Tuổi thọ tăng là điều đáng tự hào
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.BS Nguyễn Bích Ngọc - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến Bệnh viện Lão khoa Trung ương, vấn đề nổi lên hiện tại của Việt Nam cũng như của các nước khác là vấn đề già hóa dân số. Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Theo bà Ngọc, già hóa dân số là do tỉ lệ sinh giảm, trong khi đó tỉ lệ tử vong cũng giảm nhưng tuổi thọ của con người lại được tăng lên.
“Tuổi thọ tăng là một thành tựu về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa là điều tự hào. Tuy nhiên, thực trạng già hóa dân số của Việt Nam quá nhanh, chúng ta lại già chi khi chưa giàu”, bà Ngọc nói.
Theo dự báo, đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”. Dự báo đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên đạt khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số.
BS.Ngọc cho rằng điều này đặt ra nhiều thách thức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ví dụ như tầng lớp người cao tuổi nhiều quá thì họ không muốn có nhiều thay đổi như vậy sẽ có thể kìm chế đối với sự đổi mới.
Về mặt kinh tế, cơ cấu dân số thay đổi, lực lượng trẻ giảm đi chúng ta có thể tính toán để sử dụng lực lượng lao động cao tuổi. Tuy nhiên, theo bà Ngọc, khi đó sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề, như sử dụng người cao tuổi như thế nào?. Trong khi đó, các ngành công nghiệp lại không muốn tuyển dụng những người từ 45 tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, an sinh xã hội cũng bị tác động, trong đó chi phí cho người cao tuổi tăng lên.
“Ví dụ, chi phí cho người cao tuổi có thể gấp 7 - 8 lần so với người trẻ. Đặc biệt, thuốc dành cho người cao tuổi có thể chiếm đến 50 % tổng lượng thuốc của toàn dân sử dụng. Cùng với đó, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc xã hội cho người cao tuổi cũng tăng lên, trợ cấp của xã hội, xây dựng bệnh viện, xây dựng các cơ sở để chăm sóc người cao tuổi, những dịch vụ đi kèm… bị ảnh hưởng”, BS.Ngọc nói và cho biết chính sách về lương hưu cũng phải thay đổi để thích ứng với già hóa dân số.
“Hay các vấn đề khác cũng ảnh hưởng, đối với mỗi gia đình khi đó một người trẻ sẽ phải chăm sóc bố mẹ đẻ, chăm sóc bố mẹ chồng, sau lưng lại là những cái đứa con, giống như thế hệ “kẹp bánh mì” tức là người trung tuổi phải chịu gánh nặng đó như phải nghỉ việc để chăm sóc người cao tuổi…”, BS.Ngọc nói thêm về những thách thức khi già hóa dân số.
BS.Ngọc cho rằng khó khăn, thách thức của tình trạng già hóa dân số tại Việt Nam là rất đáng kể và đáng quan tâm.
“Chúng ta phải dành nhiều công sức, nguồn lực cũng như là các chính sách, luật để việc chăm sóc cho người cao tuổi có thể thích ứng với giai đoạn mới”, BS.Ngọc nói.
Chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi
Để thích ứng với già hóa dân số, BS.Ngọc cho rằng, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi rất quan trọng. Trong đó, chăm sóc sức khỏe về mặt thể chất và sức khỏe tâm thần.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã quan tâm nhiều đến vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, đã lập ra nhiều bộ môn lão khoa ở các trường đại học. Ví dụ như Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược Huế, Đại học Y Dược Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng.
“Tuy nhiên, người cao tuổi mắc rất nhiều bệnh cùng một lúc. Đối với người 80 tuổi, chúng tôi là những người trực tiếp tham gia một điều tra ở Sóc Sơn khoảng 700 người cao tuổi cho thấy mắc 7 bệnh và hội chứng ở người cao tuổi. Ví dụ như ở người cao tuổi thì hay mắc những bệnh mãn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương đặc biệt là cái sa sút trí tuệ”, BS.Ngọc cho hay.
Nhấn mạnh, rất nhiều vấn đề về sức khỏe của người cao tuổi cần phải chăm sóc, BS.Ngọc cho rằng đầu tiên cần phải xây dựng chính sách, thông tư, hướng dẫn, quy trình để hướng dẫn cho nhân viên y tế cũng như các lực lượng trong xã hội về công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, cũng như chăm sóc về mặt xã hội cho người cao tuổi.
Cùng với đó, phát triển và đẩy mạnh các hoạt động chuyên ngành lão khoa, tăng cường công tác đào tạo, thậm chí đào tạo trong cả trường nghề.
“Ngoài ra, có thể xây dựng các gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, thêm vào đó chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi là hoạt động do người khác cung cấp. Khi người cao tuổi bị suy giảm khả năng vận động, suy giảm khả năng nghe nhìn cần phải có sự trợ giúp của người khác thì cần phải có sự chăm sóc dài hạn, vấn đề này đã được Bộ Y tế quan tâm và cần phải đẩy mạnh để thành hiện thực”, BS.Ngọc nêu.
Khi theo dõi dự thảo Luật Dân số, BS.Ngọc cũng nhận thấy, dự thảo luật lần này đã đề cập nhiều đến vấn đề chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi, điều này đòi hỏi phải có nguồn lực.
BS.Ngọc nêu dẫn chứng như ở Nhật Bản có bảo hiểm chăm sóc dài hạn, còn ở Thái Lan có quỹ dành cho người khuyết tật và dành cho chăm sóc dài hạn (như chi 5.000 Baht) cho người cao tuổi được trích từ quỹ phòng, chống thuốc lá, rượu, bia và các thuế.
Do đó, BS. Ngọc cho rằng, Việt Nam cũng cần xem xét, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng quỹ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dài hạn. Đây cũng là một trong những giải pháp giúp chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong tương lai.
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến sức khỏe kinh tế, tinh thần cho người cao tuổi như việc làm, môi trường sống. Ví dụ như về giao thông, cần phải có lối đi riêng dành cho người cao tuổi, nơi an toàn cho người cao tuổi…
Đồng thời, cần tuyên truyền, vận động để các cơ quan, ban, ngành liên quan tham gia vào mặt lồng ghét hoạt động, triển khai các chính sách chăm sóc người cao tuổi và vận động doanh nghiệp, khu vực tư nhân cũng như vận động cả gia đình tham gia vào hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Cần nghiên cứu xây dựng quỹ bảo hiểm chăm sóc sức khỏe dài hạn
“Tại sao Nhật Bản hay Hàn Quốc giải quyết tốt vấn đề chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi? Câu trả lời là bởi các nước xây dựng bảo hiểm chăm sóc dài hạn. Cho nên, tôi nghĩ Việt Nam cũng bắt đầu nên nghiên cứu để xây dựng quỹ bảo hiểm này” - GS.TS Nguyễn Đình Cử, Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Hoàng Bích - Ngọc Tân
Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/chi-phi-an-sinh-xa-hoi-cho-nguoi-cao-tuoi-gap-7-8-lan-so-voi-nguoi-tre-a42984.html