Người cao tuổi thuộc trường hợp nào được trợ cấp xã hội hàng tháng?

Nhiều người thắc mắc, theo quy định hiện hành, người cao tuổi thuộc trường hợp nào thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng?

Khoản 5, Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp sau thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng:

a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;

Người cao tuổi thuộc trường hợp nào được trợ cấp xã hội hàng tháng?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng;

d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.

Như vậy, người cao tuổi thuộc các trường hợp nêu trên được trợ cấp xã hội hàng tháng.

Người cao tuổi không có lương hưu nhận trợ cấp xã hội 500.000 đồng/tháng

Chính phủ ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Nghị định số 76/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2,3 Điều 4 quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội. Theo quy định mới, mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 1/7/2024 là 500.000 đồng/tháng, tăng 140.000 đồng/tháng so với quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (360.000 đồng/tháng).

Nghị định số 76/2024/NĐ-CP nêu rõ: Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.

Trường hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương bảo đảm, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định:

- Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn cao hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP.

- Đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Nghị định số 76/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Nghị định số 76/2024/NĐ-CP nêu: Các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 11, khoản 1 Điều 13, khoản 1 và 2 Điều 14, khoản 1 Điều 19, khoản 1 và 2 Điều 20, khoản 1 và 3 Điều 25 và các các điều khoản có liên quan khác quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này kể từ ngày 1/7/2024.

Đối tượng đang hưởng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được điều chỉnh hưởng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này kể từ ngày 1/7/2024.

Minh Hoa (t/h theo Lao Động, BĐT Đảng Cộng sản Việt Nam)

Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/nguoi-cao-tuoi-thuoc-truong-hop-nao-duoc-tro-cap-xa-hoi-hang-thang-a42986.html