Sáp nhập cơ quan, đơn vị: Có người tài mới làm ra thể chế tốt

Trò chuyện với Tiền Phong về việc lựa chọn nhân sự vào vị trí cấp trưởng khi các cơ quan, đơn vị sáp nhập với nhau, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, khi tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực công việc sẽ bộn bề hơn, yêu cầu với người đứng đầu cao hơn. Do đó, khi đặt cán bộ lên “bàn cân” để chọn người đứng đầu cần dựa vào thành tích, năng lực nổi trội...

Chọn cán bộ theo thành tích “ít sai hơn”

Vậy tiêu chí nào để biết đó là người có năng lực nổi trội, phù hợp với vị trí đứng đầu đơn vị sau khi hợp nhất, sáp nhập, thưa ông?

Chẳng có tiêu chí nào cao hơn kết quả thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, chính quyền giao phó. Đánh giá năng lực cán bộ, nhất định phải dựa trên thành tích, trên kết quả được cân đong, đo đếm cụ thể, chứ không thể chỉ dựa vào các tiêu chí, tiêu chuẩn chung chung.

Ví dụ, khi sáp nhập lĩnh vực giao thông vận tải với lĩnh vực xây dựng, sẽ thừa ra 1 cấp trưởng, thừa ra 1 giám đốc sở, vậy chọn ai? Trường hợp, có người chuẩn bị nghỉ hưu, thời gian công tác không còn dài, hoặc tình nguyện xin nghỉ thì dễ rồi, nhưng nếu lãnh đạo cả hai đơn vị đều còn trẻ, đều mong muốn phấn đấu thì căn cứ vào đâu để lựa chọn cấp trưởng?

Nếu dựa vào tiêu chí, tiêu chuẩn chung theo quy định về công tác cán bộ , có lẽ ai cũng đáp ứng đầy đủ hết. Còn nếu dựa vào căn cứ xếp loại thi đua, tôi nghĩ, ai cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cả thôi. Vậy nên, phải căn cứ vào kết quả, thành tích cụ thể mà họ thực hiện được ở đơn vị trước khi sáp nhập để đánh giá, lựa chọn. Anh đảm nhận chức giám đốc Sở GTVT thì tình hình giao thông ở đó thế nào, có phát triển hay lại trì trệ? Làm giám đốc Sở Xây dựng, công tác xây dựng trên địa bàn mấy năm qua ra sao, phát triển nhà ở xã hội thế nào?

Tương tự, khi cán bộ đó giữ chức giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì công tác phân bổ vốn đầu tư, thực hiện giải ngân trên địa bàn ra sao, phát triển doanh nghiệp thế nào…? Tất cả những cái đó đều thể hiện qua con số hết, rất dễ để định lượng.

Căn cứ vào thành tích mà đánh giá, mà lựa chọn cán bộ thì rất dễ để định lượng. Anh nào làm tốt thì bổ nhiệm làm cấp trưởng, anh nào thành tích hạn chế hơn thì làm cấp phó. Anh làm giám đốc sở mà lúc nào cũng sợ sai, sợ trách nhiệm, giải ngân trì trệ thì khi sáp nhập không thể để anh làm cấp trưởng được.

Đánh giá cán bộ, không thể chỉ dựa vào bằng cấp, kinh nghiệm mà phải bằng sản phẩm và những hành động cụ thể.

Sáp nhập cơ quan, đơn vị: Có người tài mới làm ra thể chế tốt- Ảnh 1.

Đánh giá, lựa chọn cán bộ khi sáp nhập các đơn vị lại với nhau nên căn cứ vào kết quả thực hiện công việc được giao

Thế còn tiêu chí về tầm quan trọng của lĩnh vực, của ngành thì sao? Liệu có nên lựa chọn người đứng đầu theo quan điểm bộ này, sở kia quan trọng nên khi sáp nhập, phải bố trí họ vào vị trí cấp trưởng?

Không thể lựa chọn cán bộ theo quan điểm: bộ này quan trọng hơn bộ kia, hay cơ quan này bị kết thúc hoạt động phải sáp nhập vào đơn vị khác nên chỉ được làm cấp phó.

Đánh giá, lựa chọn cán bộ phải dựa trên thành tích. Anh làm giám đốc sở mà để công việc ách tắc, trì trệ thì không xứng đáng để được lựa chọn làm cấp trưởng sau sáp nhập. Đánh giá cán bộ thông qua kết quả luôn có tỷ lệ chính xác và khách quan cao nhất.

“Khi tiến hành sáp nhập các cơ quan, đơn vị lại với nhau, cứ căn cứ vào thành tích mà đánh giá sẽ chọn được đúng người. Anh nào làm tốt thì bổ nhiệm làm cấp trưởng, anh nào thành tích hạn chế hơn thì làm phó. Anh làm giám đốc sở mà lúc nào cũng sợ sai, sợ trách nhiệm, giải ngân trì trệ, khi sáp nhập không thể làm cấp trưởng được. Đánh giá cán bộ, không thể chỉ dựa vào bằng cấp, kinh nghiệm chung chung mà phải bằng sản phẩm và những hành động cụ thể”.

Ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới

Thực tiễn cho thấy, chọn cán bộ theo thành tích thì tỷ lệ chọn nhầm người luôn thấp hơn. Địa phương khó khăn, cán bộ luân chuyển về tìm cách phát triển, đưa địa phương lên hàng đầu được, chứng tỏ anh là người giỏi. Những người giỏi đó phải được ưu tiên bố trí ở công việc cao hơn.

Cùng là người đứng đầu các đơn vị, khi sáp nhập lại với nhau, đặt lên bàn cân, anh nào có kết quả thực hiện công việc tốt hơn thì chọn người đó. Chúng ta thấy, nhiều địa phương phát triển cũng nhờ một đội ngũ lãnh đạo xuất sắc, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá phát triển.

Vì thế, trong quá trình thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy lần này, phải ngăn chặn được tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy” để được làm cấp trưởng.

Hơn nữa, khi sáp nhập tổ chức bộ máy lại, công việc trong giai đoạn đầu sẽ nhiều lên, đòi hỏi người đứng đầu phải có năng lực nổi trội thông qua kết quả thực hiện công việc, chứ năng lực bình bình, khó mà đáp ứng được yêu cầu.

Giảm chi bộ máy, tăng chi phát triển

Từ thực tiễn, ông kỳ vọng gì từ cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này?

Kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, chúng ta đã nhiều lần thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng bộ đa ngành, đa lĩnh vực. Qua theo dõi tôi thấy, khi thực hiện tinh giản bộ máy sẽ giúp giảm bớt đầu mối quản lý, tạo cơ hội lựa chọn được người giỏi. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, bởi bộ máy có người tài mới làm ra được thể chế tốt, tạo động lực cho sự phát triển.

Việc trọng dụng nhân tài, thực tế đã được Đảng, Nhà nước nhấn mạnh từ lâu, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả. Vì sao chỉ có rất ít sinh viên đỗ thủ khoa khi ra trường vào làm việc cho khu vực Nhà nước? Vì sao nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài không về nước làm việc? Thông qua cuộc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy lần này, Đảng, Nhà nước cần sớm có chiến lược bài bản để thu hút, trọng dụng nhân tài bằng chế độ đãi ngộ xứng đáng, môi trường làm việc thông thoáng để họ phát huy năng lực, sở trường.

Ngoài ra, tinh giản bộ máy sẽ giảm bớt được đầu mối quản lý, giảm thủ tục hành chính không cần thiết. Càng nhiều bộ, ngành, nhiều đầu mối, thủ tục hành chính càng phức tạp, càng nhiều xin - cho, làm mất thời gian, tiền bạc và cơ hội phát triển. Nhiều đầu mối, khiến chi phí vận hành bộ máy phình ra, không còn nguồn lực chi cho đầu tư phát triển.

Vì vậy, việc sáp nhập các bộ , ngành với nhau, là hướng đi đúng. Ví dụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư hợp nhất với Bộ Tài chính, tôi thấy rất hợp lý, vì việc thu và chi cần gắn với nhau. Việt Nam đã theo kinh tế thị trường từ lâu, không nên có cơ quan gắn với chữ “kế hoạch” vì nó gắn với thời kỳ kế hoạch hóa tập trung.

Vấn đề quan trọng không kém là tiếp tục cải cách doanh nghiệp Nhà nước . Nhà nước không nắm những thứ không cần thiết. Những thứ tư nhân có thể làm được và làm tốt, hãy để tư nhân làm. Cải cách tổ chức bộ máy chính là cơ hội để chúng ta thay đổi nhiều thứ, trong đó có việc cải cách thể chế, xóa bỏ cơ chế xin - cho nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thông thoáng, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.

Cảm ơn ông!

Sáp nhập chọn sai người, hỏng cả hai

Nói về việc lựa chọn cán bộ khi thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, tại Hội nghị của Bộ Nội vụ mới đây (ngày 21/12), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình khẳng định, bộ máy dù có khoa học, tinh gọn, hợp lý bao nhiêu thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy đó vẫn phải do con người quyết định.

“Hai vụ, hai phòng, nếu một anh giỏi, một anh dở thì có khi chỉ một phòng, một vụ hỏng. Còn nhập hai vụ, hai phòng lại làm một, nếu để anh dở làm thì có khi hỏng cả hai. Cho nên phải đánh giá, sử dụng đúng cán bộ làm sao cho đúng”, ông Bình nói.

Sáp nhập cơ quan, đơn vị: Có người tài mới làm ra thể chế tốt- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình

Nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Không để cơ quan Nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém”, Phó Thủ tướng lưu ý, khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy phải lựa chọn, giữ được cán bộ tinh hoa trong bộ máy hành chính công - những người có tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm, nhiệt huyết, bản lĩnh. “Nếu chúng ta thực hiện không khéo, có khi người tài lại xin nghỉ, còn người dở ở lại. Làm không cẩn thận một hồi người tài ra đi hết, sẽ không thành công”, ông Bình nói. Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ và các địa phương có giải pháp để vừa thực hiện được tinh gọn tổ chức bộ máy, vừa chọn được đội ngũ cán bộ tinh hoa trong khu vực hành chính công. “Phải giữ được người tài, người có kinh nghiệm, bản lĩnh. Đây là bài toán rất khó nhưng phải cố gắng làm”, Phó Thủ tướng lưu ý.


Link nội dung: https://thuonghieudoanhnhan.net/sap-nhap-co-quan-don-vi-co-nguoi-tai-moi-lam-ra-the-che-tot-a42746.html