởi kiện thì mới phát sinh vụ án hành chính. Và quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là một trong số các đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính được quy định tại Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Loại đối tượng khởi kiện này có đặc thù là hoạt động giải quyết khiếu nại đối với Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo Luật cạnh tranh năm 2018. Các vụ án hành chính về loại đối tượng khởi kiện này gần như không có xảy ra trên thực tế. Chính vì thế, trong bài viết này, tác giả muốn nghiên cứu quy định pháp luật, các vụ việc cạnh tranh xảy ra trên thực tế có khiếu nại và trở thành đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính; các vấn đề về thời hạn, thời hiệu giải quyết đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật.

Đặt vấn đề:

Theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018, các hành vi gây tác động tiêu cực đến thị trường kinh tế gồm: hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Để nền kinh tế thị trường phát triển theo đúng quy luật khách quan, cộng với bản chất các hoạt động này thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại nên luật Cạnh tranh quy định về thủ tục tố tụng cạnh tranh khi các chủ thể kinh doanh khiếu nại về các hành vi vi phạm và ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh thương mại chỉ được xác định là hoạt động quản lý hành chính khi ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Đây được coi là quyết định hành chính và là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính. Để việc giải quyết khiếu kiện loại việc này được thực thi trên thực tế khi giải quyết vụ án hành chính cần nghiên cứu làm rõ các vấn đề: xác định đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện và đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật đối với việc giải quyết vụ án hành chính là Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

1. Xác định đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính đối với Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

Theo quy luật phát triển kinh tế thị trường luôn có sự cạnh tranh theo hướng tích cực và tiêu cực. Vì thế, Luật Cạnh tranh năm 2018 có quy định về các hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế. Khi các cá nhân, cơ quan, tổ chức có một trong số các hành vi vi phạm trên thì Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia hoặc Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh quốc gia sẽ tùy theo thẩm quyền được quy định mà ban hành Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo trình tự, thủ tục tố tụng cạnh tranh. Các chủ thể có thẩm quyền giải quyết vụ việc cạnh tranh sẽ tiến hành hoạt động điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.

Bàn về đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện trong vụ án hành chính- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cụ thể: Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh là Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh; Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Người tiến hành tố tụng cạnh tranh là chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh; thành viên Hội đồng xử lý vụ việc, thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại; thủ trưởng Cơ quan điều tra; Điều tra viên; thư ký phiên điều trần.

Thẩm quyền ban hành quyết định xử lý cạnh tranh đối với hành vi vi phạm quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi tập trung kinh tế là Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; đối với hành vi hạn chế cạnh tranh là Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra quyết định thành lập.

Nội dung của Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh: Tóm tắt vụ việc; phân tích vụ việc; kết luận xử lý vụ việc. Quyết định này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày kết thúc thời hạn khiếu nại là 30 ngày kể từ ngày nhận. Trường hợp có khiếu nại, đơn khiếu nại gửi đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Trên thực tế, theo khảo sát, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường hiện nay phổ biến dưới các dạng như: Hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh; Hành vi ép buộc trong kinh doanh; Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác; Hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác; Hành vi lôi kéo khách hàng bất chính; Hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ…Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (trực thuộc Bộ Công Thương) có chức năng trong việc thực hiện quản lý nhà nước và thực thi pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tính đến hết năm 2018, có gần 400 hồ sơ khiếu nại, trong đó hơn 200 vụ đã được điều tra, xử lý. Các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh thường diễn ra dưới nhiều hình thức, theo nhiều dạng khác nhau.

Ví dụ: Công ty X là công ty sản xuất ti vi thông minh thế hệ mới và sản phẩm ti vi thông minh thế hệ mới của công ty chưa được nhiều người biết đến. Do đó, để làm cho ti vi của mình được phổ biến rộng rãi cũng như muốn giới thiệu các tính năng thông minh đời mới đến người tiêu dùng là hơn hẳn tính năng của hàng ti vi khác nhưng giá thành lại rẻ hơn, công ty A đã tổ chức 1 buổi ra mắt sự kiện về ti vi và trong quá trình giới thiệu sản phẩm ti vi, Công ty A đã mang ti vi của công ty khác ra so sánh trực tiếp (1).

Hoặc Công ty B đưa ra chương trình khuyến mại hạt nêm, người tiêu dùng có thể đem gói hạt nêm dùng dở đến đổi lấy sản phẩm A. Hành vi này được quy định là một trong các hành vi khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh: "Tặng hàng hóa cho khách hàng dùng thử, nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hóa cùng loại đang sử dụng do doanh nghiệp khác sản xuất"…

Thậm chí các doanh nghiệp còn muốn dùng cách "thông đồng" để thu lợi nhuận lớn ngay trước mắt thay vì sử dụng chính năng lực cạnh tranh và khả năng thực tế của mình để thu hút khách hang cũng là 1 trong số các trường hợp xảy ra trên thực tế...

Khi những vụ việc như trên xảy ra trong hoạt động cạnh tranh vi phạm quy định của luật Cạnh tranh thì những công ty, doanh nghiệp hay tổ chức, cá nhân thực hiện việc gửi đơn yêu cầu đến một trong số các cơ quan có thẩm quyền như đã phân tích ở trên. Chủ thể có thẩm quyền sẽ thực hiện hoạt động giải quyết theo quy định và thủ tục tố tụng cạnh tranh. Kết thúc của quá trình giải quyết này sẽ ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Người khiếu nại cạnh tranh vẫn không đồng ý với nội dung và trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại cạnh tranh thì tiếp tục khiếu nại đến 1 trong 3 cơ quan: Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia, Ủy ban cạnh tranh quốc gia và Hội đồng giải quyết khiếu nại của Ủy ban cạnh tranh quốc gia để giải quyết khiếu nại theo thẩm quyền quản lý hành chính. Cụ thể: với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh về hành vi hạn chế cạnh tranh bị khiếu nại thì thẩm quyền giải quyết khiếu nại do Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia và tất cả các thành viên khác của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, trừ các thành viên đã tham gia Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh); đối với vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế, cạnh tranh không lành mạnh thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Lúc này, quyết định giải quyết khiếu nại của các chủ thể trên về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh sẽ được ban hành theo thủ tục hành chính và trở thành đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính. Về bản chất nó là quyết định quản lý hành chính nên nó sẽ bị kiện theo thủ tục vụ án hành chính.

Trước đó đã từng có rất nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định Quyết định giiải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hay không là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính?

Quan điểm thứ 1: Những người theo quan điểm này cho rằng Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh không là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính vì đây là quan hệ thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại nên nó sẽ là đối tượng khởi kiện trong vụ án dân sự. Họ cho rằng đây là quan hệ dân sự giữa các bên và ủy ban cạnh tranh quốc gia chỉ là chủ thể đứng giữa thực hiện hoạt động hòa giải nên vẫn xác định là quan hệ dân sự. Quan điểm thứ 2: Những người theo quan điểm này cho rằng Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính và là loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án vì đến hoạt động khiếu nại này đã thể hiện quyền lực của cơ quan quản lý hành chính khi giải quyết khiếu nại trong phạm vi nhiệm vụ, công vụ của cơ quan quản lý hành chính, chủ thể có thẩm quyền trong cơ quan quản lý hành chính và nó không còn là quan hệ kinh doanh thương mại đơn thuần nữa.

Vậy thì cần phải làm rõ thế nào là Quyết định hành chính? khái niệm về quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính. Quyết định hành chính là đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính được cấu thành bởi những yếu tố sau (2):

Chủ thể ban hành quyết định hành chính: là cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện hoạt động quản lý hành chính và người có thầm quyền trong các cơ quan này. Về mặt hình thức: có thể là quyết định, công văn, thông báo, kết luận chứa đựng nội dung giải quyết vụ việc (3). Về mặt nội dung: Quyết định về 1 vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính. Về tính cá biệt: được áp dụng một lần đối với một hoặc 1 số đối tượng cụ thể.

Như vậy, tác giả đứng về phía quan điểm thứ 2 vì Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đáp ứng đầy đủ các yếu tố cấu thành của quyết định hành chính cá biệt nên sẽ trở thành đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính. Vì thực tế, bản chất của hoạt động cạnh tranh là thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại nên những vụ việc cạnh tranh không lành mạnh đều có những tác động không tốt đến thị trường nên cần bị hạn chế và phải có quy chế quản lý tốt. Nếu chỉ để phát triển theo chiều hướng của thị trường thì sẽ dẫn đến vượt quá tầm kiểm soát. Nhưng nếu, quản lý hành chính can thiệp quá sâu thì ảnh hưởng đến quy luật phát triển kinh tế. Chính vì thế, trong phạm vi quản lý hành chính của mình, Nhà nước sẽ chỉ can thiệp khi 2 bên bất đồng quan điểm và có khiếu nại. Quá trình can thiệp đó sẽ ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

Vì có yếu tố đặc thù riêng là hoạt động quản lý hành chính được thực hiện sau thủ tục tố tụng cạnh tranh của kinh doanh thương mại (là hoạt dộng giải quyết khiếu nại) nên khi xác định đối tượng khởi kiện này thì luật Tố tụng hành chính năm 2015 tách riêng nó trở thành loại việc thứ 3 thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi khởi kiện vụ án hành chính (4)

Vướng mắc trên thực tế: Việc xác định các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh là khó xác định trong thực tế, dẫn tới việc giải quyết tố tụng cạnh tranh theo luật cạnh tranh là tốn nhiều thời gian để xác định tài liệu, chứng cứ chứng minh. Cộng với, thời hiệu để giải quyết khiếu nại trong cạnh tranh theo luật cạnh tranh là 03 năm là quá dài, gây tốn kém cho quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh và gây ra tâm lý trì trệ, chán nản của các doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan, tổ chức. Từ đó, việc xác định đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh còn có một số bất cập nhất định. Chẳng hạn, thời gian giải quyết khiếu nại là rất ngắn từ 30 ngày đến 45 ngày đối với vụ việc phức tạp, không kể thời gian thụ lý 10 ngày và thành lập hội đồng giải quyết khiếu nại 05 ngày. Lượng thời gian này không đủ cho thời gian điều tra, xác minh vụ việc nên tại phần đề xuất, kiến nghị, tác giả sẽ đưa ra giải pháp khuyến nghị về vấn đề này.

2. Xác định thời hiệu khởi kiện trong vụ án hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh

Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký và bị khởi kiện trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với nội dung giải quyết khiếu nại.

Người khiếu nại có quyền khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh: "1. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Luật Tố tụng hành chính trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh" (5).

Như vậy, các loại quyết định giải quyết khiếu nại trên sẽ trở thành đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính. Xuất phát từ đối tượng khởi kiện có những đặc trưng riêng nên vấn đề xác định thời hiệu khởi kiện cũng có những khác biệt.

Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có dạng như sau: Giữ nguyên quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; hủy quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ký và phải được gửi đến tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ký.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính và Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ việc cạnh tranh đến Tòa án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án khi thụ lý, giải quyết vụ án.

Thời hiệu khởi kiện đối với Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định trên được quy định tại Luật Cạnh tranh nhưng tại khoản 2 điều 116 Luật tố tụng hành chính năm 2015 cũng có quy định về thời hiệu phù hợp.

Theo quy định tại Luật tố tụng hành chính năm 2015, Thuật ngữ pháp lý về thời hiệu khởi kiện được hiểu là khoảng thời gian nhất định mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu thời hạn đó kết thúc thì chủ thể khởi kiện mất quyền khởi kiện. Vì vậy, khi khởi kiện đối với loại đối tượng này phải hết sức chú ý về mặt thời hiệu khởi kiện vì nó rất ngắn. Nếu để hết thời hiệu thì sẽ không bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp cho khách hàng.

Với loại đối tượng khởi kiện này, việc quy định về thời hiệu khởi kiện giữa Luật Cạnh tranh năm 2018 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đều thống nhất ở chỗ: Quy định thời hiệu được tính từ thời điểm nhận Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Còn các loại đối tượng khởi kiện khác là tính từ thời điểm nhận hoặc biết. Nếu tính theo thời điểm biết thì thời hiệu có thể kéo dài, phụ thuộc vào việc người khiếu nại không nhận được quyết định giải quyết khiếu nại và họ chỉ biết thông qua sự kiện khác. Quy định về thời điểm biết có lợi cho người khiếu nại, cho người bị xâm hại quyền lợi ích hợp pháp có thêm thời gian khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của họ khi cơ quan quản lý hành chính không giao quyết định.

Tuy nhiên, trên thực tế thì gần như chưa có vụ kiện liên quan đến đối tượng khởi kiện là quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được kiện ra Tòa Hành chính. Chính vì thế, các dữ kiện liên quan đến việc đánh giá về đối tượng khởi kiện này trên thực tế là chưa có và rất khó đề xuất về việc thay đổi hay giữ nguyên quy định hiện hành.

Vướng mắc đối với xác định đối tượng khởi kiện là quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và vấn đề thồi hiệu khởi kiện là: Hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh có thể tiếp tục diễn ra hoặc có thể đã kết thúc nhưng đều để lại hậu quả ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp hoặc lợi nhuận, doanh thu của doanh nghiệp khác. Vì thế, khi khởi kiện vụ án hành chính có thế xác định có hay không có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh. Đặc biệt là hoạt động cạnh tranh, nếu xác định có vi phạm thì có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hành vi đó gây thiệt hại. Để được bồi thường thiệt hại thì cần chứng minh có thiệt hại xảy ra, thiệt hại đó phát sinh trực tiếp từ hành vi vi phạm và thời điểm bắt đầu của hành vi vi phạm thì quyền lợi của cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp sẽ được đảm bảo. Vì thế, nếu để thời hiệu quá ngắn như hiện tại là 30 ngày kể từ ngày nhận … thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người đi khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính. Vì vậy, cần quy định thời hiệu dài hơn và thêm cả thời điểm biết. Vì có thể sẽ xảy ta trường hợp người ban hành quyết định hành chính cố tình không cho nhận trực tiếp mà thực hiện các biện pháp khác như niêm yết công khai tại trụ sở doanh nghiệp, đơn vị quản lý hành chính hoặc đưa trên phương tiện thông tin đại chúng... mà vì những lý do nhất định doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh không nhận được hoặc không biết được.

Với việc quy định thêm thời điểm biết sẽ đảm bảo quyền khởi kiện của chủ thể khởi kiện khi bất kỳ khi nào biết về Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà mình đang đi khiếu nại thì đều có quyền khởi kiện trong khoảng thời gian được pháp luật quy định. Bởi vì, về mặt lý luận thì hết thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính, tòa án vẫn thụ lý và ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án(4). Chính vì thế, quy định như hiện tại dẫn tới vướng mắc trên và tác giả sẽ đưa ra đề xuất trong phần 3.

3. Đề xuất và kiến nghị liên quan đến việc xác định quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện trong vụ án hành chính

Trong bối cảnh hiện nay, cạnh tranh trong kinh doanh được thừa nhận là yếu tố đảm bảo cho việc duy trì tính năng động và hiệu quả của nền kinh tế. Quy định của pháp luật về cạnh tranh là nền tảng pháp lý cho việc hình thành nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng đồng nghĩa với việc các bên tham gia thị trường cạnh tranh với nhau. Trong quá trình cạnh tranh, các bên có các hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh nhằm tối đa hóa lợi nhuận, chèn ép đối thủ hoặc độc quyền thị trường. Pháp luật về cạnh tranh và pháp luật về xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh là công cụ quan trọng nhất trong hệ thống chính sách điều tiết cạnh tranh của Nhà nước. Để theo kịp với những thay đổi của thị trường, các điều kiện kinh tế - xã hội cũng như môi trường pháp lý và xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, Luật Cạnh tranh 2018 đã có nhiều quy định về kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh nhằm đảm bảo một môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng giữa các bên tham gia thị trường.

Thêm vào đó, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 mở rộng đối tượng khởi kiện là Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh. Tuy nhiên, việc xác định đối tượng khởi kiện này là chưa có trên thực tế, cộng với một số quy định có thể làm hạn chế quyền khởi kiện của chủ thể tham gia vào quan hệ này như đã phân tích ở trên. Tác giả mạnh dạn đưa ra 02 đề xuất sau:

Thứ nhất: Đề xuất liên quan đến vướng mắc khi giải quyết vụ việc cạnh tranh và ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là: Giảm thời hiệu khiếu nại trong vụ việc cạnh tranh xuống còn 02 năm và tăng thời hạn giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh lên tới 60 ngày hoặc 75 ngày đối với vụ việc phức tạp để phù hợp với chế định pháp luật về khiếu nại

Thứ hai: Đề xuất liên quan đến vấn đề thời hiệu khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh: về thời hiệu khởi kiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh nên quy định thống nhất là 01 năm kể từ ngày nhận hoặc biết quyết định giải quyết khiếu nại đó (để đồng nhất với các đối tượng khởi kiện khác).

Với các quy định của luật cạnh tranh thì các chuyên gia kinh tế và các chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực cạnh tranh đã có nhiều bài viết, kiến nghị hoàn thiện có giá trị. Còn với quy định về đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính là Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh và vấn đề thời hiệu khởi kiện của nó thì ít người nghiên cứu. Trong phạm vi nghiên cứu của mình, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện liên quan đến việc xác định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với loại đối tượng khởi kiện trên, mong được sự góp ý và chỉ dẫn thêm của các nhà nghiên cứu khác.

Kết luận:

Vấn đề xác định đối tượng khởi kiện trong vụ án hành chính là quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh là căn cứ để xác định loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Đây là loại đối tượng đặc thù trong hoạt động cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh thương mại. Để làm rõ hoạt động quản lý hành chính tác động vào lĩnh vực kinh doanh thương mại thì tác giả đã tìm hiểu, nghiên cứu, tham khảo để làm rõ hơn về loại đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện đối với loại đối tượng khởi kiện này và đưa ra 02 đề xuất để hoàn thiện chế định về đối tượng khởi kiện là Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong việc giải quyết vụ án hành chính.

Ths Nguyễn Thị Thúy Hà - Lê Thu Thảo, Giảng viên Khoa Luật sư, Học viện Tư pháp

(1) Ví dụ về hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở nước ta hiện nay? - Tác giả Luật sư Lê Minh Trường - Công ty luật Minh Khuê;

(2) Điều 3, Luật Tố tụng hành chính năm 2015;

(3) Nghị quyết 02/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao;

(4) Điều 30, Luật Tố tụng hành chính năm 2015;

(5) Điều 103 Luật Cạnh tranh năm 2018


Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/ban-ve-doi-tuong-khoi-kien-thoi-hieu-khoi-kien-trong-vu-an-hanh-chinh-a43026.html